Đầu tư khởi nghiệp Việt Nam thuộc top sôi động nhất Đông Nam Á

Thứ tư - 25/05/2022 15:48 341 0
So với các nước trong khu vực, Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất nhanh cả về nguồn vốn lẫn số lượng các giao dịch rót vốn cho startup khởi nghiệp.
Theo Báo cáo được công bố mới đây bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch Đầu tư) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường đầu tư mạo hiểm triển vọng nhất khu vực ASEAN. 
Cụ thể, Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng số lượng các giao dịch đầu tư mạo hiểm. So với năm 2020, lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam trong năm 2021 vừa qua đã tăng 57%. 
Mức độ tăng trưởng về số lượng thương vụ đầu tư vào các startup Việt Nam cao hơn Singapore (53%), Philippines (42%), Indonesia (27%), Thái Lan (9%) và Malaysia (1%). Nếu xét về số vốn đầu tư, Việt Nam hiện đứng thứ 3 ASEAN về tốc độ tăng trưởng nguồn vốn cho đầu tư khởi nghiệp. 
Mức độ thay đổi về nguồn vốn (bên trái) và số lượng thương vụ (bên phải) đầu tư cho startup.
So với năm 2020, số tiền mà các nhà đầu tư mạo hiểm bỏ vào các startup Việt đã tăng 220%. Con số này chỉ thua kém Singapore (379%) và Philippines (559%), trong khi bỏ xa Malaysia (119%), Indonesia (22%) và Thái Lan (1%).
Theo đánh giá của NIC và Do Ventures, hệ sinh thái mạo hiểm của khu vực Đông Nam Á thời gian qua đã chứng kiến sự tăng trưởng một cách toàn diện. Nguyên nhân bởi khu vực Đông Nam Á hiện đã trở thành ‘mỏ vàng” của giới đầu tư mạo hiểm toàn cầu. Đáng chú ý, nếu chỉ xét nhóm 6 nền kinh tế đứng đầu ASEAN gồm Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Phiippines và Việt Nam, nước ta hiện chiếm khoảng 13% nguồn vốn đầu tư mạo hiểm được rót vào khu vực trong năm qua.
Việt Nam hiện cũng chiếm tới 19% tổng lượng giao dịch rót vốn vào các startup thuộc 6 nền kinh tế hàng đầu ASEAN năm 2021. Ở cả 2 khía cạnh trên, Việt Nam đều xếp vị trí thứ 3, sau Indonesia và Singapore - 2 nền kinh tế dẫn đầu khu vực. 
Tỷ lệ chiếm lĩnh về nguồn vốn (trên) và số thương vụ đầu tư (dưới) giữa Việt Nam (màu xanh lá cây) và 5 nước thuộc top 6 nền kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á.
Các lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm nhất khi tìm đến các startup Việt là game, giải trí, thanh toán, bán lẻ và giáo dục. Các xu hướng đầu tư nổi bật trong thời gian tới sẽ bao gồm công nghệ tài chính và web 3.0 với sự phổ biến ngày càng tăng của tiền mã hóa cũng như công nghệ Blockchain. 
Theo Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) của Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á, sau Philippines và Thái Lan. Trong mắt các nhà đầu tư, sự phổ biến của smartphone tại Việt Nam đang tạo cơ hội cho các startup thanh toán kỹ thuật số và các giao dịch trực tuyến.
Nhìn về tương lai, các chuyên gia có chung nhận định rằng, triển vọng kinh tế Việt nam sẽ sáng sủa hơn trong năm 2022 với những chiến lược hợp lý nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch. 
Môi trường chính trị - xã hội ổn định và việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay sẽ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư ngoại khi gia nhập thị trường đầu tư mạo hiểm Việt Nam. Hiện khu vực Đông Nam Á có sự góp mặt của 79 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó có 37 quỹ chỉ vừa mới xuất hiện hồi năm ngoái.
Fintech được đánh giá sẽ là xu hướng đầu tư công nghệ nổi bật trong năm 2022.
Tổng số tiền đầu tư được những quỹ này bỏ vào startup khu vực hiện đạt 7,6 tỷ USD. Nguồn vốn cho đầu tư khởi nghiệp tại Đông Nam Á được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng tới.
Biểu đồ cho thấy số lượng và nguồn gốc các thương vụ đầu tư mạo hiểm được thực hiện tại Việt Nam qua các năm.
Thực tế cho thấy, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây 2 năm, các công ty khởi nghiệp đã đi đầu trong việc giúp giải quyết hàng loạt những vấn đề do đại dịch gây ra. 
Dễ nhận thấy nhất là vai trò quan trọng của các nền tảng giao hàng, nền tảng giáo dục trực tuyến, làm việc từ xa, thanh toán kỹ thuật số... Cũng nhờ đổi mới và áp dụng công nghệ, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khủng hoảng và thậm chí phát triển mạnh mẽ. 
Các công ty khởi nghiệp được nhận định sẽ tiếp tục trở thành mạch máu của nền kinh tế cạnh tranh, cung cấp các cơ hội việc làm mới, mang tới cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn, đồng thời thách thức khả năng đổi mới của các doanh nghiệp truyền thống./.
Nguồn:Trọng Đạt - https://vietnamnet.vn/ 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay1,499
  • Tháng hiện tại3,109
  • Tổng lượt truy cập2,863,851
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây