Tăng cường sử dụng chữ ký số phục vụ CCHC trong các cơ quan Đảng, Nhà nước

Thứ bảy - 24/12/2022 15:57 369 0
Sáng ngày 28/10, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Sáng ngày 28/10, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Tăng cường sử dụng chữ ký số phục vụ CCHC trong các cơ quan Đảng, Nhà nước - Ảnh 1.

Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ Vũ Ngọc Thiềm: Ban Cơ yếu Chính phủ xác định nhiệm vụ cung cấp, quản lý dịch vụ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là nhiệm vụ mới và vô cùng quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; đồng chí Nguyễn Sơn Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; các đồng chí lãnh đạo đại diện các đơn vị chuyên trách CNTT của văn phòng các tỉnh, thành ủy, các Bộ, ngành các Tỉnh, thành phố và các, Sở, ban, ngành tỉnh Đồng Nai.

Ngành Cơ yếu Việt Nam tham dự có đồng chí Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; đồng chí Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo đại diện Cục Cơ yếu, Bộ Tổng tham mưu, Cục Viễn thông và Cơ yếu, Bộ Công an, Cục Cơ yếu, Bộ ngoại giao; các cơ quan đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ và cán bộ cơ yếu Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy của 63 tỉnh, thành phố.

Thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh, cải cách hành chính và chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng, liên tục với nhiều cơ hội, thách thức đan xen. Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giảm thủ tục hành chính và giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả. Đảng, Nhà nước rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng với việc áp dụng hiệu quả công nghệ số thì tình hình mất an toàn, an ninh thông tin ở nước ta diễn biến phức tạp, hệ thống mạng thông tin nước ta nằm trong nhóm các quốc gia phải đối mặt với nhiều mã độc nhất và thường xuyên bị tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, tính chất tinh vi, có tổ chức và ngày càng nguy hiểm, nghiêm trọng. 

Đặc biệt, tình trạng lộ lọt thông tin, bí mật nhà nước trên không gian mạng gia tăng đáng báo động cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều Bộ, ngành, địa phương với nhiều biểu hiện và hình thức khác nhau. Tình hình đó đã gây hậu quả nặng nề, đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và đối ngoại của đất nước.

Ban Cơ yếu Chính phủ xác định nhiệm vụ cung cấp, quản lý dịch vụ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là nhiệm vụ mới và vô cùng quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao; việc thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ trên sẽ tạo yếu tố tác động thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, vừa góp phần đảm bảo an ninh quốc gia vừa tạo điều kiện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ, thực hiện các quy định về giao dịch điện tử và chữ ký số, thời gian qua, cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã chủ động, tích cực triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đã đạt được những kết quả quan trọng. 

Việc triển khai, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã góp phần quan trọng đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và phát triển chính quyền điện tử.

Tăng cường sử dụng chữ ký số phục vụ CCHC trong các cơ quan Đảng, Nhà nước - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng: Tỉnh Đồng Nai đã chủ động, tích cực triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng chia sẻ thêm, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan nhà nước các cấp tỉnh Đồng Nai vẫn còn những bất cập, hạn chế như: người đứng đầu cơ quan vẫn chưa thực sự quan tâm đến chữ ký số chuyên dùng Chính phủ dẫn đến hiệu quả công tác triển khai sử dụng chưa cao; một số Sở, ngành, địa phương chưa mạnh dạn thay đổi thói quen làm việc, ký số văn bản; việc áp dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trên các thiết bị di động thông minh, các hệ điều hành khác nhau chưa được triển khai rộng rãi…

Nguyên nhân chủ yếu của các bất cập, hạn chế nêu trên được cho là do hành lang pháp lý liên quan đến cung cấp, quản lý và sử dụng còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; thủ tục hành chính liên quan đến cấp mới, cấp đổi, cấp lại, gia hạn chứng thư số chưa thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức thực hiện; hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đúng mức, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Đặng Duy Mẫn, Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã trình bày báo cáo tình hình cung cấp, quản lý chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước và giới thiệu một số giải pháp ký số, xác thực của Ban Cơ yếu Chính phủ. 

Báo cáo đã nêu bật các kết quả đạt được về tình hình cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số, chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp thời gian qua như: Triển khai xác thực, bảo mật thông tin cho hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất Căn cước công dân có gắn chip điện tử; triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cho việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia; chuyển đổi số hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. 

Đồng chí Đặng Duy Mẫn cũng chia sẻ một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trong thời gian tới.

Tăng cường sử dụng chữ ký số phục vụ CCHC trong các cơ quan Đảng, Nhà nước - Ảnh 3.

Đồng chí Đặng Duy Mẫn, Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin trình bày tham luận tại Hội nghị

Hội nghị cũng được lắng nghe một số tham luận nổi bật như: "Thực trạng và kết quả thực hiện cải cách hành chính và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước" của đồng chí Trần Quang Hồng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ trình bày những kết quả nổi bật trong cải cách hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó, bài tham luận đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2022-2025 để tăng cường cải cách hành chính và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước.

Tham luận "Triển khai ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của các cơ quan Đảng trên môi trường số" của đồng chí Đinh Bá Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - Cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng đã nêu bật những kết quả đạt được trong việc triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan Đảng; đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng.

Đồng chí Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ trình bày tham luận "Hiệu quả ứng dụng công nghệ số, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong công tác văn thư, lưu trữ và định hướng lưu trữ điện tử trong thời gian tới", tham luận nêu rõ cơ sở pháp lý liên quan tới chữ ký số, công tác văn thư, lưu trữ điện tử. Đồng thời, nêu bật hiệu quả ứng dụng công nghệ số, chữ ký số trong công tác văn thư, lưu trữ. Đặc biệt, tham luận nêu các vấn đề, vướng mắc cần giải quyết về lưu trữ điện tử trong thời gian tới.

Tham luận "Tình hình phát triển chữ ký số tại Việt Nam và phương án thúc đẩy phát triển chữ ký số cá nhân phục vụ dịch vụ công trực tuyến" do đồng chí Đặng Đình Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày đã thông tin cụ thể tình hình triển khai, sử dụng chữ ký số hiệu quả tại một số quốc gia trên thế giới. Đồng thời, mô tả tổng quan tình hình phát triển và ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam; đưa ra các giải pháp, phương án thúc đẩy phát triển chữ ký số cá nhân phục vụ dịch vụ công trực tuyến.

Tiếp tục phát triển, mở rộng hạ tầng kỹ thuật cho Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng

Kết luận Hội nghị, đồng chí Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ Vũ Ngọc Thiềm đã nhấn mạnh về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu. 

Cụ thể, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tập trung đẩy mạnh áp dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ các giao dịch điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý về giao dịch điện tử và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.

Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030" và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Tiếp tục phát triển, mở rộng hạ tầng kỹ thuật cho Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đảm bảo bảo mật, an toàn trước sự phát triển của công nghệ lượng tử, đảm bảo an toàn, tin cậy cho các hệ thống lưu trữ điện tử; tiếp tục thực hiện công tác nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ về xác thực và bảo mật thông tin, đặc biệt là các công nghệ xác thực mới.

Thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành địa phương để kiến nghị, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng theo các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.

Đồng chí Trưởng ban cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp, tạo điều kiện để Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp, quản lý có hiệu quả chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Nguồn: baochinhphu.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm14
  • Hôm nay7,171
  • Tháng hiện tại46,126
  • Tổng lượt truy cập2,906,868
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây