Kĩ năng quản trị là quan trọng nhất với nhà khởi nghiệp

Thứ sáu - 09/06/2023 09:40 208 0
“Ngoài những kiến thức về xây dựng sản phẩm, bán hàng hay marketing, nhà sáng lập cần trang bị những kiến thức căn bản về tài chính, kế toán, luật, quản trị nhân sự và các chuyên môn đặc thù khác. Không cần phải là chuyên gia trong từng lĩnh vực, nhưng ít nhất đủ để đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định”, CEO Piktina đưa ra lời khuyên.
Kĩ năng quản trị là quan trọng nhất với nhà khởi nghiệp
Rời Be Group - đơn vị vận hành nền tảng Be vào tháng 9/2021, bà Nguyễn Hoàng Phương được biết đến là một trong những nhà sáng lập đầu tiên đưa Be trở thành ứng dụng gọi xe phổ biến hàng đầu tại Việt Nam.
Dấu ấn của bà Nguyễn Hoàng Phương thể hiện qua việc cựu CEO này từng đưa ứng dụng Ngân hàng số Cake by VPBank chính thức vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng các ứng dụng tài chính phổ biến nhất Việt Nam chỉ sau 6 tháng ra mắt.
Đam mê khởi nghiệp của vị nữ lãnh đạo chưa bao giờ dừng lại. Bà Phương tiếp tục sáng lập và trở thành CEO của Piktina - startup thương mại điện tử trong lĩnh vực thời trang dành riêng cho các sản phẩm đã qua sử dụng và đã huy động được 1 triệu USD trong vòng tài trợ hạt giống từ quỹ đầu tư Touchstone Partners. 
Piktina kết nối người mua và người bán đồ cũ, nhắm đến các cá nhân muốn thanh lý quần áo cũ và các doanh nghiệp chuyên về các mặt hàng thời trang đã qua sử dụng. Nguồn cảm hứng của Piktina đến từ Depop - một công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Anh, từng được Etsy có trụ sở tại Mỹ mua lại với giá 1,6 tỷ USD vào năm 2021. Depop hiện có 90% người dùng đang hoạt động ở độ tuổi dưới 26.
Tương tự Depop, startup Piktina cũng nhắm đến đối tượng khách hàng là Gen Z tại Việt Nam. Ước tính, quy mô của thị trường sản phẩm thời trang đã qua sử dụng tại Việt Nam sẽ lên tới 5 tỷ USD vào năm 2026.
Nói về những lưu ý dành cho các nhà sáng lập trên con đường khởi nghiệp, CEO Nguyễn Hoàng Phương cho rằng, kỹ năng quản trị là điều đầu tiên cần cân nhắc, và quan trọng nhất. “Ngoài những kiến thức về xây dựng sản phẩm, bán hàng hay marketing, nhà sáng lập cần trang bị những kiến thức căn bản về tài chính, kế toán, luật, quản trị nhân sự và các chuyên môn đặc thù khác. Không cần phải là chuyên gia trong từng lĩnh vực, nhưng ít nhất đủ để đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định”, CEO Piktina nói.
Bên cạnh đó, kĩ năng xây dựng đội ngũ cũng rất cần thiết. Theo bà Phương, do startup thường không có tiền và danh tiếng để thu hút nhân tài giai đoạn đầu, nhà sáng lập cần có khả năng khai thác các mối quan hệ, có uy tín để thu hút những nhân viên giỏi.
Hãy tự hỏi bạn có thể kêu gọi được những ai tham gia cùng mình, năng lực của họ là gì, đã đủ cho startup giai đoạn đầu hay chưa? Nếu thiếu, các bạn có khả năng xây dựng một đội ngũ để triển khai hay không?”  bà Phương chia sẻ. Ngoài ra, các nhà sáng lập cũng cần chuẩn bị tốt sức khỏe thể chất và tinh thần cho bản thân và gia đình trong hành trình này. Bởi làm startup có nghĩa là phải luôn làm việc với cường độ cao, thay đổi liên tục và rủi ro cạn nguồn lực thường trực.
Tất nhiên, vấn đề tài chính cũng rất đáng để xem xét. Bà Phương cho biết: “Nếu không có lương trong 5 năm tới thì bản thân và gia đình sẽ ra sao? Startup thì tất nhiên cần nguồn vốn từ quỹ đầu tư để vận hành, nhưng ngay cả khi có vốn cũng không có nghĩa là thu nhập của founder sẽ được đảm bảo. Nếu chưa thực sự sẵn sàng về tài chính, hãy tiếp tục tích lũy”.
Cuối cùng mới là ý tưởng kinh doanh. CEO Piktina đưa ra lời khuyên, startup nên đặt ra những câu hỏi như: sản phẩm của tôi sẽ là gì, bán cho ai, thị trường có nhu cầu này không, tôi kiếm tiền bằng cách nào?
Ông Bùi Hoài Nam - đồng sáng lập và CEO Urbox
Chia sẻ về kinh nghiệm khi cung cấp các dịch vụ, sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn, ông Bùi Hoài Nam - đồng sáng lập và CEO Urbox (startup giải pháp tặng quà online) tin rằng, mô hình cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp (B2B) đang lên ngôi ở Việt Nam.
Theo ông Nam, các giải pháp dành cho người tiêu dùng (B2C) rất khó có thể thu hút vốn đầu tư trong bối cảnh hiện nay vì tốn kém, và tính trung thành của nhóm này không cao. Nhưng để tiếp cận nhóm khách hàng doanh nghiệp lại không hề đơn giản. Ông Bùi Hoài Nam chia sẻ 3 lưu ý cho các startup trong việc cung cấp, chào mời dịch vụ của mình cho các doanh nghiệp lớn.
Đầu tiên là cần hiểu rõ quy trình làm việc, mua hàng của doanh nghiệp đối tác. Theo ông Nam, điều này cực kỳ quan trọng vì nó sẽ giúp startup hiểu rõ về nhu cầu giải pháp hơn. Thông thường, các nhà sáng lập có kinh nghiệm lâu năm trong doanh nghiệp sẽ có lợi thế vì hiểu rõ quy trình và các vấn đề họ thường gặp phải.
Thứ hai là việc xây dựng mạng lưới đối tác. CEO Urbox cho rằng, thiết lập mạng lưới đối tác đồng hành với dịch vụ của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Ví dụ, startup muốn cung cấp dịch vụ cho ngân hàng thì phải thiết lập mạng lưới đối tác với các bên cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng như Visa, Mastercard.
Cuối cùng là luôn cần chuẩn bị kỹ càng trong mọi tình huống. “Từ các bài thuyết trình, nghiên cứu thị trường, nhu cầu sử dụng đều cần được chuẩn bị kỹ trước khi tiếp cận doanh nghiệp. Trước khi sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp cũng sẽ tìm hiểu về startup, các nhà sáng lập, và kinh nghiệm làm việc của họ trước đó”, ông Nam nói./.
nguồn: Việt Hưng - https://theleader.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm14
  • Hôm nay3,417
  • Tháng hiện tại90,075
  • Tổng lượt truy cập1,804,246
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây