3D CUBE - Dự án mang hơi thở người Việt

Thứ tư - 22/02/2023 14:00 350 0
In 3D (hay còn gọi là công nghệ gia công bồi đắp vật liệu) là một chuỗi kết hợp các công đoạn khác nhau để tạo ra một vật thể ba chiều
Trong in 3D, các lớp vật liệu được đắp chồng lên nhau và được định dạng dưới sự kiểm soát của máy tính để tạo ra vật thể. Các đối tượng này có thể có hình dạng bất kỳ và được tạo ra từ một mô hình 3D hoặc các nguồn dữ liệu điện tử khác. Máy in 3D là một loại robot công nghiệp, với nhiều công nghệ khác nhau như in li-tô lập thể (STL) hay mô hình hoá lắng đọng nóng chảy (FDM).
Do đó, không giống một quy trình gia công loại bỏ vật liệu thông thường, In 3D sản xuất đắp dần một đối tượng ba chiều từ mô hình thiết kế có sự hỗ trợ của phần mềm máy tính (AutoCAD) hoặc là các tập tin AMF, thường bằng cách thêm vật liệu theo từng lớp.
Công nghệ in 3D - Ảnh: Sưu tầm
Công nghệ in 3D hiện đang phát triển nhanh chóng trên thế giới. Với công nghệ này, nhà sản xuất có thể tùy chỉnh theo những gì họ cần một cách nhanh chóng, in lại các bộ phận để thay thế một cách dễ dàng.
Với những lợi ích mang lại (tạo ra chuỗi giá trị xuyên suốt từ sản xuất đến lưu kho, sử dụng sản phẩm và dịch vụ; tiết kiệm nguyên/vật liệu, năng lượng; quy trình sản xuất ngắn gọn cho ra các sản phẩm tuỳ chỉnh kể cả những sản phẩm có cấu trúc phức tạp…), công nghệ in 3D đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên đến gần 30%.
Ở Việt Nam, một công ty khởi nghiệp dù ra đời chưa lâu nhưng đã khẳng định uy tín trên thị trường, đó là Công ty In 3D CUBE do Hà Văn Huy, một chàng trai trẻ 9X cùng 02 thành viên khác sáng lập.
Ý tưởng ra đời
Khởi nghiệp vỏn vẹn chỉ từ vài trăm triệu đồng với 3 thành viên, 3D CUBE là một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực rất mới mẻ tại Việt Nam. Chia sẻ về ý tưởng ra đời của 3D CUBE, Huy cho biết: “Dự án xuất phát từ một ý tưởng của Phan Thanh Bình - một trong những thành viên sáng lập của 3D CUBE (vốn là người đã khởi nghiệp thành công với một công ty chuyên về thiết bị chiếu sáng - Tab Lighting) khi nhìn thấy những cột đèn rất khác biệt được nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong khuôn khổ một dự án khu vui chơi giải trí có tên là Công viên châu Á tại Đà Nẵng. Bình cảm thấy bị thu hút đặc biệt bởi kiến trúc cột đèn và tính thẩm mỹ độc đáo. Ý nghĩ đầu tiên của Bình là tại sao Hoa Kỳ có những cột đèn này mà Việt Nam lại không có? Thay vì nhập khẩu những cột đèn này thì tại sao Việt Nam lại không sản xuất ra nó?
Với quyết tâm phải sản xuất ra được cột đèn như vậy, Bình cùng mình và Nguyễn Văn Hoan - một cựu sinh viên Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), người từng đoạt 2 Huy chương Vàng “Triển lãm Sáng tạo khoa học công nghệ trẻ châu Á” năm 2014 và 2016 ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đã tự dựng lại bản vẽ và muốn “in” những ý tưởng đó ra thành sản phẩm thật. Để làm được điều này, họ cần phải có máy in 3D. Và như thế, ý tưởng sản xuất máy in 3D được ra đời”.
Hà Văn Huy đã mang những sản phẩm máy in 3D của mình đến nhiều triển lãm để giới thiệu - (Ảnh: NVCC)
Hà Văn Huy - Chàng cựu sinh viên Trường Đại học Điện lực, Đội trưởng của Câu lạc bộ Robocon của trường tham dự cuộc thi “Sáng tạo Robot Việt Nam 2016”, cho biết: “Để có ý tưởng và bắt đầu công việc chế tạo, chúng mình đã nghiên cứu rất nhiều, trước tiên phải làm chủ công nghệ in 3D, sau đó phải thử nghiệm, chế tạo và lắp ráp. Khó khăn thì rất nhiều, thứ nhất phải tìm được nguyên vật liệu có ở trong nước, nhưng phải tốt và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Tiếp theo phải tính toán toàn bộ thông số kỹ thuật để tạo ra máy in 3D hoạt động trơn tru, tối ưu.
Cuối cùng phải lắp “bộ não” cho máy... Trước đó, máy móc này rất phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Ngoài công nghệ in về sợi nhựa, máy có thể ứng dụng in bê tông hay in thép, in kim loại phục vụ cho những ngành kinh tế khác nhau”.
Xuất phát điểm đều là những người đam mê công nghệ, cả nhóm bắt tay nghiên cứu chế tạo máy in 3D. Lúc đầu là những bản vẽ thiết kế sơ bộ, qua nhiều lần chỉnh sửa, lắp ráp, “đập đi xây lại”, tháng 3/2019 chiếc máy in 3D đầu tiên của CUBE đã ra đời. Điều đặc biệt ở chiếc máy in này là 80% linh kiện sản xuất là hàng nội địa, chỉ khoảng 20% phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Máy in CUBE WIGO 200 phù hợp để tạo ra các sản phẩm mẫu, linh kiện thay thế gia dụng, tác phẩm nghệ thuật, đồ chơi... (Ảnh: 3dcube)
Có dịp được tham quan xưởng sản xuất máy in của Công ty 3D CUBE, nơi Hà Văn Huy và các cộng sự nghiên cứu và sản xuất, chúng tôi nhìn thấy những chiếc máy in 3D hoạt động liên tục. Với những sản phẩm không đòi hỏi quá nhiều chi tiết, có thể chưa mất 1 giờ đồng hồ để máy in cho ra sản phẩm, nhưng với những sản phẩm đòi hỏi chi tiết và độ tinh xảo cao, cần những chiếc máy tiên tiến hơn và cũng mất hàng giờ đồng hồ, thậm chí là cả ngày để tạo ra.
Bắt đầu hành trình khởi nghiệp vào tuổi 23, chàng trai đã chọn lĩnh vực tự động hóa làm con đường đi cho mình mà có thể chủ động nghiên cứu, thiết kế và sản xuất những chiếc máy in 3D mang thương hiệu Việt.
Với câu hỏi: “Đối với thế giới, công nghệ in 3D không phải mới, xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ 20. Để vượt qua khó khăn tại thị trường Việt Nam là giá thành và tính ứng dụng cũng chưa nhiều, quan điểm của Huy như thế nào?”, Huy chia sẻ: “Vấn đề trên đúng so với khoảng 2 năm trước khi có ít doanh nghiệp làm in 3D ở Việt Nam, máy móc đều phải nhập ngoại, hơn nữa giá nguyên vật liệu sản xuất ra cho máy in 3D là các sợi nhựa (PLA, ABS...) vẫn còn cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sự phát triển và ứng dụng 3D vào cuộc sống rất nhiều, đồng nghĩa với việc xuất hiện càng nhiều doanh nghiệp về in 3D khiến giá thành cũng giảm. Về nguyên vật liệu sợi nhựa cũng dồi dào, rẻ hơn rất nhiều so với trước, vì thế sử dụng in 3D tạo ra sản phẩm rẻ và nhanh hơn rất nhiều so với các phương pháp truyền thống như công nghệ CNC, tạo mẫu bằng thủ công”.
Những tín hiệu tích cực từ thị trường
Một số sản phẩm in 3D được đặt hàng bởi các đối tác của Công ty.

Bất kỳ một sản phẩm hay giải pháp nào, hiệu quả của nó chỉ được khẳng định khi được thị trường sử dụng và nhận thấy hiệu quả sau khi ứng dụng thực tế, với 3D Cube cũng vậy.
Một sản phẩm mới đây có tên “Holo Conncet” do Công ty Công nghệ Holomia - một đơn vị chủ yếu nghiên cứu các ứng dụng, giải pháp về thực tế ảo sản xuất. Đầu tiên, sản phẩm sẽ được thiết kế trên phần mềm 3D và để đưa từ mô hình 3D ra sản phẩm cuối cùng thì chiếc máy in là vô cùng cần thiết.
Trước đây, các sản phẩm này được Holomia nhập từ nước ngoài phục vụ khách hàng nhưng gần đây, đơn vị đã bắt đầu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cho ra đời sản phẩm được cải tiến, phù hợp hơn với người dùng. Chiếc máy in 3D vì thế cũng đã được đầu tư, lắp đặt. Việc sử dụng máy in 3D giúp cá nhân mình có góc nhìn hoàn thiện nhất về sản phẩm tạo ra. Với những sản phẩm chưa hoàn thiện cũng có thế dễ dàng phát hiện trực quan, từ đó rút kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm ngày một thân thiện hơn với khách hàng” - Ông Lê Minh Huân, CEO công ty cho biết. Còn với đơn vị chuyên về nội thất có tên “Indust Design”, in 3D được sử dụng nhiều trong công việc thiết kế nội thất. Đối với các sản phẩm do đơn vị nghiên cứu và thiết kế bao gồm nhiều bước và sản phẩm trang trí cũng như mô hình về không gian nội thất. Đó là lý do mà Indust Design quyết định đầu tư máy in 3D để hỗ trợ tốt nhất cho xử lý công việc hàng ngày.
Các chi tiết sản phẩm decor trong nội thất là rất rộng, có nhiều mô hình có chi tiết rất cao mà nghệ nhân hay nghệ sỹ vẽ (artist) mất nhiều thời gian để tạo ra sản phẩm mẫu, nay đối với công nghệ trên máy in làm model 3D, ứng dụng rất tốt cho công việc này”, Nguyễn Việt Linh - đại diện công ty chia sẻ.
Holomia hay Indust Design chỉ là hai trong rất nhiều khách hàng hiện nay lựa chọn máy in 3D CUBE do Hà Văn Huy và các cộng sự nghiên cứu, thiết kế chế tạo. Với lợi thế được nghiên cứu và sản xuất trong nước, ngoài sự cạnh tranh về giá thành so với hàng ngoại nhập thì việc có thể chủ động hỗ trợ các đơn vị khi gặp sự cỗ kỹ thuật cũng là “điểm cộng” đối với những chiếc máy in 3D do 3D Cube cung cấp. Tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời những chiếc máy in 3D thương hiệu Việt đang là điều mà chàng trai 9X và các cộng sự theo đuổi.
Chỉ sau hơn 01 năm thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp, đến nay 3D CUBE đã là đối tác của những tập đoàn lớn trong nước như: Công ty cổ phần Điện Quang, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Viettel, các khu công nghiệp (Bắc Thăng Long - Hà Nội, Quế Võ - Bắc Ninh, Điện Nam, Điện Ngọc - Quãng Ngãi), các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như: Hanwha, Premo; các công ty khuôn mẫu, công ty chuyên về nội thất, công ty Game… Hàng chục máy in 3D đã được công ty sản xuất và bán trên khắp cả nước, với lượng khách hàng đa dạng. Không chỉ sản xuất máy in, Công ty còn trực tiếp làm dịch vụ in 3D vì nhu cầu về in các sản phẩm 3D ở thị trường Việt Nam đang gia tăng một cách nhanh chóng bởi độ chính xác và lợi thế tiết kiệm thời gian.
Sản phẩm in của 3D CUBE rất đa dạng và phong phú như: các sản phẩm đúc đồng, đúc nhôm, gia công cơ khí chính xác; các chi tiết, phụ tùng của xe máy điện, các sản phẩm décor thiết kế, bức tượng, phù điêu… với độ chính xác tuyệt đối. Đặc biệt, công ty đã có những đơn hàng đầu tiên từ Cộng hòa Pháp đặt in những chiếc cốc bằng nhựa khổng lồ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Thế hệ trẻ hãy tự tin khởi nghiệp để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, không chỉ phục vụ cho nền công nghiệp nước nhà mà còn khẳng định trí tuệ Việt Nam trên toàn thế giới” - Hà Văn Huy chia sẻ.
Với một lĩnh vực rất mới mẻ, 3D CUBE đã không ngừng mày mò nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm, ban đầu chỉ là những máy in nhỏ với kích thước 200x200. Đến nay, CUBE đã có 5 loại máy in với kích thước khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Trong thời gian tới, 3D CUBE tiếp tục nghiên cứu cho ra những dòng sản phẩm máy in 3D khác như dòng máy in dung dịch nhựa lỏng, kim loại, vật liệu xây dựng, gốm sứ...
Khi được hỏi: “Để chế tạo cần tính toán chuẩn xác và tối ưu hóa việc in 3D như thế nào để đảm bảo chi phí và chất lượng in”. Như Huy chia sẻ: “Hiện nay không còn khó khăn trong việc lựa chọn nguyên vật liệu chất lượng cao cho việc sản xuất nữa, nhưng vẫn phải có tiêu chí đặt ra cho việc lựa chọn? Công nghệ in 3D được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực ở Việt Nam như y khoa, mỹ nghệ, thời trang, kiến trúc, cơ khí và thậm chí cả giáo dục, vậy phải nỗ lực làm sao đển ứng dụng công nghệ in 3D phổ biến và rộng rãi hơn trong cuộc sống hơn nữa?”, Huy hồ hởi nói: “In 3D có rất nhiều vật liệu, riêng nhựa có nhựa PLA (nhựa sinh học) hay nhựa ABS (nhựa hóa học)... Bên mình hướng đến sản xuất từ nhựa PLA vì đây là loại nhựa được cấu tạo từ chất hữu cơ. Có đặc tính thuận lợi cho việc in 3D hơn, hơn nữa là loại thân thiện với người dùng, trong quá trình sử dụng không có mùi và ảnh hưởng đến sức khỏe. Công ty chúng mình đã gia công rất nhiều cho các đơn vị sử dụng trực tiếp in 3D vào quá trình sản xuất của họ, ví dụ các làng nghề đúc đồng, trước đây nghệ nhân phải đắp đất làm khuôn, tạo mẫu thì nay thiết kế 3D rồi in trực tiếp ra hình đó. Có một dự án mới hoàn thiện gần đây, đó là chúng mình tạo ra một hình người hoàn chỉnh với các đặc điểm giống như thật sử dụng công nghệ in 3D, sau đó doanh nghiệp công nghệ đã tích hợp AI vào để giao tiếp như người bình thường. Mục tiêu sắp tới của chúng mình là tiếp tục lan tỏa công nghệ in 3D đến mọi ngành nghề trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam”.
Để đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, 3D CUBE không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu đa dạng của hàng triệu khách hàng, mà còn chủ động trong việc thích nghi với các công nghệ mới, công nghệ 4.0, đưa những sản phẩm 3D vào ứng dụng trong thực tiễn, hội nhập với thị trường thế giới.
Đây thực sự là những thành tích rất đáng ghi nhận của các bạn trẻ dám dấn thân vào con đường khởi nghiệp. Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng với niềm đam mê công nghệ, đam mê sáng tạo, với ý chí chỉ riêng có ở người Việt Nam, 3D CUBE sẽ cho ra đời nhiều sản phẩm đa dạng hơn nữa, là nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ vững tin dấn thân vào con đường khởi nghiệp sáng tạo, góp phần tạo ra những thay đổi đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, với niềm tin sâu sắc rằng người Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động, sẵn sàng đón làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đất nước phát triển, hội nhập./.
Nguồn: Minh Phương (Tổng hợp) – Theo nguồn:  Bản tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2023, Số 01, từ trang 09 -12 của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay1,290
  • Tháng hiện tại57,882
  • Tổng lượt truy cập2,999,911
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây