Trọng tâm thảo luận về thích ứng biến đổi khí hậu tại COP29

Thứ năm - 14/11/2024 09:57 24 0
Tài chính thích ứng biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm thảo luận của các quốc gia tại COP29 đang được diễn ra.


Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Baku của Azerbaijan, hội nghị diễn ra từ ngày 11 – 22/11, tiếp tục thảo luận các nội dung chính trên cơ sở kết quả đạt được của năm ngoái và các cuộc họp trù bị trước đó.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết, khẩu hiệu chính của hội nghị năm nay là “Đoàn kết vì một thế giới xanh” “Nâng cao tham vọng, kích hoạt hành động”.
Khẩu hiệu đầu tiên ngoài lý do chiến tranh, vấn đề chính đặt ra là các nước cần thực hiện đúng cam kết, cả về giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính. Đoàn kết để cùng thấu hiểu, cùng thực hiện vì một mục tiêu chung.
Khẩu hiệu thứ hai bắt nguồn từ kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất cho thấy, dù đạt được tất cả cam kết giảm phát thải thì nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng từ 2,4 – 2,7 độ C, vượt quá xa giới hạn nhiệt độ theo mục tiêu cùa Thỏa thuận Pari là 2 độ C và cố gắng chỉ ở 1,5 độ C. Vì vậy, các nước phải “nâng cao tham vọng” của mình để tương thích với cái mục tiêu trong thỏa thuận Paris, và “kích hoạt hành động” để biến cam kết thành hiện thực.
Về phía Việt Nam, ông Tấn cho biết, ngay từ đầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện” và kêu gọi các quốc gia cùng hành động, đạt được mục tiêu theo đóng góp do quốc gia tự quyết định và nâng cao mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo. Việt Nam mong muốn thế giới có thể đoàn kết thông qua vai trò điều phối chung của Liên hợp quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên khai mạc COP 29
Tại COP29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu và công khai, minh bạch nguồn thu, cũng như các khoản chi tiêu qua các báo cáo hằng năm. Bên cạnh đó, Việt Nam đề nghị chi tiêu cho thích ứng và giảm nhẹ cần có sự tương đồng.
Tổng thư ký UNFCCC Simon Stiell phát biểu tại lễ khai mạc
Điều này xuất phát từ thực tế nguồn lực toàn cầu dành cho thích ứng biến đổi khí hậu nhiều năm qua chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi tiêu cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, đồng nghĩa với trên 90% nguồn lực đang dành cho giảm nhẹ phát thải, khoảng 2 – 3% còn lại dành cho các hoạt động vừa thích ứng, vừa giảm nhẹ.
Đoàn Việt Nam tham dự COP29 có đại diện các bộ, bao gồm Tài nguyên và môi trường, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Khoa học và công nghệ, Ngoại giao. Cùng với đó là các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu; đại diện một số cơ quan, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp đang triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Bảy trọng tâm thảo luận:

1. Về tài chính khí hậu COP29 sẽ tiếp tục thảo luận về kết quả huy động tài chính từ các nước phát triển cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển so với mục tiêu đạt 100 tỷ USD mỗi năm, bao gồm đánh giá nguồn tài chính cung cấp và các điều kiện đi kèm. Cùng với đó, COP29 thảo luận mục tiêu huy động nguồn lực đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo; thảo luận các biện pháp, quy định toàn cầu về tính minh bạch, các điều kiện ràng buộc trong tiếp cận nguồn vốn cũng như khai thông nguồn lực tài chính tư nhân cho ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục hoàn thiện quy trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu, đảm bảo cân bằng giữa tài chính cho “thích ứng” và “giảm nhẹ”.
2. Về thích ứng biến đổi khí hậu, COP29 dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận biện pháp thực hiện mục tiêu thích ứng toàn cầu (GGA) đã được thông qua tại COP28; Chương trình UAE Belem về các chỉ số đánh giá mục tiêu thích ứng toàn cầu; đánh giá việc xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP). Trong đó, chú trọng giải quyết các thiếu hụt và thách thức trong quá trình xây dựng, triển khai NAP, lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực ưu tiên quốc gia và có sự tham gia nhiều bên vào hoạt động thích ứng; tăng cường thực hiện các hành động thích ứng biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương.
3. Về tổn thất thiệt hại, vấn đề tổn thất và thiệt hại được thông qua tại COP28 được coi là thắng lợi quan trọng của các nước đang phát triển, trong đó có việc thiết lập Quỹ Tổn thất và thiệt hại. Tuy nhiên, việc đóng góp khoảng 700 triệu USD theo như các cam kết ban đầu tại COP28 vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và hiện chưa có cam kết mới.
COP29 sẽ tiếp tục thúc đẩy các khoản đóng góp cho Quỹ; hoàn thiện các quy định để đưa Quỹ vào vận hành bao gồm quy định về điều kiện, quy trình tiếp nhận nguồn vốn từ Quỹ do Ngân hàng Thế giới đảm nhận vài trò điều phối.
4. Về giảm phát thải khí nhà kính, Hội nghị COP29 tiếp tục thúc đẩy các bên giảm mạnh phát thải khí nhà kính, đưa phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ này. Điểm nhấn là Chương trình làm việc Sharm el-Sheikh về nâng cao tham vọng và thực hiện giảm phát thải khí nhà kính; Chương trình làm việc về chuyển đổi công bằng UAE; xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho giai đoạn 2025 – 2035 (NDC 3.0).
5. Về các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, Hội nghị COP29 tiếp tục hoàn thiện các quy định và hướng dẫn chi tiết để các quốc gia thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.
6. Về triển khai kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất, COP29 sẽ tiếp tục thảo luận trong khuôn khổ đối thoại UAE về triển khai kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu đã được thông qua tại COP28. Đây được coi là sự tiến bộ trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và cung cấp nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu; thu hẹp khoảng cách giữa cam kết với hành động nhằm hướng tới đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Kết quả này cũng thúc đẩy các bên nâng cao tham vọng giảm phát thải của toàn nền kinh tế đối với tất cả các loại khí nhà kính, mọi lĩnh vực và hành động nhằm đạt mục tiêu 1,5 độ C và đưa vào nội dung NDC 3.0 giai đoạn 2025 – 2035.
7. Về chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực, kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu đã chỉ ra mức độ thiếu hụt lớn trong đáp ứng nhu cầu công nghệ và tăng cường năng lực tại các nước đang phát triển thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại COP28, các bên đã thống nhất xây dựng chương trình triển khai công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu về các công nghệ ưu tiên đã được xác định trong NDC và các thông báo quốc gia của các nước đang phát triển./.
Nguồn - https://theleader.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay1,230
  • Tháng hiện tại53,099
  • Tổng lượt truy cập2,995,128
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây