Biểu đồ so sánh khái quát giữa kinh tế tuyến tính với kinh tế tuần hoàn – Ảnh: Sưu tầm
Hiện nay, mô hình kinh tế tuần hoàn đang nhận được nhiều sự quan tâm nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bởi đây là mô hình đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân, đặt biệt là cho các doanh nghiệp ngành nông nghiệp.
Việt Nam là một đất nước thuần nông, do đó nền nông nghiệp luôn giữ vị trí trọng tâm đặc biệt là nguồn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Hiện ngành này đang gặp khó khăn từ các chất thải trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi… Dó đó, phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn đã và đang trở thành xu hướng không thể đảo ngược để phát triển nông nghiệp một cách bền vững.
TS.Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo quốc gia – VSMA, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam, Chủ tịch Hội Hoá chất Nông nghiệp TP. Hà Nội
Rất nhiều lợi ích khi doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn như: giúp gia tăng nguồn lợi cho doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường... Đây chính là tiền đề cho sự phát triển bền vững, TS.Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo quốc gia – VSMA, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam chia sẻ: “Kinh tế tuần hoàn ngành nông nghiệp được xem là xu hướng không thể đảo ngược vì nó đem lại nhiều lợi ích, giúp doanh nghiệp tận dụng được tài nguyên vốn có. Đặc biệt với các startup nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn giúp đem lại cơ hội phát triển mới. Với ngành nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn là mô hình khép kín, ở đó các chế tải, phụ phẩm nông nghiệp được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào thông qua ứng dụng công nghiệp hóa lý, công nghệ sinh học…”
Những điểm còn “khó”
Thực tế đã minh chứng, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ngành nông nghiệp đã áp dụng thành công mô hình này ví dụ như các doanh nghiệp chế biến sản phẩm hữu cơ... Tuy nhiên, các chuyên gia khởi nghiệp trong ngành cũng nhận định, khi áp dụng kinh tế tuần hoàn, các startup sẽ phải xác định rõ hai yếu tố quan trọng cần được đầu tư mạnh gồm: nguồn vốn và con người. Năng lực của người đứng đầu doanh nghiệp, người thực hiện cần phải được nâng cao, cần xác định được những giá trị mà kinh tế tuần hoàn đem lại cho doanh nghiệp, cho môi trường và cho sự phát triển bền vững.
Ngoài ra, cần phải đầu tư về mặt hạ tầng, trang thiết bị. Ngay từ khi bắt đầu, các doanh nghiệp phải tìm kiếm các chế phẩm có thể tái sử dụng một cách có mục đích làm đất trồng, phân bón... Từ đó tập trung vào việc tạo ra các mắt xích giúp tuần hoàn và tái sử dụng. Thêm vào đó là hoạt động thu gom nguyên liệu đầu vào, ứng dụng các giải pháp công nghệ sinh học môi trường, đầu tư nghiên cứu để tạo ra sản phẩm cuối cùng có giá trị cao.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp hay những doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ cũng muốn áp dụng kinh tế tuần hoàn nhưng khó áp dụng được vì không có nguồn lực đầu tư. Nguồn lực tài chính cho thực hiện việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi rất lớn nhưng thực tiễn lại chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác huy động các nguồn lực từ xã hội chưa hiệu quả. Chưa kể tới, khi áp dụng mô hình này, các startup cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Ví dụ, khi mô hình nằm trong chiến dịch rất dễ triển khai và đạt được hiệu quả là chiến dịch VAC, nhưng khi ra ngoài khuôn khổ của chiến dịch thì làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp tục áp dụng và phát triển bền vững?
Ông Lương Văn Trường - CEO dự án “Hạt giống nảy mầm sẵn” - Ảnh: NVCC
Theo ông Lương Văn Trường - CEO dự án Hạt giống nảy mầm sẵn: “Kinh tế tuần hoàn là một khái niệm, một mô hình rất mới mẻ. Do đó kiến thức và việc thực hành nó chúng tôi chưa được tiếp cận nhiều. Để tuần hoàn được thì bên mình phải kiểm soát rất chặt quy trình làm việc của mình, sau đó xác định các yếu tố có thể tiếp tục tạo ra giá trị để có thể tác động thêm tạo giá trị mới theo một vòng tuần hoàn nhất định”.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến gần cuối năm 2022, tổng khối lượng phế, phụ phẩm nông nghiệp cả nước khoảng 156,8 triệu tấn. Nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng tốt các phế, phụ phẩm nông nghiệp. Tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt mới đạt 52,2%, ngành chăn nuôi là 75,1%, lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%.
Ngoài ra, nhận thức về kinh tế tuần hoàn của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chưa cao, vẫn coi đây là mô hình gây tốn kém chi phí, mất thời gian, công sức, chưa nhận thức được lợi ích mang lại. Đó là chưa kể ở mức độ quy mô quá nhỏ hay lợi ích quá nhỏ doanh nghiệp sẽ không có hứng thú với mô hình này. Bên cạnh đó, tâm lý của doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân là e ngại, sợ rủi ro.
Về mặt chính sách chưa tạo ra các áp lực tài chính và động lực để thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, người tiêu dùng nhằm thực hiện các mục tiêu của kinh tế tuần hoàn.
Các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp
Theo TS.Đàm Quang Thắng: “Về phía Nhà nước, cần có ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, cụ thể như việc có dấu tích xanh để nhận biết sản phẩm được sản xuất theo hướng mô hình kinh tế tuần hoàn hoặc nông nghiệp xanh…Người tiêu dùng, cũng cần phải nâng cao nhận thức rằng việc họ sử dụng các sản phẩm này chính là góp phần thúc đẩy cho nền nông nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Về phía người sản xuất, cần phải tự nâng cao nhận thức và áp dụng mạnh mẽ hơn mô hình kinh tế tuần hoàn để tối ưu nguồn lực, giảm tác động đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên...”
Cũng đưa ra giải pháp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ra mắt 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn gồm: Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học thú y; Phòng thí nghiệm trung tâm về khoa học và công nghệ thực phẩm; Phòng thí nghiệm đánh giá chất lượng đất và phân bón, Phòng thí nghiệm môi trường, Phòng thí nghiệm trung tâm khoa chăn nuôi và Phòng phân tích kiểm nghiệm - Viện nghiên cứu tăng trưởng xanh để hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững.
Về phía các doanh nghiệp, ông Lương Văn Trường đề xuất hợp tác xã cần có những giải pháp đào tạo, xây dựng, nâng cao các mô hình chuẩn về kinh tế tuần hoàn theo từng lĩnh vực cụ thể: trang trại, thủy sản, sản xuất lúa gạo,... để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, thử nghiệm, rút kinh nghiệm và áp dụng được cho chính doanh nghiệp mình.
Theo ông Đỗ Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Raincoffee cũng mong muốn cần nhiều hơn sự vào cuộc của Nhà nước, các bộ, ngành nhằm tạo điều kiện hỗ trợ về giá; xây dựng thị trường tiêu thụ và cần có nhãn riêng cho các sản phẩm sản xuất theo mô hình này.
Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm để các đơn vị tham khảo như: thành lập đội ngũ chuyên gia nghiên cứu cụ thể điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trước khi xây dựng chương trình nông nghiệp xanh đối với sản phẩm cà phê tại vùng trồng nguyên liệu; áp dụng công nghệ sơ chế “thu hồi” sử dụng lại nguồn nước ngâm ủ cà phê thành nước tưới cho gốc cà phê; các chế phẩm từ vỏ, bã cafe được ủ làm phân bón. Giúp tiết kiệm chi phí chăm sóc cây, bảo vệ nguồn GEN cây cafe thuần chủng; sử dụng bao bì thân thiện môi trường, áp dụng chính sách thu đổi vỏ bao nhằm khuyến khích giảm thải rác nhựa. Cách thức này của doanh nghiệp không chỉ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn mà còn hướng đến phát triển nông nghiệp xanh.
Ông Đỗ Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Raincoffee
Mặc dù nông nghiệp tuần hoàn với nhiều startup là khá mới mẻ và còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng đây là xu thế không thể đảo ngược trong tương lai, hơn ai hết, là những nhà khởi nghiệp nếu “dám nghĩ, dám tìm hiểu và dám làm” sẽ giúp người nông dân, chủ doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao như kỳ vọng. Đồng hành với startup, chúng ta cũng cần phải chung tay để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn một cách toàn diện và đi vào thực chất./.
Nguồn: Bích Phương - https://diendandoanhnghiep.vn/