Một trong những thông lệ quốc tế là yêu cầu doanh nghiệp cung cấp nguồn gốc giống và chỉ có chủ sở hữu mới được sử dụng hợp pháp giống cây trồng. Vì vậy, doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ việc bảo hộ giống cây trồng, tránh tình trạng sản xuất nhưng không thể xuất khẩu.
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng. Nếu không làm chủ công nghệ cao thì nông nghiệp Việt Nam khó có được thị trường ổn định. Đặc biệt khi thị trường ngày càng mở rộng, các nước bắt đầu yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, Việt Nam cần phải chủ động trong việc nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi đó, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp sẽ được thể hiện rõ nét.
Mỗi doanh nghiệp cần có giống cây trồng riêng để tạo thương hiệu
Thành tựu xuất khẩu rau, hoa, quả tại Việt Nam trong những năm qua ngoài sự nỗ lực của người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn là kết quả của việc ứng dụng công nghệ cao. Có thể kể đến như nhà lưới, nhà kính, công nghệ thông tin. Tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nói chung và rau, hoa, quả nói riêng cần nhiều lưu ý, bởi trong đó có mối quan hệ chặt chẽ để tạo ra sản phẩm.
Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit đã đăng ký bảo hộ giống cây thanh long ruột đỏ LD1 ở thị trường Nhật.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - cho biết trong vòng 10 năm qua đã có hơn 70 giống cây ăn quả mới lưu hành tại Việt Nam. Phần lớn giống ở giai đoạn đầu được chọn lọc từ các giống tại địa phương, nhờ đó giúp chúng ta có đặc sản riêng. Tuy nhiên, điều này dẫn đến hạn chế là khó tạo ra sự đa dạng về sản phẩm.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tại “Hội thảo quốc tế về Công nghệ sản xuất và Chế biến rau, hoa quả tại TP.HCM”, nhận định việc đăng ký bảo hộ giống cây trồng của doanh nghiệp là việc rất cần thiết.
Hiện tại Việt Nam có Viện Nghiên cứu Rau quả và Viện Cây ăn quả miền Nam (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) là hai Viện đầu ngành về lai tạo giống, giữ vai trò chủ đạo trong việc đưa ra giống mới bên cạnh giống ngoại nhập của các doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, thành tựu chúng ta tạo ra vẫn còn rất ít. Chỉ khi nào nước ta tạo ra được kết quả như đã làm với thanh long thì mới hoàn toàn làm chủ được thị trường. Thanh long là giống nổi bật, từ cây hoang dại với các giống địa phương, chúng ta đã tạo ra nhiều giống thanh long, đặc biệt là thanh long ruột đỏ. Bình quân thanh long chỉ có 15.000 - 20.000 đồng/kg, hiện giá trị xuất khẩu bình quân 40.000 - 50.000 đồng/kg, nhiều thị trường xuất khẩu có giá lên đến 10 USD như thị trường Nhật Bản”, ông Sơn nói. Ông Sơn còn đưa ra lưu ý, mỗi doanh nghiệp cần có một giống cây trồng riêng để xây dựng được thương hiệu cho chính mình.
Bên cạnh công nghệ lai giống, công nghệ sản xuất cây giống cũng cần được quan tâm. Hiện nay, một trong những điều đáng lo ngại nhất là chất lượng cây giống. Trong vòng 5 năm qua Việt Nam tăng gần 150.000 ha diện tích cây ăn quả. Trong khi đó, số cơ sở sản xuất giống đảm bảo truy xuất nguồn gốc còn ít và chất lượng còn yếu, cần nhiều doanh nghiệp đầu tư vào. Trước đó, mỗi tỉnh có một phòng nuôi cấy mô nhưng hiện nay nhu cầu đó không đáp ứng được với thực tiễn sản xuất.
Cần phát triển và đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô để nhân nhanh và cải thiện chất lượng giống cây trồng
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp chính xác trong khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng; công nghệ điều khiển tự động chế độ bón phân, tưới nước. Bởi vì đối với cây ăn quả, để tính chính xác lượng phân bón là vấn đề lớn. Người nông dân thường bón theo kinh nghiệm, cây nào cũng bón như nhau. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cản trở việc xuất khẩu.
Nâng cao nhận thức bảo hộ giống cây trồng
Theo ông Sơn, việc ứng dụng công nghệ cao cần vốn đầu tư lớn dẫn đến doanh nghiệp tham gia ít, trong khi hiệu quả kinh tế chưa thực sự cao bởi công nghệ chưa thực sự phù hợp. Thứ hai là công nghệ tạo giống còn hạn chế, nguồn lực để làm chủ công nghệ cao còn yếu, cơ chế chính sách chưa đồng bộ nên khó tiếp cận được ưu đãi Nhà nước.
Về phía đối ngoại, Việt Nam đã ký công ước quốc tế UPOV để bảo vệ sở hữu trí tuệ, trong đó có vấn đề bảo vệ giống cây trồng được thực thi từ rất lâu. Nhiều đơn vị đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để cấp bằng bảo hộ giống cây trồng. Tuy nhiên cho đến nay, nhận thức của các doanh nghiệp và người dân về lĩnh vực này còn hạn chế. Việc mua cây giống từ các đại lý, cửa hàng chỉ là mua công sức của người sản xuất giống, rất khác với việc là chủ sở hữu của giống cây.
Một trong những thông lệ quốc tế đó là các nước thường yêu cầu cung cấp nguồn gốc xuất xứ giống và chỉ có chủ sở hữu mới được sử dụng một cách hợp pháp giống cây trồng. Doanh nghiệp không có bằng bảo hộ hoặc không được chủ sở hữu cho phép thì không thể xuất khẩu.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ tài sản trí tuệ để tránh tình trạng sản xuất nhưng không thể xuất khẩu được, nhất là đối với các giống cây ăn quả cho thu hoạch sau 5 đến 10 năm./.
Nguồn:https://sohuutritue.net.vn/