Hiện số lượng các công ty fintech tại Việt Nam đã lên đến hơn 160 công ty phát triển trong lĩnh vực công nghệ tài chính, gấp khoảng 4 lần so với năm 2017. Trong đó, có tới gần 70% trong tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở lĩnh vực thanh toán. Những đổi mới, sáng tạo về công nghệ tài chính đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với các tổ chức tài chính, ngân hàng thông qua việc bổ khuyết, giải quyết tính thiếu hiệu quả trong sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện hành…
Fintech đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phổ cập tài chính toàn diện quốc gia, cũng là cấu phần trọng yếu để góp vào việc đạt mục tiêu chính phủ số, kinh tế số trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mà nhiều quốc gia đang hướng tới, trong đó có Việt Nam.
Năm 2021, vốn đầu tư vào fintech tại Việt Nam chiếm khoảng 12% trong khu vực Đông Nam Á với hai thương vụ lớn là VNLife và MoMo đều chính thức trở thành Kỳ lân công nghệ (các công ty có định giá trên 1 tỷ USD), thì năm 2022 con số này chỉ còn là 5%.
Đây là điều đã được dự báo từ trước, khi nhiều chuyên gia cho rằng, các startup Việt Nam nói chung sẽ phải sẵn sàng cho “mùa đông” sắp tới - khi mà tình hình kinh tế chung đang có nhiều rủi ro, biến động. Các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ ngày một khắt khe hơn, cũng như dòng tiền đầu tư mạo hiểm sẽ ngày càng thắt chặt hơn. Không chỉ rơi vào tình trạng “đói vốn”, mà hành lang pháp lý cũng được xem là một vấn đề nhức nhối với các fintech nói chung.
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS)
Theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), 5 năm trước, khoảng giữa 2015, Việt Nam đã nói nhiều về fintech. Khi đó, đã có những yêu cầu về khuôn khổ pháp lý, nhưng Việt Nam đã đi quá chậm. “Hiện tại chúng ta đang ở giữa một làn sóng công nghệ, về trí tuệ nhân tạo… Chúng ta cần quay lại câu chuyện nên hoàn thiện khuôn khổ pháp lý như thế nào”, ông nói.
Ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, thiệt hại tổng thể cho nền kinh tế số Việt Nam là do thiếu khuôn khổ pháp lý, nên thay vì phát triển được 10 phần, đi 10 bước, thì chúng ta chỉ có thể đi 5 bước. Đồng quan điểm, ông Dương Quốc Anh - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, mặc dù công nghệ tài chính đang phát triển rất nhanh, nhưng cho tới nay, chưa quốc gia nào có thể khẳng định đủ hệ thống pháp lý, kể cả Việt Nam.
Ông Dương Quốc Anh - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội
“Điển hình như quy định về các fintech chưa rõ ràng, chưa đồng bộ. Một số quy định về thủ tục; vấn đề xác định danh tính khách hàng; chưa có nguồn thông tin đảm bảo về kho dữ liệu; các quy định về hợp đồng điện tử, chữ ký số, tài sản số; các quy định về tố tụng, quyền sở hữu, hình sự cũng chưa rõ ràng”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Tuấn Nguyễn - Chủ tịch eCap Holding cho biết: “Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển của ngành tài chính số còn rất lớn, trong đó các fintech rất năng động, có sẵn nguồn lực công nghệ để cung ứng ngay cho thị trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, pháp lý về tài chính số vẫn chưa rõ ràng”. Vì vậy, ông Tuấn Nguyễn đề xuất nên có ban hỗ trợ pháp lý cho các fintech, bởi các fintech không muốn làm sai, nhưng nhiều khi không biết làm thế nào cho đúng.
Góp thêm ý kiến, ông Nguyễn Thanh Minh - CEO OneSecond Việt Nam cho hay, sự phát triển nhanh của các fintech không đi kèm với chất lượng đang đẩy rủi ro tài chính đến người tiêu dùng. Vì vậy, cơ quan quản lý cần hoàn thiện hành lang pháp lý theo tiêu chuẩn quốc tế, để cùng tạo nên một nền tài chính số phát triển bền vững.
Ông Tuấn Nguyễn - Chủ tịch eCap Holding
Chia sẻ thêm, ông Cao Hoàng Anh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI cho rằng: “Các ngân hàng, tổ chức tài chính hiện nay dễ dàng chuyển đổi số hơn các doanh nghiệp khác, bởi họ đã có kho dữ liệu”. Dù vậy, ông Hoàng Anh cho biết hiện nay thể chế chính sách liên quan đến kết nối dữ liệu đang có nhiều vướng mắc./.
Nguồn: Việt Hưng - https://theleader.vn/