Nông nghiệp công nghệ cao: Trọng tâm của startup Việt Nam?

Thứ tư - 13/01/2021 21:00 114 0
Sau quãng thời gian phát triển theo chiều rộng và chạy theo số lượng, đây là thời điểm khởi nghiệp Việt Nam cần có được những phát triển thiết thực hơn. Một trong những gợi ý để khởi nghiệp Việt Nam có thể chuyển biến hiệu quả về chất, đó chính là nông nghiệp.

17.png

Công ty cổ phần công nghệ cao Hachi Việt Nam, tiền thân là dự án Startup Hachi – Nông nghiệp thông minh, được thành lập với sự đầu tư và hỗ trợ từ Quỹ Việt Nam Silicon Valley – Bộ Khoa Học và Công Nghệ.

Phát triển thực chất hơn

Tại tọa đàm trực tuyến "Đổi mới sáng tạo toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam" do Bộ KH&CN và Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) tổ chức, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết đã đến lúc cần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo chiều sâu, thay vì theo bề rộng như trước kia. Cụ thể, sau giai đoạn đầu phát triển về số lượng với sự ra đời của hàng loạt các startup, giờ đây hệ sinh thái phải bước sang giai đoạn mới, trong đó "cần thúc đẩy sự liên kết, kết nối hơn nữa để tận dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hình thành các mô hình liên kết giữa Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp, phát triển các không gian sáng tạo, khu làm việc chung hỗ trợ khởi nghiệp không chỉ cơ sở hạ tầng mà còn là sự cổ vũ cho tự do sáng tạo, tinh thần doanh nhân".

Sau năm năm phát triển, bức tranh khởi nghiệp Việt Nam đã bắt đầu được vẽ ra, hệ sinh thái khởi nghiệp nhen nhóm hình thành. Ở vị trí thúc đẩy, "chúng tôi tập trung mở rộng, phổ biến kiến thức, trao đổi về khởi nghiệp, cũng như hướng dẫn để nâng cao nhận thức của các thành phần thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp – trong đó có cả cơ quan ban hành hệ thống chính sách, đội ngũ những người khởi nghiệp, đối tượng hỗ trợ khởi nghiệp,…" Thứ trưởng cho hay. Giờ đây, khi Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) đã đi được một nửa chặng đường, Bộ KH&CN đã bắt đầu gây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, việc đi vào chiều sâu, chú trọng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp này dựa trên những nghiên cứu chất lượng là một hướng đi tất yếu.

Do đó, khởi nghiệp Việt Nam cần có chuyển biến, gác lại những vấn đề bề nổi, những con số 'khổng lồ' của giai đoạn đầu để chú trọng đầu tư nguồn lực và các giải pháp, các sản phẩm giúp giải quyết những vấn đề trong đời sống xã hội. Nhưng làm thế nào để các sản phẩm vừa mang tính thực tiễn, vừa có chất lượng tốt? Theo Thứ trưởng, phía tập đoàn và doanh nghiệp có thể trở thành những người đặt đầu bài cho sinh viên và giảng viên. "Nếu sinh viên và giảng viên giải được đầu bài, các tập đoàn và tổng công ty có thể phối hợp với họ để triển khai ý tưởng đó vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh". Và như vậy, sản phẩm khởi nghiệp vừa đạt chất lượng tốt, vừa mang tính thực tiễn. "Đó là con đường ngắn nhất" – ông nhận định.

Khởi nghiệp Việt Nam cần có chuyển biến, gác lại những vấn đề bề nổi, những con số 'khổng lồ' của giai đoạn đầu để chú trọng đầu tư nguồn lực và các giải pháp, các sản phẩm giúp giải quyết những vấn đề trong đời sống xã hội.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp tại các trường đại học, đặc biệt là các trường kỹ thuật, bởi trường đại học là nguồn lực chính trong khởi nghiệp, những bạn sinh viên là những tiềm năng vô cùng lớn. Các trường đại học hiện nay rất cần có một môi trường, hệ sinh thái… để các ý tưởng khởi nghiệp có cơ hội được đưa ra thử thách, được phát triển và hoàn thiện ngay tại trường.

Điều này cũng tương tự với những mong muốn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, như lời mà ông chia sẻ tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020 vào ngày 22/12: "Chúng ta không kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp start-up thành công trong trường phổ thông, trường đại học nhưng ít nhất là trang bị những kiến thức cơ bản nền tảng, khơi dậy tinh thần 'người trong cuộc' của học sinh, sinh viên, tham gia xây dựng và phát triển đất nước sau này."

Gợi ý hướng đi từ nông nghiệp

Tuy nhiên giữa muôn vàn hướng đi và muôn hình vạn trạng vấn đề cần giải quyết, khởi nghiệp Việt Nam cần chọn hướng đi nào? Cũng trong tọa đàm trực tuyến "Đổi mới sáng tạo toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam", Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã gợi ý các tập đoàn, các quỹ đầu tư có thể tập trung hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. "Những năm đầu tiên khi mới tổ chức ngày hội Khởi nghiệp quốc gia, đa phần những ý tưởng mà chúng tôi nhận được đều từ lĩnh vực công nghệ thông tin", ông nhớ lại, "giờ đây khi đến ngày hội khởi nghiệp của quốc gia, vùng, địa phương, tôi nhận thấy một sự chuyển biến: rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo là các sản phẩm nông nghiệp".

Sự thay đổi này, dù vậy, lại không quá bất ngờ khi mà 43% người dân Việt Nam hiện đang làm trong lĩnh vực nông nghiệp, và nông nghiệp thực sự là thế mạnh của nước ta. Thêm vào đó, nông nghiệp cũng không hề tách rời với bài toán phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp theo chiều sâu đã đề cập đến ở trên. Trước đây, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực giá rẻ, diện tích đất đai sẵn có, điều kiện thiên nhiên ưu đãi; tuy nhiên, hiện tại chúng ta "đang phát triển nền nông nghiệp theo chiều sâu, mà 'chìa khóa' chính là ứng dụng khoa học và công nghệ", ông Tùng phân tích, "chỉ như vậy chúng ta mới có được một nền nông nghiệp nâng suất cao, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và tăng thu nhập cho người lao động."

Có thể nhận thấy điều này trong suốt đại dịch Covid-19 vừa qua. Trong bối cảnh các ngành công nghiệp của nước ta bị gián đoạn, thì nông nghiệp chính là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam, giúp nước ta không tăng trưởng âm. Trong khuôn khổ buổi làm việc về hoạt động KH&CN ngành thủy lợi giữa Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT vừa diễn ra trong tháng này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: "Năm 2020, giá trị xuất khẩu của nông nghiệp hơn 41 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu tăng được như thế là giá trị trên một diện tích tăng lên rất nhiều, trước đây, có phong trào cánh đồng 50 triệu, bây giờ là cánh đồng 200 triệu, 500 triệu, 1 tỷ/ha. Đất vẫn thế nhưng nhờ có KH&CN nên giá trị mới được gia tăng".

Do đó, nông nghiệp công nghệ cao chính là một sân chơi mới của khoa học công nghệ Việt Nam, nó không chỉ là một lĩnh vực đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, mà có thể được coi là một lĩnh vực ít rủi ro đối với các tập đoàn, quỹ đầu tư khi sẵn sàng có cả một thị trường rộng lớn chờ đợi các giải pháp mới. Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, chúng ta nên tận dụng lợi thế này, đặc biệt là trong giai đoạn nước ta vẫn đang trong thời kỳ "dân số vàng" – thuận lợi cho việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. "Nếu chúng ta không tận dụng lợi thế, thì cơ hội sẽ trôi qua nhanh chóng", Thứ trưởng cho biết.

Anh Thư

www.khoinghiepsangtao.vn

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây