Tại hội nghị tập huấn “Khai thác thông tin và cung cấp dịch vụ sở hữu công nghiệp” diễn ra sáng ngày 24/5, do Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội. Thứ trưởng Phạm Công Tạc đánh giá, trong quản lý tài sản trí tuệ bằng nền tảng IPPlatform là một “điểm chấm” trong bức tranh tạo ra giá trị tài sản sở hữu trí tuệ đối với các đơn vị có hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D). Nền tảng cho phép nhập cơ sở dữ liệu, sử dụng khai thác dữ liệu sẵn có, nghiên cứu thị trường và đưa ra thương mại hóa. “Nền tảng này cùng với các đơn vị, hiệp hội, viện nghiên cứu sẽ góp phần lâu dài phát triển tài sản trí tuệ cho Việt Nam”, Thứ trưởng nói.
IPPlatform (nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp) là công cụ trực tuyến miễn phí được vận hành tại địa chỉ http://ipplatform.gov.vn từ tháng 7/2019. Sản phẩm được nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ phát triển, giúp doanh nghiệp quản lý, tra cứu thông tin về sáng chế, giải pháp hữu ích, minh bạch trong quản lý tài sản trí tuệ. Đây là nền tảng cho phép cung cấp dịch vụ sở hữu công nghiệp, kết nối các cá nhân tổ chức, có sáng chế, giải pháp hữu ích với bên có nhu cầu mua.
Giao diện nền tảng IPPlatform.
Thứ trưởng nhận định, triển khai nền tảng IPPlatform vẫn là một việc mới và cần được định hướng lâu dài. Ông cho rằng từ việc nghiên cứu thị trường, đăng ký chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề cần chú ý. Do đó để nền tảng này trở thành biểu tượng trí tuệ, Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội nghiên cứu cùng phát triển. Đánh giá nền tảng IPPlatform vẫn còn khái niệm còn xa vời, song ông tin tưởng đối với Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, “Sẽ đến một lúc, sở hữu trí tuệ, R&D sẽ trở thành cốt lõi, tạo giá trị cạnh tranh cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
TS.Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, cho biết: “Dựa vào thông tin sở hữu công nghiệp và nền tảng IPPlatform, các doanh nghiệp, tổ chức có thể đánh giá khả năng khai thác hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp. Nền tảng này cũng giúp tăng cường công tác quản lý sở hữu trí tuệ tại địa phương. Chúng ta cần phải biết được doanh nghiệp, cá nhân địa phương mình đang có đối tượng sở hữu công nghiệp nào, đơn nào, văn bằng đăng ký bảo hộ để hỗ trợ họ”, ông nói.
Hiện mạng lưới các trạm IPPlatform được đưa vào hoạt động tại nhiều địa phương trong cả nước như TP HCM, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An, Phú Thọ, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng... Đã có 19 trạm IPPlatform được thiết lập và vận hành tại 15 Sở Khoa học và Công nghệ, 02 Viện nghiên cứu và 02 Hiệp hội nhằm phục vụ hoạt động khai thác thông tin và đưa dịch vụ sở hữu công nghiệp đến các địa phương./.
Phòng QLCN