Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho dự án mua cổ phần của Công ty Trust IQ Pte.Ltd (Trusting Social) tại Singapore của Công ty TNHH The Sherpa – Công ty con của CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN).
Masan bạo chi 105 triệu USD mua cổ phần Trusting Social
Dự án này có tổng vốn đầu tư 105 triệu USD (khoảng 2.500 tỉ đồng). Trong đó, vốn góp của Masan là 94,5 triệu USD, vốn chủ sở hữu của The Sherpa là 10,5 triệu USD. Masan đặt mục tiêu sở hữu 25% cổ phần của Trusting Social (thông qua The Sherpa) với định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo trong bán lẻ (Retail AI) và trí tuệ nhân tạo trong tiêu dùng (Consumer AI).
Qua đó, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sẽ tiếp nhận chuyển giao công nghệ trí tuệ nhận tạo (AI) về Việt Nam, ứng dụng AI phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau từ nhu yếu phẩm, giải trí đến dịch vụ tài chính của người tiêu dùng.
Vì sao Masan quyết chơi lớn tại Trusting Social?
Nhắc lại một sự kiện cũ. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (AGM 2022), Masan đã công bố hợp tác chiến lược với Trusting Social.
Theo đó, tập đoàn này cho biết đã hoàn tất thỏa thuận đầu tư 65 triệu USD để mua 25% cổ phần CTCP Trusting Social (TSVN) - công ty con tại Việt Nam của Trusting Social. Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, thương vụ này đã được nhóm Masan hoàn tất vào tháng 4/2022, với khoản đầu tư được ghi nhận ở mức 1.511,2 tỉ đồng.
Trusting Social có trụ sở tại Singapore, được sáng lập bởi nhà khoa học dữ liệu Nguyễn An Nguyên. Công ty fintech này được biết đến là một trong số ít các công ty đạt được mục tiêu chấm điểm tín dụng cho 1 tỷ người trên thế giới bằng AI và dữ liệu lớn (Big Data).
Ông Nguyễn An Nguyên thuyết trình tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Masan hồi tháng 4/2022.
Tại AGM 2022 của Masan, ông Nguyễn An Nguyên đã có bài thuyết trình dài hơn 20 phút để chia sẻ về sự tham gia của Trusting Social vào quá trình chuyển đổi, phát triển công nghệ học máy và trí tuệ nhân tạo của tập đoàn này trong thời gian sắp tới. Đây cũng là đối tác hiếm hoi hợp tác với Masan có riêng một bài thuyết trình tại đại hội đồng cổ đông của tập đoàn.
Ông Nguyên cho biết: “Nền tảng đầu tiên mà Trusting Social sẽ cùng với Masan xây dựng là nền tảng siêu cá nhân hoá, biết chính xác khách hàng sẽ mua gì trước khi họ nghĩ đến việc đó. Nền tảng thứ 2 là khách hàng thân thiết. Nền tảng thứ 3 mà Masan và Trusting Social sẽ cho ra mắt là nền tảng tiếp cận tài chính cho người tiêu dùng bằng việc phát hàng thẻ tín dụng dành cho mọi người (khách hàng bình dân) EVO mà không cần chứng minh thu nhập”.
Nhà sáng lập Trusting Social cũng tiết lộ đã “âm thầm làm việc với Masan suốt một năm” trước khi thỏa thuận hợp tác được công bố, cụ thể là tạo nên những “bản đồ sức mua” để thiết kế các mặt hàng phù hợp với nhân khẩu học của từng khu vực rất nhỏ. Ông Nguyên tự tin rằng, công nghệ này sẽ nâng được tỷ lệ mở cửa hàng mới thành công của chuỗi WinMart từ 60% lên tới 90%.
Masan được cho là sẽ IPO The CrownX - nền tảng bán lẻ tiêu dùng hợp nhất WinCommerce (chủ sở hữu chuỗi WinMart/WinMart+) và Masan Consumer Holdings – trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023 – 2024.
Trong một động thái củng cố 'chiếc vương miện' của mình, vào tháng 01/2022, Masan đã chi 110 triệu USD để nắm giữ quyền chi phối tại chuỗi cửa hàng trà sữa Phúc Long. Việc tích hợp Phúc Long được kỳ vọng sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng cho chuỗi WinMart/WinMart+, qua đó giúp WinCommerce - viên ngọc quý trong 'chiếc vương miện' The CrownX - có lãi. Nếu kịch bản này xảy ra, 'game' IPO The CrownX của Masan được tin rằng sẽ có giá trị lên tới nhiều tỷ đô./.
Nguồn: https://viettimes.vn/
Theo quy định tại Luật đầu tư năm 2020, các dự án đầu tư ra nước ngoài cần được Thủ tướng chấp thuận đầu tư hiện nay, bao gồm: Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư từ 400 tỉ đồng trở lên; Các dự án khác có vốn đầu tư từ 800 tỉ đồng trở lên.