Kiến tạo hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

Thứ năm - 14/11/2024 10:02 12 0
Hành trình phát triển nông nghiệp bền vững, dù gian nan và kéo dài, luôn mang lại quả ngọt.


 
Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Simexco Đắk Lắk cùng các chuyên gia tổ chức Rainforest Alliance đang kiểm tra thực địa vùng canh tác cà phê bền vững tại Đắk Lắk. Ảnh: Simexco
Ngày 12/4/2024, Simexco Đắk Lắk đã tạo dấu ấn đột phá trong ngành xuất khẩu cà phê và hồ tiêu của Việt Nam, khi trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên toàn cầu nhận được hai chứng nhận 4C-EUDR cho vùng canh tác cà phê, với 40.000 héc-ta đạt chuẩn. Công ty đang nỗ lực hoàn thành thêm 50.000 héc-ta đạt chuẩn Rainforest Alliance-EUDR vào cuối năm 2024.
Mặc dù Simexco Đắk Lắk không phải cái tên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước, nhưng trong giới doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Simexco là một thương hiệu uy tín. Thành lập năm 1993 và thuộc sở hữu của Tỉnh ủy Đắk Lắk, công ty đã phát triển từ nguồn vốn ban đầu chỉ 100 triệu đồng thành một doanh nghiệp với vốn gần 500 tỷ đồng và doanh số đạt khoảng 8.500 tỷ đồng trong năm tài chính 2023-2024.
Điều đáng chú ý là Simexco chưa từng thua lỗ trong suốt 31 năm hoạt động, luôn giữ vững mức lợi nhuận ổn định, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) duy trì trên 20%. Doanh nghiệp này không chỉ là “cỗ máy kiếm ngoại tệ” mà còn duy trì vị thế trong top các công ty xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.

Phát triển nông nghiệp bền vững

Khi xuất khẩu nông sản thô Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, Simexco Đắk Lắk đã chọn cho mình một lối đi khác biệt: xây dựng vùng canh tác bền vững. Thay vì chạy theo xu hướng sản xuất đại trà, Simexco Đắk Lắk đã khởi xướng việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như 4C, Rainforest Alliance và UTZ, với sự kiểm soát nghiêm ngặt từ các tổ chức toàn cầu.
Bước ngoặt này xuất phát từ năm 2009, khi ông Lê Đức Huy, lúc đó là một chuyên viên trẻ của công ty, đưa ra đề xuất tập trung vào việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, coi người nông dân là yếu tố then chốt quyết định chất lượng sản phẩm. Ban đầu, kế hoạch này gặp phải nhiều hoài nghi, nhưng với những lập luận và phân tích sắc bén, ông Huy đã thành công trong việc thuyết phục ban lãnh đạo.
Bản thân tôi cùng một số anh em trong công ty, dù lúc đó đang yên ổn với các nhiệm vụ khác, nhưng khi nhận ra tiềm năng và những việc cần phải làm để hỗ trợ nông dân và nâng tầm nông sản Việt Nam, chúng tôi đã tin tưởng và quyết định dấn thân vào hướng đi mới này”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Phòng Nông nghiệp bền vững của Simexco Đắk Lắk, nhớ lại.
Sau 15 năm, Simexco đã gặt hái được nhiều thành quả, trở thành nhà xuất khẩu cà phê và hồ tiêu có chứng nhận bền vững hàng đầu Việt Nam và thế giới, khẳng định tính đúng đắn của chiến lược đột phá.

Cùng nhau vươn xa

Việt Nam vốn được biết đến với diện tích canh tác nhỏ và manh mún, tạo ra nhiều nghi ngờ về khả năng cạnh tranh của nông sản Việt. Tuy nhiên, Simexco đã chọn cách làm khác: hợp tác với nông dân thông qua việc xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới.
Trải qua thời kỳ đổi mới, mô hình hợp tác xã nông nghiệp vẫn chịu nhiều hoài nghi về tính khả thi, mang theo những định kiến từ thời kỳ kinh tế tập trung bao cấp. Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu thị trường và xu thế toàn cầu được phân tích kỹ lưỡng, từ năm 2009, đội ngũ lãnh đạo của Simexco Đắk Lắk đã chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế, trực tiếp về tận nơi để hỗ trợ bà con nông dân Tây Nguyên xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp theo kiểu mới.
Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Simexco Đắk Lắk, hồi tưởng về những ngày đầu khi ông cùng các chuyên gia nước ngoài phải đến từng nông hộ để thuyết phục bà con chuyển từ canh tác độc canh cà phê sang mô hình xen canh bền vững.
Thời điểm đó, bà con chưa hiểu canh tác bền vững là gì nên không tin tưởng, thậm chí còn từ chối và mời chúng tôi ra khỏi nhà ngay khi nghe đến mô hình này. Đặc biệt, nhắc đến hợp tác xã thì lại càng khiến nhiều người dè dặt. Vậy mà anh em chúng tôi cùng các chuyên gia nước ngoài cũng đã kiên nhẫn từng bước thuyết phục được bà con hơn 15 năm”, ông Huy chia sẻ.
Tính đến nay, Simexco Đắk Lắk đã hỗ trợ xây dựng 25 hợp tác xã nông nghiệp bền vững kiểu mới tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó nổi bật nhất là Hợp tác xã cà phê Ea Tân, Krông Năng, Đắk Lắk. Mô hình này được xem là tiên phong và thành công, trở thành hình mẫu cho việc nhân rộng ra 24 hợp tác xã còn lại. Từ vài héc-ta ban đầu vào năm 2009, đến hiện tại, diện tích canh tác của Ea Tân đã mở rộng lên hơn 2.000 héc-ta với sự tham gia của hơn 150 nông hộ, tất cả đều trở thành xã viên của hợp tác xã nông nghiệp bền vững này.
Ông Nguyễn Trí Thắng, Giám đốc hợp tác xã Ea Tân cho biết, nhờ sự đồng hành của Simexco Đắk Lắk với vai trò đơn vị bao tiêu đầu ra, kết nối công nghệ và nguồn vốn tài trợ, Hợp tác xã Ea Tân không chỉ đạt được các mục tiêu về bền vững trong môi trường và xã hội, mà còn xây dựng thành công thương hiệu cà phê đặc sản từ nông dân.
Thành quả của Simexco Đắk Lắk và đội ngũ chuyên gia nước ngoài là hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Ảnh: Simexco
Trong hơn 5 năm qua, cà phê của hợp tác xã này đã liên tục nằm trong top cà phê đặc sản Việt Nam, và đặc biệt trong hai năm liền đạt điểm chứng nhận cà phê đặc sản trên 86 điểm, thậm chí lọt vào Top 1 toàn cầu vào tháng 9/2024 theo đánh giá của tổ chức CQI.
Với mô hình hợp tác cùng nhau tuân thủ các quy trình canh tác bền vững và đồng bộ về sơ chế cà phê lên men chuyên sâu, Ea Tân cùng với 24 hợp tác xã còn lại đã giúp cho các nông hộ gia tăng tối thiểu 30% nguồn thu nhập từ cà phê trên cùng diện tích canh tác so với các vùng canh tác khác cùng thời điểm. Ngoài ra, mô hình canh tác bền vững xen canh đã giúp bà con nông dân có thêm nhiều nguồn thu khác quanh năm từ nhiều loại cây trồng khác nhau. Vì đặc thù xen canh mô tả sinh thái rừng tự nhiên, mô hình này cũng đã giúp cho môi trường đất, nước và không khí ở đây được tái sinh một cách mạnh mẽ.
Hàng năm, Tổ chức Thương mại công bằng (Fair Trade) đều đến kiểm tra các hợp tác xã này, dựa trên các thang đo lường quốc tế. Qua thời gian, các hợp tác xã đã dần hoàn thiện và duy trì chứng nhận Thương mại công bằng suốt hàng chục năm qua. Đây là một mô hình nông nghiệp công bằng, đảm bảo sự công bằng cho nông dân về thu nhập, cho doanh nghiệp về chất lượng cà phê, và cho môi trường khi khai thác nhưng vẫn bảo vệ và tái tạo tài nguyên tự nhiên.

Dẫn dắt người chơi mới

Từ bàn tay trắng, Simexco Đắk Lắk đã xây dựng được vị thế cho ngành cà phê và hồ tiêu, nhưng không dừng ở đó, chúng tôi đã xây dựng tầm nhìn trở thành doanh nghiệp tiên phong dẫn dắt hệ sinh thái doanh nghiệp kinh doanh nông sản bền vững của Việt Nam vươn ra toàn cầu”, ông Huy nói.
Khoảng 10 năm trở lại đây, ông Huy cùng đội ngũ lãnh đạo Simexco tích cực tìm kiếm và hỗ trợ nhiều doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động trong ngành cà phê, nông nghiệp và thực phẩm tại các tỉnh Tây Nguyên. Thậm chí, họ đã hỗ trợ một startup nổi tiếng về cà phê Việt Nam tại Hoa Kỳ, góp phần nâng cao giá trị và vị thế của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
Ông Huy nói, nhóm các doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) là nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhỏ và siêu nhỏ có các hoạt động kinh doanh gắn liền với hoạt động tác động tích cực cho xã hội. Nhóm doanh nghiệp này được xem là một mô hình thu nhỏ của Simexco về việc kinh doanh theo đuổi các tiêu chuẩn phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Việc nâng đỡ những doanh nghiệp này được chúng tôi xem là chiến lược xây dựng hệ sinh thái kinh doanh bền vững kế cận, giúp các bạn định hướng chiến lược và hỗ trợ nguồn lực cho nhóm doanh nghiệp này phát triển chính là cách chúng tôi tăng cường tác động thúc đẩy kinh tế địa phương tăng trưởng bền vững”, ông Huy cho biết.
Ngoài ra, theo tầm nhìn dài hạn của ông Huy cùng đội ngũ lãnh đạo Simexco, hệ sinh thái SIB chính là những khoản đầu tư tài chính chiến lược tiềm năng dài hạn cho doanh nghiệp. Dù là những yếu tố nhỏ, nhưng sự đổi mới và sáng tạo từ các doanh nghiệp này là điều mà các công ty lớn cần có để luôn bắt kịp với những xu hướng thay đổi liên tục của thị trường.
Ông Hoàng Danh Hữu, nhà sáng lập nhãn hiệu MISS EDE chocolate & coffee, một SIB được Simexco Đắk Lắk hỗ trợ trong hơn 5 năm qua cho hay: “Thay vì phải manh mún xây dựng vùng trồng bền vững quy mô siêu nhỏ mất thời gian dài, chúng tôi đã được Simexco Đắk Lắk chia sẻ dữ liệu vùng trồng, hai bên cùng với Hợp tác xã Ea Tân đã ký kết hợp tác lâu dài để chúng tôi ngay lập tức có được nguồn nguyên liệu đạt các chứng nhận bền vững toàn cầu để cung cấp ra thị trường.
Ông Hoàng Danh Hữu, nhà sáng lập nhãn hiệu MISS EDE chocolate & coffee. Ảnh: MISS EDE
Trong năm 2024, nhờ mô hình quản lý chuỗi cung ứng bền vững gắn liền với hoạt động kinh doanh tạo tác động xã hội, MISS EDE đã được trao chứng nhận Top 10 SIB Signature do UNDP, Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng Đại Sứ quán Canada trao tặng thông qua dự án IseeCovid.
Ngược lại, thông qua các SIB như MISS EDE, Simexco Đắk Lắk cũng mở rộng được hệ sinh thái hợp tác xã nông nghiệp bền vững mà họ đã dày công xây dựng, từ đó nhanh chóng cung cấp các sản phẩm cà phê thành phẩm đóng gói mang nhãn hiệu Việt chất lượng cao và bền vững cho cả thị trường nội địa và quốc tế.
Hành trình phát triển bền vững của Simexco Đắk Lắk đã minh chứng rằng, với tầm nhìn dài hạn và chiến lược đúng đắn, nông sản Việt Nam có thể vươn tầm thế giới. Từ những thành công ban đầu, Simexco không chỉ đóng góp cho nền kinh tế quốc gia mà còn tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp bền vững, lan tỏa giá trị xã hội và môi trường./.
Nguồn - https://theleader.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập51
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay7,730
  • Tháng hiện tại46,685
  • Tổng lượt truy cập2,907,427
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây