Đại biểu quét mã QR lấy tài liệu cuộc họp trên ứng dụng Tây Ninh Smart.
Trong giai đoạn tăng tốc, chuyển đổi số là một trong những lĩnh vực được tỉnh đưa vào diện chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển KT-XH của tỉnh, cần được đầu tư nhiều hơn cả về nguồn lực và quyết tâm chính trị của các cơ quan nhà nước, trước mắt là cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến để thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tăng mức độ hài lòng.
Cần đơn giản hoá thủ tục hành chính trên mạng
Bà Nguyễn Thị Nhung- Chủ tịch UBND xã Tân Đông, huyện Tân Châu cho biết, từ năm 2023, chỉ tiêu và định mức cũng như yêu cầu công tác chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến đặt ra cao hơn. Các địa phương cấp xã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Vừa qua, UBND xã phối hợp Ngân hàng VietinBank và chi nhánh Tập đoàn viễn thông Viettel trú đóng trên địa bàn huyện cử cán bộ trực tiếp phối hợp tại bộ phận Một cửa để hỗ trợ người dân đăng ký sim chính chủ, mở tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, cán bộ công chức xã tiếp tục hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia, nộp hồ sơ trực tuyến; cùng lực lượng Công an vận động người dân đăng ký định danh điện tử mức độ 2. Đây là những phần việc quan trọng để tăng số lượng người dân có tài khoản dịch vụ công quốc gia, hưởng ứng nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến trong thời gian tới.
Những thủ tục hành chính liên quan trực tiếp, được nhiều người dân quan tâm là hai thủ tục liên thông: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú; đăng ký khai tử, xoá hộ khẩu thường trú và mai táng phí. Công chức bộ phận Một cửa của xã đã được tập huấn để hướng dẫn thêm cho bà con.
Chủ tịch UBND xã Tân Đông cho biết thêm: “Tại khu vực biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mặt bằng dân trí thấp hơn so với các khu vực khác, thuyết phục người dân tham gia chuyển đổi số nói chung, sử dụng dịch vụ công trực tuyến nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều người dân không rành công nghệ, không có thiết bị và nhất là các bộ TTHC nhìn chung vẫn còn rườm rà, phức tạp, thậm chí một số cán bộ, công chức còn thấy khó thực hiện. Cần phải nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hơn nữa các bộ TTHC, càng đơn giản, dễ thực hiện thì người dân mới dễ tiếp cận và thực sự muốn sử dụng dịch vụ công trực tuyến”.
Nhiều giải pháp trong thời gian tới
Theo ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, trong chuyển đổi số nói chung và mục tiêu xây dựng chính quyền số nói riêng, tỉnh xác định lấy người dân làm trung tâm, tất cả mọi tiện ích đều hướng tới phục vụ người dân. Vấn đề khó hiện nay là làm thế nào để người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến?
Theo khảo sát của ngành TT&TT, tỷ lệ người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp là do chất lượng dịch vụ công trực tuyến chưa tốt; thói quen người dân thích đến nộp hồ sơ trực tiếp, ngại sử dụng các thiết bị công nghệ hoặc không có thiết bị, không có mạng internet… Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh triển khai nhiều giải pháp, có sự đột phá trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, để người dân sử dụng và tự thực hiện chứ không phải cán bộ làm thay.
Thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng, Sở TT&TT sẽ xây dựng kế hoạch một chiến dịch cùng với từng địa phương, sở, ngành rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản từng bộ TTHC. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa. Trước hết, 100% cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tuyên truyền người thân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp.
Đoàn viên hướng dẫn đại biểu cao tuổi quét mã QR lấy tài liệu cuộc họp trên ứng dụng Tây Ninh Smart.
Đặc biệt, hướng tới mục tiêu hình thành những “công dân số”, 100% học sinh THPT trên địa bàn tỉnh được phổ biến, hướng dẫn trực tiếp các kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích số của tỉnh.
Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành tiếp tục rà soát bổ sung thêm TTHC cung cấp toàn trình, hoàn thiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư và dữ liệu quốc gia khác vào các E-form trên dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Tiếp tục thí điểm không tiếp nhận hồ sơ trực tiếp (chỉ tiếp nhận trực tuyến) một số ngày trong tuần. Ban hành chính sách rút ngắn thời gian xử lý TTHC nộp trực tuyến so với quy định; chính sách giảm phí, lệ phí đối với TTHC cung cấp dạng dịch vụ công trực tuyến.
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đây là lĩnh vực có số lượng hồ sơ lớn, thủ tục phức tạp và có nhiều ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, ông Văn Tiến Dũng- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, bên cạnh chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ tiếp nhận hồ sơ thủ tục đất đai, Sở đang phối hợp Sở TT&TT sớm đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào sử dụng thống nhất trong toàn tỉnh.
Nguồn: https://www.tayninh.gov.vn/
Tác giả: Quản trị Quản trị
Ý kiến bạn đọc