Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: Tiếp tục tháo gỡ các rào cản

Thứ sáu - 21/01/2022 22:00 403 0
Mặc dù đã có nhiều tháo gỡ về chính sách và góp phần tạo ra nhiều chuyển biến trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, ngành KH&CN vẫn cần những cơ chế mới để khơi thông các nguồn lực, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và tạo dựng nền tảng cho những phát triển lớn hơn trong tương lai.
Tại Hội nghị Tổng kết Bộ KH&CN vào ngày 31/12/2021, nhìn nhận lại những đóng góp của ngành KH&CN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, với KH&CN, một ngành đặc biệt của đất nước, "chúng ta cần nhìn cả quá trình chứ không chỉ sau một vài năm hay một số sự kiện nổi bật. Nhìn lại 10 năm qua, ngành KH&CN đã có những đóng góp rất quan trọng. Ví dụ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP từ mức 33,6% vào năm 2010 lên 45,2% vào năm 2020 vượt mục tiêu đặt ra ở thời điểm năm 2010 là 39%. Tương tự, năm 2010 trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chỉ có 10% là các mặt hàng gọi là có công nghệ cao chỉ chiếm 19%, đến nay tỉ lệ này đã xấp xỉ trên 50% và con số này đang tiếp tục tăng. Không chỉ trong các ngành công nghiệp, điện tử, máy tính mà ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, hàm lượng KH&CN cao cũng đã tăng lên".
Phân định sự đóng góp của KH&CN trong mỗi sản phẩm đã là việc khó, việc có được tầm nhìn trước 10 năm, 20 năm để xác định đầu tư đúng hướng cho KH&CN lại còn khó hơn. Tuy nhiên, đây là điều đã diễn ra ở Việt Nam trong suốt thời gian qua, sau những chuyển đổi về tư duy quản lý khoa học. "Mặc dù KH&CN được xác định là quốc sách hàng đầu nhưng cũng phải nói rằng có một thời gian tương đối dài chúng ta chưa dành sự quan tâm đúng mức cho KH&CN. Những năm gần đây chúng ta đã dành sự quan tâm nhiều hơn và những kết quả đó khẳng định ngành KH&CN đã đi đúng hướng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
HST 1.jpgCác nhà khoa học Việt Nam lắp đặt vệ tinh NanoDragon (Nguồn: vnsc.org.vn)
Trên con đường phát triển, KH&CN đã có được những tháo gỡ về mặt chính sách với rất nhiều nghị định, thông tư, nhiều cơ hội về nguồn lực đầu tư để từng bước tạo dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo đúng nghĩa, quy tụ được các doanh nghiệp, startup, nhà khoa học, nhà đầu tư thiên thần… Thế nhưng, tất cả mới chỉ là những viên gạch đầu tiên.
Những vướng mắc trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
"Tôi đến từ một đơn vị cơ sở, một tế bào trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia vào Đề án 844 của Bộ KH&CN, nơi có tính mở và kết nối giữa khu vực công với các tế bào bên ngoài. Ví dụ trong Techfest, 16 trưởng làng, ⅔ thành viên hội đồng nghiệm thu các nhiệm vụ của Đề án 844 tham gia vào các hội đồng đánh giá là người ngoài khu vực công, họ đều đến từ hệ sinh thái", ông Trần Tuấn Hiệp ở BKHolding, doanh nghiệp phụ trách chuyển giao công nghệ và thành lập spinoff của Đại học Bách khoa Hà Nội, nêu tại Hội nghị một vấn đề điều mà ít ai để ý - Bộ KH&CN là một trong những đơn vị hiếm hoi đưa ra những đề án mở rộng cửa cho khu vực tư tham gia để xây dựng, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Đó là những điều mà thông qua Đề án 844, Bộ KH&CN đã làm được. Tuy nhiên, điều ông Trần Tuấn Hiệp và các nhà khởi nghiệp khác kỳ vọng là hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải có những bước phát triển đột phá và tạo đà cho những thay đổi lớn hơn nữa. Cụ thể hơn, ông mong muốn có thêm các đơn vị, các trụ cột tiên phong để dẫn dắt hệ sinh thái, hình thành các cụm liên kết về đổi mới sáng tạo, và có ba mô hình để hình thành nên liên kết này. "Chúng tôi muốn hình thành những cụm về chuyển giao công nghệ, khai thác công nghệ. Chỉ tâm huyết của một trường Bách khoa là chưa đủ, chúng tôi muốn kết nối với nhóm các trường đại học mạnh, chúng tôi muốn hình thành những cụm về chuyển giao công nghệ, khai thác công nghệ, giữa các tập đoàn công nghiệp. Chúng tôi cần những sandbox về chính sách, thể chế để triển khai và hình thành những cụm đổi mới sáng tạo, với tâm điểm là trường đại học", ông Trần Tuấn Hiệp mong mỏi.
Các trường Đại học từ lâu đã được biết đến là nơi khởi nguồn của việc đào tạo nguồn nhân lực. Những năm gần đây, đây còn là nơi có rất nhiều ý tưởng mới, nhiều kết quả nghiên cứu có thể trở thành công nghệ chuyển giao. Trên quốc tế, chính các trường là nơi ươm mầm rất nhiều doanh nghiệp startup và spinoff nhưng tại Việt Nam, gần như rất hiếm hoi có được điều này. Để thúc đẩy các doanh nghiệp spin off trong trường đại học không phải là điều dễ dàng, các trường đại học chưa tự chủ vẫn còn nhiều ràng buộc. PGS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), cho biết tại Hội nghị là ĐHQGHN cũng đã thành lập doanh nghiệp spinoff, đặt trọng tâm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh số lượng các doanh nghiệp được thành lập dựa vào ĐHQGHN, cụ thể là ngay trong thời gian này đã "quyết định sẽ thành lập VNU Holding, thành lập công ty quản lý vốn, tài sản, tài chính, hoạt động theo luật doanh nghiệp". Dù là một trường đại học lớn thì ĐHQGHN cũng không thoát khỏi những vướng mắc về cơ chế chính sách, trong đó bài toán quan trọng là phân chia tài sản trí tuệ. "Hằng năm, chúng tôi có nhiều tài sản trí tuệ nhưng hầu như không khai thác được nhiều tài sản trí tuệ hình thành từ đề tài do ngân sách nhà nước tài trợ bởi dù thấy là có tiềm năng áp dụng thành công ở doanh nghiệp nhưng lại vướng vào bài toán phân chia tài sản. Nếu cơ chế tài chính không rõ, khi nghiên cứu và chuyển giao thành công thì sẽ phát sinh vấn đề tranh chấp", ông nói. Vì vậy, ngay tại Hội nghị này, ông kỳ vọng vào việc Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ và mong mỏi sẽ có những quy định "rành mạch hóa về cơ chế sở hữu trí tuệ với các đề tài KH&CN hình thành từ nhà nước tài trợ".
Nhưng không chỉ cần các quy định pháp lý, việc xây dựng một không gian đổi mới sáng tạo hoặc thành lập các doanh nghiệp spin off với các trường đại học ở Việt Nam còn quá mới mẻ. Để giải quyết vấn đề này, "các trường đại học cần có hệ thống hỗ trợ cả về tư vấn quản lý tài sản trí tuệ, tư vấn về các quy định pháp lý, về thuế, về luật doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán… kèm theo", PGS. TS Lê Quân nói.
Và những bài toán thực tiễn
Những vướng mắc cản trở sự phát triển không chỉ nằm trong khuôn viên các trường đại học mà còn có ở rất nhiều mảnh đất cần sự khai phá của KH&CN. Những mảnh đất ấy đang đặt thêm nhiều bài toán hóc búa mà chìa khóa đang nằm trong tay ngành KH&CN. "Chúng ta đang lạm dụng, thâm dụng đầu vào, thâm dụng đất đai, tài nguyên, vốn để tăng đầu ra. Thậm chí có những lạm dụng, đánh đổi rất nhiều. Chúng ta đang lấy đi của đất, của nước, của thiên nhiên quá nhiều tài nguyên để tạo ra giá trị, chúng ta đang có một nền nông nghiệp đánh đổi", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhắc đến vấn đề mà ngành nông nghiệp đang gặp phải.
Sau Hội nghị "Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 tại Glasgow, Scotland" ngành nông nghiệp buộc phải nhìn nhận lại vấn đề: làm thế nào để chuyển đổi thành công sang nền sản xuất xanh, bền vững, không thâm dụng quá nhiều vốn đầu vào, tài nguyên, nhân lực và không thể "phó mặc" cho ông trời. Theo quan điểm "chúng ta cần đưa KH&CN vào để thay thế những phần chúng ta đã lấy đi", của Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đặt hàng cho ngành KH&CN ngay tại hội nghị tổng kết: "Từ nâu sang xanh là cả một hành trình tri thức nằm trong đó, để chúng ta vượt qua tư duy [chú trọng] sản lượng để tạo giá trị nông sản cao hơn thì một trong các phụ gia để trụ đỡ nông nghiệp cứng cáp chính là KH&CN".
HST 2.jpg
Đề bài đặt ra thật khó nhưng không phải là ngành KH&CN không làm được. Có lẽ, nếu theo dõi các hoạt động KH&CN trong năm 2021, ắt hẳn mọi người đều nhớ đến trường hợp của quả vải thiều: sự phối hợp của UBND tỉnh Bắc Giang với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) trong việc bảo hộ và quản lý tốt chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản đã đưa hai trăm nghìn tấn nông sản này lên một vị trí hoàn toàn mới để đề cập tầm quan trọng của đầu tư vào xác lập, xây dựng và bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ. Với đà thành công này, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, chia sẻ mong muốn của tỉnh trong việc đưa tri thức KH&CN vào giải quyết những bài toán lớn đang đặt ra, giúp đạt kế hoạch vươn lên và duy trì top 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước. Mà trực tiếp nhất là thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ để Bắc Giang tiếp tục nối dài thành công của vải thiều, tiếp tục phát huy hơn 1000 bảo hộ sở hữu công nghiệp mà tỉnh đã xây dựng và xác lập.
Không phải là đột xuất mà vải Thiều Lục Ngạn đã thành công ở nơi những đặc sản khác chưa làm được. Trên thực tế, Bắc Giang đã có một hành trình bền bỉ tập hợp các tài liệu nghiên cứu cơ bản về vải thiều suốt hơn một thập kỷ qua, từ những nghiên cứu chứng minh đặc tính riêng có của sản phẩm cho đến quy trình canh tác tối ưu, một cách tỉ mỉ, chi li. Theo ông Mai Sơn, bài học đầu tiên để đưa sản phẩm bước ra thế giới là phải có một bệ đỡ "từ nghiên cứu khoa học cơ bản".
Từ tri thức cơ bản đi vào ứng dụng trong thực tiễn, đem lại quả ngọt như thế nào cũng chính là những điều mà ông Lê Minh Hoan trăn trở khi kể lại câu chuyện của TS. Nguyễn Thanh Mỹ nghiên cứu giải pháp dẫn luồng nước ngọt cứu đất đai cây cối thoát mặn - nhờ vào nghiên cứu về cảm biến thông minh "nhận biết" được độ ngọt/ mặn của nước vào đồng ruộng. "Từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… những câu hỏi nào thường ngày của người nông dân chính là những vấn đề mà các nhà khoa học phải bàn, làm sao để nhận diện tìm ra câu hỏi, có thể mỗi câu hỏi đó là một đề tài. Nhiều câu hỏi sẽ trở thành đề tài lớn và sẽ giải mã những vấn đề của cuộc sống", ông Lê Minh Hoan nói.
Cần những tháo gỡ để khơi thông nguồn lực
Ngành KH&CN đang có trong tay rất nhiều nguồn lực, trong đó vốn quý nhất là nguồn lực tri thức và con người. Những cơ chế mới sẽ là cơ hội để ngành KH&CN khơi thông và thúc đẩy những nguồn lực đó phát huy khả năng của mình.
Trong lưu ý với Bộ KH&CN về những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước hết, Bộ KH&CN cần nhìn nhận vai trò của mình bởi "ngọn cờ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là của Bộ KH&CN, vấn đề là phất lên như thế nào". Do đó, để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, ngành KH&CN phải tăng cường xây dựng pháp luật, cơ chế để có cơ chế thật mạnh cho đổi mới hệ sinh thái. Khi nêu quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm, Bộ KH&CN phải là nơi tập hợp, chủ động đề xuất rất cụ thể, làm việc với Bộ Tài chính về cơ chế tài chính cho doanh nghiệp. Mô hình nghiên cứu khoa học trong các trường đại học theo hướng các trường là đầu mối nhận nhiệm vụ khoa học trực tiếp từ Bộ KH&CN cần phải được triển khai. Tới đây, Bộ KH&CN phải khẩn trương quy hoạch lại các cơ sở nghiên cứu khoa học, trong các bộ, ngành, trong cả khối đại học và các doanh nghiệp, trong đó có tính đến mạng lưới liên kết với các trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến những bước đi đầu tiên, thí điểm cơ chế đổi mới trong việc xây dựng các mô hình mới thúc đẩy nghiên cứu phục vụ doanh nghiệp đã được nhen nhóm ở Viện VKIST - dạng viện nghiên cứu theo hợp đồng "đặt hàng" của khối doanh nghiệp. Đây là mô hình được chính phủ đặt nhiều kỳ vọng sẽ là mô hình quản trị mới, do đó, phải thúc đẩy, củng cố mô hình, lan tỏa mô hình này. Trước những ý kiến chỉ đạo, đối với việc xây dựng chính sách, giải pháp để đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, Bộ KH&CN vẫn đang tiếp tục phối hợp với Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học và hai bên có nhiều trao đổi, đóng góp rất chi tiết trước khi xin ý kiến Chính phủ.
Để chủ động giải quyết những khó khăn, Bộ KH&CN và hai đại học quốc gia, hai Viện Hàn lâm KH&CN, KHXH Việt Nam đã quyết định tổ chức Hội nghị thường niên giữa năm cơ quan để lắng nghe ý kiến của các giảng viên, các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục đại học, KH&CN tại 4 cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam. Hội nghị thường niên này cũng nhằm để triển khai đặt hàng của Phó Thủ tướng về việc hình thành những đầu bài lớn, công nghệ lõi, dự án lớn về khoa học cơ bản, đặt hàng các trường, viện để thực hiện các sản phẩm, công nghệ trọng điểm quốc gia.
Để tiếp tục đổi mới công tác quản lý khoa học, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH&CN đã tổ chức rà soát hệ thống các chương trình, nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ, kết hợp với việc đổi mới cơ chế, phương thức quản lý các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học. Về việc này, Bộ KH&CN đã trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 vào tháng tám vừa qua. Ngay sau đó, Bộ đã thành lập Tổ công tác để triển khai thực hiện, Bộ KH&CN xác định, việc tái cơ cấu các chương trình KH&CN phải gắn chặt với đổi mới cơ chế, phương thức quản lý các chương trình sao cho hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nghiên cứu. Hiện nay, Bộ đang tập trung rà soát để sửa đổi, bổ sung các Thông tư quản lý nhiệm vụ cũng như các Thông tư tài chính theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đồng thời, từng bước tin học hóa việc quản lý các nhiệm vụ KH&CN các cấp. Ngoài ra các nội dung trên, Bộ KH&CN cũng đang triển khai các nhiệm vụ khác như: việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu KH&CN; xây dựng chính sách để các doanh nghiệp tăng cường trích lập quỹ phát triển KH&CN; việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam trong thời kỳ mới./.
Thu Quỳnh – Thanh Nhàn (https://khoahocphattrien.vn/)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay388
  • Tháng hiện tại55,315
  • Tổng lượt truy cập2,997,344
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây