Những chuyến xe xanh trên mọi miền Tổ quốc

Thứ hai - 26/02/2024 10:48 133 0
Nhờ có sự chung tay của các nhà sản xuất, ứng dụng gọi xe, công ty khởi nghiệp, từ đầu đường cho tới cuối ngõ, những chiếc xe điện đã ngày một trở nên phổ biến và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, hướng tới hình thành “hệ sinh thái giao vận xanh” trên cả nước.
 
Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Green - Smart - Mobility) khai trương dịch vụ taxi điện với thương hiệu Taxi Xanh SM tại Hà Nội - Ảnh: GSM
Những chuyến xe xanh đầu tiên
Trung tuần tháng 5/2023, những “chuyến xe xanh” đầu tiên đã lăn bánh trên đường phố Việt Nam, dưới sự hợp tác thí điểm của ứng dụng gọi xe Gojek và startup Dat Bike.
Sở dĩ gọi đây là những chuyến xe xanh, bởi toàn bộ các hoạt động vận chuyển hành khách, giao hàng, giao đồ ăn… đều được Gojek Việt Nam triển khai thí điểm bằng xe máy điện. Nhờ có sự tiên phong của Gojek mà sau đó lần lượt các ứng dụng gọi xe hàng đầu Việt Nam đều đưa xe máy điện vào phục vụ thử nghiệm trong hệ sinh thái giao vận của mình.
Đại diện Gojek Việt Nam cho biết, việc sử dụng xe máy điện có thể giúp tài xế Gojek hạ thấp chi phí nhiên liệu tới hơn 4 lần so với xe xăng, từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường bằng việc ngưng xả thải.
Gojek Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cam kết của Tập đoàn GoTo trong việc giảm lượng khí thải và chuyển đổi phương tiện vận hành sang 100% xe điện vào năm 2030”, ông Sumit Rathor - CEO Gojek Việt Nam cho biết.
Trước đó đúng 2 năm, Gojek đã lần đầu công bố kế hoạch chuyển đổi toàn bộ xe máy và xe ô tô đang hoạt động trên nền tảng của Gojek tại Indonesia sang xe điện, thông qua hợp tác với các nhà sản xuất hàng đầu. Tại quê nhà Indonesia, Gojek vẫn đang tiếp tục triển khai thử nghiệm chương trình xe điện thông qua nhiều hoạt động khác nhau.
Cuối năm 2021, siêu ứng dụng này đã đầu tư 10 triệu USD vào liên doanh sản xuất xe điện Electrum, được ra đời giữa Gojek và Tập đoàn năng lượng TBS Energi Utama. Khoản đầu tư có thể lên tới 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Mục tiêu tập trung vào việc đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái xe điện hai bánh tại Indonesia.
Cùng năm, Gojek công bố hợp tác với Gogoro - một nhà sản xuất xe máy điện Đài Loan, khởi động một dự án thử nghiệm cho phép tài xế thuê xe máy điện tại Indonesia.
Tại Việt Nam, sau hợp tác với Dat Bike, Gojek đã tiếp tục bắt tay với startup Selex Motors. Người đứng đầu Gojek Việt Nam đánh giá, những hợp tác này cho phép công ty đa dạng hóa các lựa chọn và khả năng tiếp cận xe máy điện cho các tài xế, đồng thời mở rộng chương trình thí điểm xe máy điện hiện nay.
Các chương trình thí điểm xe máy điện chúng tôi đang thực hiện đã bước đầu thành công trong việc giúp chúng tôi hiểu và đáp ứng nhu cầu của các đối tác tài xế cũng như hỗ trợ các đối tác giảm thiểu chi phí hoạt động hàng ngày”, CEO Sumit Rathor cho hay. Đặc biệt, ông cho biết Việt Nam là một thị trường quan trọng của Gojek. Do đó, những dự án thí điểm xe máy điện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mang đến lợi ích cho toàn bộ hệ sinh thái của công ty, đồng thời tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng.
Ông Sumit Rathor - CEO Gojek Việt Nam - Ảnh: Gojek
Thực tế, không riêng các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, mà ở Thái Lan, Đài Loan và Indonesia, các nước này đều đang đẩy mạnh chương trình phát triển xe máy điện và có lộ trình chuyển đổi 100% cho tới năm 2035. Tại Trung Quốc, hầu hết tài xế Meituan - nền tảng giao đồ ăn lớn nhất nước này đang dùng xe đạp hoặc xe máy điện.
Tại Đông Nam Á, áp lực ô nhiễm của ngành vận tải trong nền kinh tế số ngày càng lớn, buộc doanh nghiệp cũng phải vào cuộc. Báo cáo E-conomy 2022 của Google, Temasel, Bain & Company cho hay, các hoạt động vận tải, giao đồ ăn và thương mại điện tử sẽ làm gia tăng phát thải CO2 từ mức 6 tấn của năm ngoái lên 20 tấn năm 2030.
Riêng lĩnh vực vận tải trực tuyến (dịch vụ vận chuyển hàng và người phát sinh từ các yêu cầu đặt qua ứng dụng), báo cáo cho rằng có thể giảm 20-30% phát thải bằng cách chuyển sang dùng xe điện, kết hợp với tối ưu hóa lộ trình lái xe.
Mở ra hệ sinh thái giao vận xanh
Bên cạnh hoạt động vận chuyển hành khách, giao hàng, giao đồ ăn, xe máy điện hiện nay còn được ứng dụng trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.
Ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc Lazada Logistics cho rằng, việc đưa xe máy điện tham gia thị trường giao vận Việt Nam góp phần giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường, mà vẫn đem lại hiệu suất giao vận tối ưu.
Theo tính toán của Sàn thương mại điện tử này, giao hàng bằng xe điện không chỉ giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu so với các phương tiện truyền thống, mà chi phí bảo trì cũng thấp hơn so với các dòng xe máy xăng phổ thông.
Ngoài ra, việc di chuyển bằng xe điện cũng đem lại nhiều lợi thế cho hoạt động kinh doanh và vận hành của doanh nghiệp. Đơn cử như với thiết kế thùng hàng lớn, chứa được nhiều hàng hơn, từ đó đẩy nhanh tiến độ giao hàng, tiết kiệm thời gian lấy hàng cho các nhân viên.
Giải pháp đổi pin được coi là trọng tâm của hệ sinh thái xe máy điện Selex Motors - Ảnh: Selex Motors
Hay với lĩnh vực F&B, startup Selex Motors đã đưa ra sáng kiến về những mẫu xe máy điện như một chiếc “tủ lạnh di động”. Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên - CEO Selex Motors gọi đây là giải pháp vận chuyển hàng đông lạnh bằng xe 2 bánh đầu tiên trên thị trường.
Theo ông Nguyên, thay vì phải sử dụng đá ướt hoặc đá khô để giữ lạnh, xe máy điện Selex Camel thế hệ thứ 2 sử dụng pin của xe giúp làm lạnh liên tục tại mức nhiệt độ có thể điều chỉnh được, từ -20 tới 10 độ C và có thể tích từ 18 - 115 lít.
Đây sẽ là giải pháp hiệu quả với các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B, sản xuất và giao vận thực phẩm đông lạnh, dược phẩm, hoặc phục vụ hoạt động kinh doanh lưu động như: cà phê, kem, hoạt động dã ngoại”, ông Nguyên nói.
Sản phẩm của Selex Motors nhận được sự hưởng ứng của hai đối tác quan trọng là Công ty cổ phần Giao Hàng Tiêu Chuẩn và Công ty cổ phần Giải pháp thương mại ABA (ABA Cooltrans).
Không phủ nhận xe điện hiện là xu thế tất yếu, nhưng CEO Selex Motors cho rằng vấn đề tồn tại khiến xe điện chưa trở thành phương tiện chủ đạo của người Việt là do sự bất tiện trong quá trình nạp năng lượng, cũng như giá thành sản phẩm.
Để giải quyết cả 2 vấn đề này, Selex Motors triển khai mô hình đổi pin, xoay quanh hệ sinh thái xe điện bao gồm 4 thành phần chính: xe máy điện thông minh, pin có tính tương thích cao, trạm đổi pin tự động, nền tảng quản lý sử dụng công nghệ IoT.
Trong đó, giải pháp đổi pin được coi là trọng tâm của hệ sinh thái. Người dùng sẽ thuê pin rồi đổi pin đã hết, lấy pin đầy tại các trạm đổi pin của Selex. Quá trình đổi pin chỉ mất chưa đến 2 phút cho 150 km và chi phí đổi pin thấp hơn giá xăng từ 25-35% tính trên cùng một quãng đường đi được.
Ngoài ra, khác với các nhà sản xuất xe điện tập trung vào thị trường B2C, Selex Motors nhắm đến thiết kế các phương tiện chạy điện phục vụ lĩnh vực logistics, có thể vận chuyển tải trọng nặng hơn và to hơn so với xe chở khách thông thường.
Tháng 7/2023, Bộ trưởng tài chính Mỹ - bà Janet Yellen đã có chuyến viếng thăm đặc biệt tới nhà máy sản xuất xe máy điện và pack pin lithium-ion của Selex Motors. Tại đây, nữ Bộ trưởng đã có dịp thử cầm lái xe máy điện Việt Nam do Selex Motors sản xuất, và tin rằng những startup như Selex Motors sẽ giúp dải đất hình chữ S đi nhanh hơn trong tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Xe điện Việt Nam vươn ra khu vực
Ở quy mô và tầm cỡ lớn hơn, GSM đã đưa được những chiếc xe điện Việt Nam ra thị trường Đông Nam Á, sau khi triển khai thành công dịch vụ gọi xe điện 2 bánh và 4 bánh trong nước.
Sau Tết Nguyên Đán 2024, chúng tôi sẽ khai trương dịch vụ taxi Xanh SM tại thị trường Campuchia”, ông Nguyễn Văn Thanh - CEO GSM tiết lộ về quốc gia tiếp theo mà công ty này nhắm đến sau Lào, chính là Campuchia.
Đầu tháng 11/2023, Xanh SM đã có lần đầu tiến ra nước ngoài khi khai trương dịch vụ taxi điện tại Lào. Đơn vị này dự kiến mang đến thị trường láng giềng của Việt Nam 1.000 chiếc VinFast VF 5 Plus.
Dịch taxi điện của GSM sẽ hoạt động tại thủ đô Vientiane và một số tỉnh, thành phố khác như: Luang Prabang, Savannakhet, Champasak... trong các giai đoạn tiếp theo.
GSM có một lợi thế độc quyền khi là hãng gọi xe thuần điện duy nhất trong khu vực - Ảnh: GSM
Chia sẻ về câu chuyện tại thị trường Lào, ông Thanh cho biết, công ty đã nghiên cứu rất kỹ trước khi triển khai dự án tại đây. Lào là quốc gia đang phát triển nhanh chóng, có chính sách ủng hộ, khuyến khích sử dụng xe điện ở cả cơ quan nhà nước và người dân.
Đại diện GSM tự tin khi so sánh về dịch vụ so với các đối thủ đang có mặt tại Lào. Công ty có lợi thế về khả năng cung cấp dịch vụ xe mới, đội ngũ tài xế được đào tạo bài bản theo quy chuẩn, với đa dạng hình thức đặt xe, đội ngũ chăm sóc khách hàng 24/7... “Chúng tôi là hãng taxi thuần điện 100% đầu tiên tại Lào, sẽ đồng hành cùng người dùng trong việc bảo vệ môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững tại nước sở tại”, ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.
Chia sẻ về tiềm năng phát triển trong tương lai của mô hình taxi điện, ông Thanh cho biết doanh thu trung bình của một xe taxi và xe máy điện của GSM đang bằng một xe xăng nhưng chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng chỉ hết 1/3 so với xe xăng.
Với thị trường vận tải tại Campuchia, CEO GSM tin rằng, thị trường này có khá nhiều điểm giống với Lào khi đa phần các hộ gia đình đều sở hữu ô tô do giá xe trung bình tại đây rẻ hơn Việt Nam khá nhiều.
Chuyên gia giao thông Vũ Anh Tuấn nhận định, GSM có nhiều lợi thế để trở thành một “kẻ thách thức” trên thị trường vận tải hành khách Đông Nam Á.
Trước tiên, GSM chọn đúng thời điểm vàng để “xuất ngoại” khi thị trường gọi xe tại ASEAN đang có tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo báo cáo của Mordor Intelligence, đến năm 2028, riêng thị trường taxi ASEAN đã đạt 30,23 tỷ USD, tăng mạnh so với quy mô 21,14 tỷ USD hiện tại. Bên cạnh đó, GSM có một lợi thế độc quyền khi là hãng gọi xe thuần điện duy nhất trong khu vực. Nhờ đó, GSM sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhóm khách hàng cấp tiến, theo đuổi lối sống xanh.
Các dịch vụ của GSM còn dễ chiếm trọn cảm tình của người dùng chất lượng dịch vụ 5 sao hiếm có trên thị trường”, vị chuyên gia bổ sung.
Đặc biệt, một lợi thế khác của GSM, theo vị chuyên gia, chính là tiềm lực tài chính cùng điểm tựa vững chắc từ nhà sáng lập Phạm Nhật Vượng - một trong những tỷ phú giàu nhất châu Á.
Nhanh như Grab cũng phải mất 2 năm mới ra được quốc tế, nên việc GSM xuất ngoại chỉ sau 6 tháng ra mắt có thể coi là một kỷ lục. Nền tảng tài chính sẽ tiếp tục là một bàn đạp giúp GSM có được những bước tiến thần tốc và sự tăng trưởng đột phá”, chuyên gia Tuấn Anh nhận định.
Ngoài ra, việc hưởng lợi rất lớn từ “người anh em” VinFast với uy tín và vị thế ở thị trường quốc cũng sẽ giúp GSM nhanh chóng trở thành biểu tượng di chuyển văn minh, thân thiện môi trường ở những thị trường mới./.
Nguồn: https://theleader.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay4,077
  • Tháng hiện tại50,812
  • Tổng lượt truy cập2,911,554
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây