Cổng tiếp nhận hồ sơ đăng ký StartupViệt 2022 được mở từ ngày 13/6 đến 22/7. Trong số các hồ sơ đăng ký thi Startup Việt năm nay có nhiều dự án thuộc các lĩnh vực như công nghệ giáo dục, sản xuất, nông nghiệp...
Bắt đầu mở cổng từ ngày 13/6, Startup Việt 2022 hiện nhận được hàng chục hồ sơ tham gia của các dự án khởi nghiệp ở đa dạng lĩnh vực. Tuy nhiên, chiếm tỷ lệ cao nhất đang là bốn nhóm: edtech, logistics, nông nghiệp và sản xuất.
Edtech
Nhiều hồ sơ gửi về Startup Việt 2022 thuộc ngành edtech (ứng dụng công nghệ vào giáo dục). Đây là lĩnh vực đang nở rộ trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số. Đặc biệt ở giai đoạn đại dịch, nhiều dự án edtech ra đời và thể hiện được vai trò của mình trong đời sống con người.
Ứng dụng công nghệ trong giáo dục ngày càng phổ biến
Trên thế giới, edtech vẫn phát triển mạnh ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Điều này thể hiện qua dòng vốn đổ vào những công ty trong lĩnh vực này. Theo thống kê của Crunchbase, các công ty khởi nghiệp edtech đã huy động được 20 tỷ USD đầu tư trong năm 2021, tăng từ mức 7 tỷ USD năm 2019 và 14,6 tỷ USD năm 2020. Ứng dụng công nghệ trong giáo dục hiện không chỉ tập trung vào giáo dục trẻ em, mà còn hướng tới đào tạo nhân lực, phát triển kỹ năng cho mọi nhóm người dùng.
Logistic
Logistics được hiểu đơn giản là dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Không phải lĩnh vực quá mới, ngành logistics vẫn liên tục chứng kiến sự ra đời của các startup. Không ít hồ sơ gửi về Startup Việt 2022 thuộc lĩnh vực này.
Theo Clockwise, logistics là lĩnh vực luôn cần sự đổi mới. Tuy nhiên với doanh nghiệp lớn, khi đã đạt đến quy mô nhất định, họ ít linh hoạt hơn trong việc đầu tư phát triển các giải pháp hiện đại và hiệu quả hơn. Đây chính là cơ hội cho các công ty khởi nghiệp, bằng cách ứng dụng công nghệ mới như AI, robotics... để tối ưu hóa hoạt động.
Nông nghiệp, sản xuất xanh
Bên cạnh startup trong lĩnh vực công nghệ nói chung, Startup Việt cũng nhận được hồ sơ từ một số startup về nông nghiệp. Họ ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường, hỗ trợ người nông dân. Một số ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, kinh doanh để nâng cao hiệu quả.
Xu hướng nông nghiệp công nghệ cao
Theo các nhà phân tích, startup nông nghiệp luôn là lĩnh vực tiềm năng, nhiều thị trường ngách vẫn còn non trẻ và nhiều cơ hội. Ngành nông nghiệp có thể kết hợp với công nghệ để tạo ra những sản phẩm và lĩnh vực mới cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Công nghệ sản xuất
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ sản xuất hứa hẹn là một trong những lĩnh vực có sức phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Lượng hồ sơ liên quan đến mảng này được gửi đến Startup Việt đang tăng cao so với năm trước.
Giới chuyên gia nhận định, công nghệ sản xuất, với sự tham gia của các công nghệ mới, như AI, robotics sẽ tác động lâu dài và sâu sắc đến toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất./.
Nguồn: Lưu Quý - https://vnexpress.net