Thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN Số 4/2023

Thứ sáu - 12/01/2024 07:58 58 0

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

 

BTNO - Ngày 2.8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.
Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột: phát triển chính quyền số ở nông thôn; phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan đã và đang triển khai, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, thực hiện phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, phấn đấu có ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Với phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: phấn đấu có ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Đối với xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: phấn đấu có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hoá) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.
Đặc biệt, phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…), làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.

Tây Ninh online, 07/08/2022

 

 

Trồng cây, cỏ hạn chế sạt lở bờ sông


Dừa nước có sức sống mãnh liệt, giữ đất bờ tốt nhờ bẹ, thân rộng, rễ mọc sâu. Trong ảnh: Mảng dừa nước ven rạch Mây Tức, huyện Vũng Liêm.
Sạt lở bờ sông ngòi, kinh, rạch hiện là vấn đề nan giải đối với nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long) vì sạt lở ngày càng nhiều mà kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống thì hạn chế. Vì khó khăn đó, giải pháp sử dụng vật liệu tại chỗ hoặc trồng cây, cỏ chống sạt lở cần được quan tâm thực hiện để giảm bớt rủi ro, thiệt hại do thiên tai này gây ra.
Nơi nào có thể trồng cây, cỏ chống sạt lở?
Theo các chuyên gia của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, tùy theo địa hình, địa chất và tốc độ sạt lở của bờ sông nơi bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở mà có giải pháp chống sạt lở khác nhau, không phải nơi nào bị sạt lở cũng xây kè hoặc trồng cây, cỏ được.
Một số nghiên cứu cho thấy, trồng cây, cỏ để chống sạt lở chỉ hiệu quả đối với bờ sông ngòi, kinh, rạch có tốc độ sạt lở yếu (dưới 2 m/năm). Sạt lở với tốc độ này thường xảy ra ở những sông nhỏ, kinh, rạch nội đồng nằm ngoài vùng đê bao bị bồi lắng, dòng chảy yếu, ít tàu ghe qua lại hoặc ở những đoạn sông, rạch, kinh bị giáp nước hay ở những bãi bồi trên các cồn, cù lao, bãi sông lớn và biện pháp chống sạt lở có thể áp dụng theo dân gian đã làm.
Cụ thể như: trồng cây, cỏ chắn sóng, giữ mé (gồm dừa nước, gừa, lau, sậy, bần, cỏ nga, dứa, mướp gai, mái dầm, ráng, ô rô, cóc kèn, rau muống, lục bình, điên điển…); hoặc sử dụng vật liệu tại chỗ để tấn mé như cọc tràm, tre đóng bên ngoài kết hợp tấn tre, me bồ, tấm bạt nilon, rồi lấp gạch vụn, bao cát, đá vào bên trong.
Biện pháp này có chi phí đầu tư thấp hoặc không có, chỉ tốn nhân công, vật liệu tại chỗ, phù hợp với vùng nông thôn. Tuy nhiên thời gian sử dụng không lâu, sau 2-3 năm phải tấn mé lại.
Tại những nơi sạt lở mạnh (từ 5m đến dưới 10 m/năm), thường xảy ra ở những tuyến sông lớn, kinh trục có dòng chảy mạnh, mái bờ gần thẳng đứng, nhiều tàu ghe qua lại (như sông Măng Thít, kinh Xã Tàu- Sóc Tro, sông Long Hồ, rạch Cái Cao…) thì áp dụng biện pháp xây dựng kè chống sạt lở kiên cố bằng bê tông cốt thép, bằng thép hoặc bằng vật liệu nhựa mới hiệu quả.
Đây là biện pháp tốn chi phí rất cao (từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/1m dài kè), nhưng hiệu quả lâu dài, thường áp dụng ở các đô thị hoặc công trình trọng điểm về kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh.
Đối với những nơi sạt lở rất mạnh (trên 10 m/năm) như tại khu vực sạt lở bờ tả sông Cổ Chiên, đoạn thuộc Tổ 9, Tổ 10, ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh (Long Hồ) vào ngày 5/12/2022 thì nên di dời dân, nhà cửa, công trình thì hơn... Chống sạt lở bằng trồng cây, cỏ hoặc xây kè sẽ không hiệu quả.
Để trồng cây, cỏ chống sạt lở hiệu quả
Đối với tỉnh Vĩnh Long, theo kinh nghiệm dân gian, những cây thích nghi tốt với điều kiện sông, rạch, thổ nhưỡng và có hiệu quả cao trong việc chống xói lở bờ sông được trồng nhiều là bần, dừa nước, lục bình. Có nơi còn ứng dụng cây mới như cỏ vetiver để chống xói lở.
Dừa nước là cây được trồng phổ biến và thích nghi tốt với vùng nước lợ, có nhiều ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít. Cây có sức sống mãnh liệt, giữ đất bờ tốt nhờ bẹ, thân rộng, rễ mọc sâu. Tuy nhiên, dừa nước chỉ phát triển tốt ven những dòng kinh, rạch có mái bờ thoải, mái lài. Kinh, rạch bị nạo vét quá sâu, mái kinh dốc làm cho dừa nước chậm phát triển hoặc chết dần.
Cây bần mọc hoang hoặc được trồng nhiều ở những bãi bồi trên các cồn, cù lao, bãi sông lớn trên địa bàn tỉnh như sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên và nhiều kinh, rạch lớn khác. Bần có tác dụng giữ đất và chắn sóng, chắn gió tốt nên hạn chế đáng kể sạt lở bờ sông cũng như nhà ở, công trình gần mảng bần mọc. Có thể trồng thêm dừa nước hoặc lục bình, cây cỏ khác dưới tán bần giúp tăng thêm tác dụng chắn sóng, sạt lở bờ.
Lục bình, bên cạnh có tác dụng chắn sóng, ngăn dòng chảy áp sát bờ, bảo vệ bờ sông mà còn được nhiều hộ ở nông thôn thu hoạch cọng lục bình làm nguyên liệu đan thảm mỹ nghệ xuất khẩu. Lục bình chỉ phát triển tốt ở sông, rạch luôn có nước, có độ chênh lệch thủy triều không lớn.
Cây không chịu được tác động của gió mạnh, dòng chảy xiết. Lục bình có hiệu quả bảo vệ bờ sông khi được trồng thành mảng lớn, dày đặc ven bờ sông, vì vậy phải cắm cọc, giăng dây hay làm hàng rào chắc chắn bao xung quanh mảng lục bình để giữ lục bình không bị trôi. Hư hàng rào, cọc chắn là lục bình trôi đi mất, không còn tác dụng giữ bờ. Nhiều nơi thất bại là do vấn đề này.
Cũng như 2 loại cây trồng trên, lục bình không nên trồng ở những tuyến kinh, rạch nội đồng trong vùng đê bao hoặc tại những đoạn kinh, rạch nằm ngoài vùng đê bao, có nhiều giáp nước, vì cây phát triển quá nhanh, mau làm bít kín lòng kinh, làm ô nhiễm môi trường nước và cản trở giao thông thủy, hạn chế tưới tiêu.
Cỏ vetiver, loài cỏ này được trồng ở ĐBSCL vào khoảng năm 2000, được xem như là một hàng rào bê tông “sinh học” chống lại xói mòn, sạt lở bảo vệ đất đai nhờ bộ rễ ăn sâu, chắc chắn của nó.
Năm 2005, Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long thực hiện dự án trồng cỏ vetiver ven hai bờ sông Ngãi Tứ- Đường Trâu (xã Ngãi Tứ và xã Tân Phú, huyện Tam Bình) với chiều dài khoảng 20.000m.
Kết quả cho thấy, cỏ trồng giữ được bờ bớt xói lở, nhưng không chống được sóng vỡ bờ, nhất là tại chỗ rễ cỏ tiếp giáp với tầng đất “gan rùa” (lớp phèn tiềm tàng) hoặc tầng đất sét cố kết. Đất bờ sông dễ bị sóng tàu gây xói lở kiểu “hàm ếch”, dễ bị sụt xuống sông. Từ đó, dự án không mở rộng trồng thêm nữa.
Các chuyên gia của Trường ĐH Cần Thơ khuyến cáo, nên đóng cừ tràm, tấn bao cát, tấn đá hộc ngay chỗ “hàm ếch” kết hợp trồng thêm thảm cỏ thủy sinh (lục bình, rau muống) ở bãi sông của bờ sông, bờ kinh thì tác dụng chống sạt lở sẽ hiệu quả cao hơn của cỏ vetiver.
Ở những nơi thích hợp, người dân và các tổ chức cần triển khai trồng thêm cây, cỏ hoặc dùng các vật liệu tại chỗ để tấn mé, giữ bờ, góp phần giảm thiểu sạt lở bờ sông trong điều kiện nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình kè của Nhà nước, hộ gia đình còn khó khăn.

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 20/06/2023

Ứng dụng công nghệ ‘sông trong ao’ phát triển nuôi cá tầm thương phẩm


Du nhập vào Việt Nam từ năm 2005, nghề nuôi cá nước lạnh phát triển ra 25 tỉnh có điều kiện nhiệt độ phù hợp thuộc miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trong đó, Lâm Đồng là tỉnh có nghề nuôi cá nước lạnh lớn nhất cả nước với 34 đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình nuôi trên 60 trang trại với tổng diện tích nuôi ao, bể nước chảy khoảng 83 ha và 200 lồng nuôi tương đương 4.000 m3 trên hồ chứa nước. Sản lượng đạt 2000 tấn/năm (chiếm 70% sản lượng cá nước lạnh cả nước), nhưng mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu thị trường trong nước.
Mô hình ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” phát triển nghề nuôi cá tầm thích hợp với điều kiện Lâm Đồng
Công nghệ nuôi cá tầm trên địa bàn tỉnh đến nay chủ yếu được nuôi theo các hình thức phổ biến là: nuôi trong bể (xi măng hoặc lót bạt) nước chảy, với nguồn nước cấp trực tiếp từ các sông, suối đầu nguồn và nuôi trong lồng trên các hồ chứa. Đối với công nghệ nuôi ao nước chảy và bể nước chảy, nguồn nước từ các sông, suối tự nhiên vùng đầu nguồn được xem là nguồn nước đảm bảo chất lượng mà không qua hệ thống xử lý nước, sử dụng trực tiếp chảy vào hệ thống nuôi 24/24 giờ và thải trực tiếp trở lại sông, suối chảy xuống hạ lưu. Công nghệ này phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng và số lượng nguồn nước từ tự nhiên tại các sông, suối vùng đầu nguồn, dẫn đến hạn chế khả năng mở rộng quy mô các cơ sở nuôi cá tầm. Hơn nữa việc cạnh tranh trong sử dụng nguồn nước nuôi cá cũng dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn. Hiện nay, rất khó để tìm kiếm được các địa điểm phù hợp (nguồn nước trong sạch, đầu nguồn sông, suối, nhiệt độ phù hợp, tiện đường giao thông) để nuôi cá tầm theo công nghệ này, việc mở rộng quy mô sản xuất càng khó; trong khi vùng nhiệt độ để có thể phát triển nuôi cá tầm ước tính trên 60% diện tích của tỉnh.
Nhằm khai thác hết tiềm nay nuôi cá nước lạnh, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã triển khai nhiệm vụ “Ứng dụng công nghệ “sông trong ao” của Isarel để xây dựng mô hình nuôi cá thương phẩm thích hợp với điều kiện tỉnh Lâm Đồng”. Theo đó, Sở giao cho Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Trung thực hiện nhằm nghiên cứu khảo nghiệm tìm ra công nghệ nuôi phù hợp để có thể mở rộng quy mô phạm vi nuôi cá tầm, tăng sản lượng cá nước lạnh.
Hệ thống thiết bị công nghệ “sông trong ao” gồm máy thổi khí vận hành liên tục; máy quạt nước để tăng cường hàm lượng ôxy qua mương nuôi; hệ thống thu gom và loại bỏ chất thải ra khỏi hệ thống nuôi; máy phát điện dự phòng luôn sẵn sàng vận hành cho trường hợp mất điện. Qua đó, nhằm tạo ra dòng chảy nhân tạo và đảm bảo nguồn nước luôn sạch để ao trở thành “sông” phù hợp với loài cá nước lạnh.
Sau 1 năm xây dựng mô hình thử nghiệm công nghệ “Sông trong ao”, đề tài đã xây dựng 3 ao nuôi, diện tích 2.000 m2/ao tại huyện Đức Trọng. Trong ao nuôi bố trí 1 mương nuôi, diện tích mương 125 m2, thể tích là 250 m3, trong đó diện tích phần nuôi cá là 110 m2, thể tích nước 165 m3 với 3 mật độ nuôi ở 3 ao khác nhau: 10 con/m2, 13 con/m2, 16 con/m2. Trong quá trình xây dựng mô hình, nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia của Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Trung do TS.Nguyễn Viết Thùy làm chủ nhiệm đã tiến hành thực hiện chăm sóc, quản lý chặt chẽ như: kiểm tra tình hình sử dụng thức ăn của cá hàng ngày để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp; cho ăn bổ sung thêm vitamin C, khoáng tổng hợp, men tiêu hóa, dầu gan mực theo định kỳ 1 tuần đầu tiên của tháng để tăng cường sức khỏe cho cá nuôi; theo dõi sinh trưởng của cá nuôi theo định kỳ 1 lần/tháng, thu ngẫu nhiên 30 cá thể/mương để cân khối lượng; theo dõi số lượng cá chết, đánh giá nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng và trị bệnh kịp thời cho cá nuôi.
Định kỳ mỗi tháng 4-6 lần bón chế phẩm sinh học cho ao để duy trì chất lượng nước, với liều lượng 1 lít/1.500 m3 nước ao/lần. Số lần bón chế phẩm sinh học mỗi tháng tăng dần từ đầu đến cuối chu kỳ nuôi theo sự tăng trưởng của cá. Cấp nước bổ sung cho ao 1-2 ngày/lần, tương ứng với lượng nước bị hao hụt do quá trình bốc hơi và thẩm thấu. Thay nước tầng đáy cho ao theo định kỳ 1-2 lần/tháng, lượng nước thay 50%/lần.
Hệ thống thiết bị công nghệ sông trong ao được vận hành theo đúng quy trình đã xây dựng và áp dụng gồm: máy thổi khí cho đơn vị nước trắng vận hành 24 giờ/ngày và trong toàn bộ chu kỳ nuôi. Bổ sung máy quạt nước công suất 0,75KW để tăng cường hàm lượng ôxy và dòng chảy qua mương nuôi. Máy quạt nước vận hành theo chu kỳ 45 phút chạy, 15 phút dừng. Vận hành hệ thống thu gom và loại bỏ chất thải ra khỏi hệ thống nuôi 3-5 lần/ngày, số lần vận hành tăng dần từ đầu đến cuối chu kỳ nuôi. Vệ sinh mắt lưới cổng chắn cá 1-2 lần/tuần. Vớt bỏ một số loại rác phát sinh trôi nổi trên bề mặt nước ao hàng ngày. Máy phát điện dự phòng 25KVA luôn sẵn sàng vận hành cho trường hợp mất điện và luôn được kiểm tra chạy thử máy 1 lần/tuần.
Sau 12 tháng nuôi, Mô hình nuôi cá tầm thương phẩm theo công nghệ “Sông trong ao” ở các mật độ khác nhau đạt tổng sản lượng 7.717 kg, khối lượng cá trung bình 2,2 kg/con, tỷ lệ sống trung bình 82%, năng suất trung bình 23,4 kg/m2 mương, hệ số tiêu tốn thức ăn trung bình 1,7. Cá nuôi ở mật độ càng thấp thì tốc độ tăng trưởng càng nhanh; cụ thể, ở mật độ 10 con/m2 có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (trung bình 2.687 g/con), ở mật độ 13 con/m2 (2.367 g/con) và thấp nhất ở mật độ 16 con/m2 (2.063 g/con).
Với kết quả đạt được ban đầu của mô hình, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Trung phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo đầu bờ, giới thiệu phổ biến rộng rãi mô hình cho đại diện Trung tâm Nông nghiệp các huyện, thành: Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Lạc Dương, Đam Rông và các hộ dân có nuôi cá nước lạnh. Từ đó, có thể ứng dụng mô hình tại mỗi huyện, thành có điều kiện nhiệt độ nuôi cho phép.

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 03/11/2023

Cơ bản hoàn thành xoá phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản


Với chiều dài 250km bờ biển, diện tích vùng biển khoảng 6.000km2 là lợi thế vô cùng lớn, điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và các bãi triều. Nhận thức rõ lợi thế này, thời gian qua cùng với quan tâm phát triển nuôi trồng thủy sản, Quảng Ninh thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để bảo vệ môi trường biển, cùng với đó là tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.
Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh có trên 32.000ha, trong đó riêng nuôi biển đã chiếm đến 68%. Trước kia, đa phần người dân nuôi trồng thuỷ sản trên biển đều sử dụng phao xốp làm vật liệu nổi cho các lồng bè. Thế nhưng thực tế đã chứng minh phao xốp là một trong những mối nguy đối với môi trường biển, sông ngòi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nước. Phao xốp là loại vật liệu có độ bền thấp, sau thời gian sử dụng bị tác động bởi môi trường tự nhiên, thời tiết, nhiệt độ, phao xốp thường bị nứt vỡ làm xốp tan ra gây ô nhiễm môi trường, chúng có thể trôi nổi ở khắp nơi và việc thu gom cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thực tế này, nhằm bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển, hướng tới phát triển thủy sản bền vững, Quảng Ninh đã ban hành và quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TU về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Một trong những chủ trương quan trọng mà tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan quyết liệt thực hiện là xoá phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản, thay thế bằng phao nhựa HDPE thân thiện môi trường.

Việc chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE trong nuôi trồng thuỷ sản đã cơ bản hoàn thành.
Để thực hiện chủ trương quan trọng này, sớm hoàn thành mục tiêu thay thế hoàn toàn phao xốp trong nuôi trồng thủy sản trên biển, năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành những quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh. Đây là cơ sở để các địa phương, tổ chức, cá nhân, ngư dân nuôi trồng thuỷ sản căn cứ để thực hiện chuyển đổi phao xốp. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản.
Sau gần 3 năm triển khai chủ trương chuyển đổi phao xốp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các ngành liên quan, đến thời điểm nay, việc chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường đã cơ bản hoàn thành trên địa bàn toàn tỉnh. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 6,85 triệu quả phao xốp được các hộ sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Sau thời gian quyết liệt, quyết tâm triển khai thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi thân thiện với môi trường trong nuôi trồng thủy sản, đến nay cơ bản các địa phương đã hoàn thành với tỷ lệ chuyển đổi đạt trên 99%. Trong đó những địa phương hoàn thành sớm là Đầm Hà, Vân Đồn, Cẩm Phả... Số phao xốp còn lại chủ yếu tồn tại ở những bè đang trong quá trình nuôi thuỷ sản chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Khi người dân thu hoạch xong lứa thuỷ sản sẽ tiến hành thay thế nốt số phao xốp còn lại.
Để đảm bảo việc chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE trong nuôi trồng thuỷ sản đạt 100%, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương, sở, ban, ngành liên quan tiến hành rà soát lại toàn bộ cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển. Những cơ sở nào chưa hoàn thành việc chuyển đổi yêu cầu khẩn trương thực hiện dứt điểm. Đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, kiên quyết không để phát sinh tình trạng người dân tái sử dụng phao xốp trong nuôi trồng thủy sản trên vùng biển của tỉnh Quảng Ninh.

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh, 26/10/2023

Ứng dụng công nghệ, liên kết sản xuất


Chủ động học hỏi cái mới, nông dân huyện Ðầm Dơi (tỉnh Cà Mau) đã quan tâm, ứng dụng tiến bộ công nghệ phù hợp với loại hình sản xuất; đồng thời từng bước liên kết chặt chẽ để tăng hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm.
Ông Hồ Quốc Hận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết, những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách huyện, vốn vận động, nguồn vốn tỉnh và Trung ương, hội đã triển khai 104 dự án, với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng, cho 746 hộ vay phát triển sản xuất và hiệu quả được ghi nhận.
Gần đây là 2 dự án: nuôi tôm quảng canh kết hợp nuôi cua 3 giai đoạn và nuôi sò huyết thương phẩm do quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ với số vốn cho mỗi dự án là 300 triệu đồng. Có 15 hộ tại ấp Thanh Tùng và 15 hộ tại ấp Phú Hiệp A, xã Thanh Tùng tham gia, mỗi hộ nhận 20 triệu đồng (dự án triển khai tháng 12/2021 và sẽ kết thúc cuối năm 2023). Ngoài ra, cũng tại xã Thanh Tùng, Hội Nông dân huyện triển khai mô hình nuôi sò huyết thương phẩm tại ấp Cái Ngay với số vốn 200 triệu đồng, cho 12 hộ vay, mỗi hộ từ 10-20 triệu đồng và tại ấp Tân Ðiền A, với số vốn 100 triệu đồng, cho 5 hộ vay, mỗi hộ 20 triệu đồng.
 
Mô hình nuôi cua kết hợp sò huyết của gia đình ông Chung Thanh Bình (bên trái), ấp Phú Hiệp A, xã Thanh Tùng đem lại nguồn thu trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Ông Ngô Minh Ðúng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tùng, chia sẻ: “Ðáng nói là người dân đã quan tâm, học hỏi, áp dụng công nghệ trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao và bền vững. Chú trọng liên kết sản xuất, số lượng nông dân tham gia các tổ hợp tác ngày càng tăng”.
Nổi bật là mô hình nuôi cua biển công nghiệp, bán công nghiệp sử dụng chế phẩm sinh học 3 giai đoạn. Qua thời gian thử nghiệm, kết quả cho thấy nuôi cua 3 giai đoạn cho kết quả tốt hơn so với mô hình cũ (tức nuôi không chia giai đoạn). Cua nuôi phát triển tốt, thời gian nuôi ngắn hơn, ít dịch bệnh hơn và tỷ lệ sống cao hơn.
Ðiển hình cho sự liên kết hiệu quả là Tổ hợp tác ấp Thanh Tùng với mô hình nuôi tôm, cua, sò kết hợp, có hơn 40 tổ viên tham gia. Hiện nay, số vốn các tổ viên góp được trên 2 tỷ đồng; góp vốn xoay vòng mỗi tháng 1 triệu đồng để các hội viên mượn, phục vụ vào việc sản xuất, nuôi trồng.
Ông Nguyễn Công Luận, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Thanh Tùng, cho biết: “Từ khi các hội viên tham gia mô hình nuôi cua biển công nghiệp, bán công nghiệp sử dụng chế phẩm sinh học 3 giai đoạn đã đem lại hiệu quả. Các tổ viên nhận thấy nuôi theo kiểu này và áp dụng nuôi thêm sò huyết, cá đều đạt cao. Bên cạnh đó, nhờ có nguồn vốn xoay vòng, các tổ viên thực hiện và nhân rộng được mô hình”.
Ông Võ Minh Leo, tổ viên Tổ hợp tác ấp Thanh Tùng, cho biết: “Tổ xây dựng vùng sản xuất nuôi tôm, cua, sò huyết theo hướng an toàn; các tổ viên được hướng dẫn thực hiện trong quá trình sản xuất. Dù mới triển khai nhưng số lượng hội viên tham gia rất nhiệt tình, chứng tỏ người dân đã mạnh dạn và chủ động bắt nhịp với thay đổi kỹ thuật nuôi. Ðiều quan trọng là nhờ cán bộ kỹ thuật của xã theo sát với người dân, kịp thời hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật đạt hiệu quả”.
 
Nông dân ấp Thanh Tùng tích cực tham gia mô hình nuôi cua thương phẩm kết hợp nuôi sò huyết ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm. (Trong ảnh là mô hình nuôi cua thương phẩm của hộ ông Võ Minh Leo (thứ 2 trái sang), tổ viên Tổ hợp tác ấp Thanh Tùng).“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao và nhân rộng mô hình hiệu quả; thay đổi tư duy của nông dân từ sản xuất truyền thống sang nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm. Hướng dẫn nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp như: cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, đất đai; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để nông dân quyết định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp”, ông Hồ Quốc Hận cho biết thêm./.

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 19/10/2023

Toàn văn bản tin chi tiết tại đây

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay1,144
  • Tháng hiện tại72,863
  • Tổng lượt truy cập1,881,764
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây