Theo thống kê từ Tech in Asia, trong năm 2021, Đông Nam Á ghi nhận tổng số Kỳ lân (các startup định giá trên 1 tỷ USD) bằng 7 năm trước cộng lại. Nhiều công ty khởi nghiệp thành doanh nghiệp tỷ USD nhờ nguồn vốn từ thị trường cổ phần tư nhân.
Có đến 19 công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đã tăng định giá lên trên 1 tỷ USD, theo báo cáo mới đây của Credit Suisse về các công ty khởi nghiệp thuộc khối ASEAN. Trong đó, các quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, với khả năng áp dụng các công nghệ mới, góp phần mở ra cơ hội nuôi dưỡng các thế hệ Kỳ lân tiếp theo.
"Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế, nhờ đó chất lượng của thị trường startup ở Việt Nam cũng được nâng lên", ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ KH&ĐT đánh giá. Dẫn chứng cho lập luận này, ông Vũ Quốc Huy cho biết, trong 5 năm trở lại đây, hệ sinh thái ĐMST Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và hiện đang dần hoàn thiện với các thành tố cơ bản, chủ yếu như: startup; mạng lưới chuyên gia, trí thức; các tổ chức ươm tạo khởi nghiệp, hỗ trợ đổi mới sáng tạo; tổ chức tài chính, quỹ đầu tư…
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ KH&ĐT
Đặc biệt, môi trường pháp lý cho đầu tư khởi nghiệp ĐMST ngày càng được hoàn thiện. Trung tâm Đổi mới sáng tạo ngày càng thể hiện rõ nét vai trò trong việc kết nối các nguồn lực nhằm thúc đẩy hoạt động ĐMST, lấy doanh nghiệp là trung tâm.
Dù năm 2021 được nhận định là năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tạo ra thách thức lớn trong việc duy trì kết quả phát triển kinh tế, nhưng vốn đầu tư vào khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đạt gần 1,4 tỷ USD - kết quả cao nhất trong cả giai đoạn từ năm 2016 đến nay. Số lượng startup cũng không ngừng phát triển với 3.800 startup, hơn 200 quỹ đầu tư và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo đang hoạt động.
Đại dịch đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên cũng mang lại nhiều cơ hội lớn. Dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập và hành vi người tiêu dùng nhưng lại tạo ra cơ hội và điều kiện phát triển cho các mô hình kinh doanh mới.
Trước đó, những mô hình như: đi chợ công nghệ, học tập và làm việc trực tuyến, dịch vụ y tế trực tuyến,… phải mất nhiều năm để thuyết phục khách hàng sử dụng, nhưng nay "nhờ"... đại dịch mà sự chuyển đổi trở nên nhanh chóng hơn. Trong quá khứ, nhiều "kỳ lân" công nghệ đã được sinh ra trong khủng hoảng, điển hình nhất là AirBnb, Uber, Grab,... Khi thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, vai trò của nền kinh tế chia sẻ trở nên quan trọng hơn.
Khảo sát của nhà đầu tư được NIC và Quỹ Đầu tư mạo hiểm Do Ventures thực hiện cho thấy, "khẩu vị" của nhà đầu tư cũng có sự thay đổi. Những ngành có lợi từ đại dịch thì có mức tăng trưởng rất đột phá, như: Thương mại điện tử, Công nghệ tài chính (Fintech); Công nghệ giáo dục (EdTech), Công nghệ y tế (MedTech), Truyền thông trực tuyến (Online media), Công nghệ hậu cần (LogTech),…
Song để thành công, các startup cần rất nhiều yếu tố như: Thời cơ, ý tưởng, môi trường, mô hình kinh doanh, vốn, đội ngũ, sự hỗ trợ của các tổ chức liên quan… để thiết kế ra những sản phẩm phù hợp. Nếu thiếu một yếu tố cũng làm cho cơ hội thành công của startup giảm xuống đáng kể.
Thực tế, ở cả các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc hay cả các thị trường nhỏ và mới nổi như Đông Nam Á, các startup non trẻ vẫn hoàn toàn có cơ hội trước những làn sóng công nghệ mới. "Chúng ta có thể nói về những ví dụ sinh động như: Facebook vượt qua Yahoo, Apple; Samsung vượt qua "tượng đài" Nokia và Blackberry. Có thể nói, cơ hội luôn có ở mọi nơi, mọi thời điểm cho các startup tận dụng tốt thời cơ", lãnh đạo NIC chia sẻ.
Do đó, đối với thị trường Việt Nam, các startup nội vẫn có những lợi thế so với những "ông lớn" quốc tế. Việc thiết kế các sản phẩm phù hợp với thị trường Việt Nam là yếu tố quan trọng nhất, bên cạnh yếu tố nguồn vốn, nhân sự./.
Việt Hưng - https://theleader.vn/