Đổi mới sáng tạo mở đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp
Xu hướng đổi mới đạt hiệu quả cao
Những năm gần đây, đổi mới sáng tạo mở đã nhanh chóng trở thành yếu tố thúc đẩy tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Theo như khảo sát của IBM Institute for Business Value năm 2021, các tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo mở có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu cao hơn 59% so với các tổ chức không thực hiện. Trong khi đó, các tổ chức kết hợp đồng thời đổi mới sáng tạo mở và tương tác mạnh mẽ với hệ sinh thái có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu cao hơn 58% so với các tổ chức chỉ theo đuổi đổi mới sáng tạo mở.
Cũng theo khảo sát của IBM Institute for Business Value, 84% quản lý cấp cao trên toàn cầu nói rằng đổi mới sáng tạo mở có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược tăng trưởng trong tương lai của họ.
61% quản lý cấp cao tin rằng đổi mới sáng tạo mở giúp tổ chức thành công trong việc đem lại lợi ích hữu hình hơn là đổi mới đóng. Và 63% quản lý cấp cao đang tích cực khuyến khích nhiều ý tưởng mới đến từ bến ngoài tổ chức của họ. Vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp và quốc gia vận dụng đổi mới sáng tạo mở.
Với những tiến bộ trong công nghệ, thông tin và truyền thông, tiến trình đổi mới sáng tạo đang phát triển ngày càng nhanh. Ngày nay, ý tưởng có thể đến từ mọi công ty, tổ chức với đa dạng quy mô và lĩnh vực thay vì chỉ từ những đơn vị có khả năng nghiên cứu lớn như trước đây. Ngoài ra, các công ty, tổ chức, cá nhân cũng ngày càng linh động hơn, họ sẵn sàng kết nối ý tưởng với bất cứ công ty nào có khả năng phát triển chúng.
Giải quyết “nỗi đau” của doanh nghiệp dựa vào trao đổi nguồn lực
Đổi mới sáng tạo mở là đổi mới sáng tạo dựa trên sự trao đổi tài nguyên và nguồn lực với các chủ thể bên ngoài công ty, thay vì chỉ đổi mới sáng tạo dựa trên nguồn tài nguyên và nguồn lực nội sinh. Nói một cách dễ hiểu, đổi mới sáng tạo mở là việc các doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia thực hiện một vài hoặc cả ba hoạt động dưới đây.
Thứ nhất, doanh nghiệp, tổ chức đưa ra những “nỗi đau” mà mình đang gặp phải và công khai kêu gọi các ý tưởng, nguồn lực bên ngoài để giải quyết những thách thức đó.
Thứ hai, khi tập hợp được những giải pháp tiềm năng, doanh nghiệp và tổ chức đó sẽ lên kế hoạch thử nghiệm và thương mại hóa giải pháp đó.
Thứ ba, trong quá trình này, các doanh nghiệp, tổ chức này sẽ kết hợp với các đối tác bên ngoài để cùng nhau đồng sáng tạo, phát triển những đổi mới sáng tạo đó. Trong kinh doanh, đổi mới sáng tạo mở là một cách đổi mới đem lại nhiều lợi ích hơn so với đổi mới sáng tạo chỉ dừng lại ở trong nội bộ tổ chức, doanh nghiệp. Có rất nhiều cơ hội được tạo ra từ đổi mới sáng tạo mở mà doanh nghiệp có thể tận dụng như giúp giảm chi phí, đẩy nhanh thời gian tung sản phẩm ra thị trường, gia tăng sự khác biệt và tạo ra dòng doanh thu mới cho công ty…
Những điển hình về đổi mới sáng tạo mở
Với những tác động tích cực mà hoạt động đổi mới sáng tạo mở mang lại, đổi mới sáng tạo mở không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp mà còn được áp dụng ở tầm quốc gia và xã hội nói chung. Dưới đây là một số ví dụ điển hình về việc áp dụng đổi mới sáng tạo mở trên thế giới.
Vào tháng 3/2020 trong đợt giãn cách đầu tiên tại Đức, Chính phủ Liên bang Đức đã phát động cuộc thi We Versus Virus (#WirVsVirus) dành cho tất cả mọi người. Cuộc thi được thực hiện nhằm tìm ra giải pháp chuyển đổi số một cách nhanh chóng trong việc chăm sóc sức khỏe, giúp người dân ở mọi lứa tuổi ứng phó với giãn cách xã hội… trong đại dịch COVID-19.
Trong vòng 48 giờ từ lúc thực hiện kêu gọi, hàng nghìn người trải dài ở mọi nhân khẩu học, lĩnh vực và trình độ đã tham gia và phát triển được hơn 1.500 ý tưởng, giải pháp giải quyết bài toán được đặt ra.
#WirVsVirus đã dành 6 tháng để phát triển, thử nghiệm và nhân rộng các giải pháp này, từ đó đóng góp một phần không nhỏ trong cuộc chiến chống lại COVID-19 tại Đức. Tương tự, vào năm 2018, nhà bán lẻ đồ nội thất và hàng gia dụng của Thụy Điển IKEA đã ra mắt Co-Create IKEA, đây là một nền tảng kỹ thuật số khuyến khích khách hàng và người hâm mộ phát triển các sản phẩm mới.
Với nền tảng này, IKEA có thể thu thập ý tưởng sản phẩm từ khách hàng, tìm kiếm giải pháp đột phá từ các startup, tìm kiếm các giải pháp sản phẩm khi cộng tác với sinh viên đại học, và kết nối với các phòng thí nghiệm đổi mới trên khắp thế giới. Những ý tưởng tốt sẽ được nhận phần thưởng từ IKEA, ngoài ra còn được đầu tư và tiếp cận với các tài nguyên sẵn có như phòng thí nghiệm, hỗ trợ từ chuyên gia.
Điều này đã giúp cho IKEA có thể liên tục cải tiến sản phẩm với thời gian ngắn hơn và đột phá hơn. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế cũng được tạo động lực một cách mạnh mẽ từ nhà bản lẻ nội thất lớn nhất thế giới.
Kết luận
Hiện nay, nhiều công ty, tập đoàn lớn tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng như sự thay đổi nhu cầu của thị trường. Việc chỉ dựa vào nguồn lực trong công ty không còn phù hợp để họ có thể dễ dàng bắt kịp với những thay đổi, đổi mới hiện nay. Do vậy, nhu cầu tìm đến sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài là vô cùng quan trọng. Trong đó, đổi mới sáng tạo mở, là một trong những mô hình mang tính hiệu quả cao để giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp. Đổi mới sáng tọa mở không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi công ty mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận những cơ hội làm việc, hợp tác mới trong hệ sinh thái.
Nguồn: Hường Hoàng - https://theleader.vn/