Thông tư hướng dẫn quản lý các hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia

Thứ sáu - 15/04/2022 09:11 291 0
Ngày 20/8/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 07/2021/TT-BKHCN hướng dẫn quản lý các hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/11/2021.
Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 29/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, gồm các hoạt động: hỗ trợ tài chính của Quỹ; quản lý và triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; xây dựng, ký kết và quản lý thực hiện chương trình hợp tác của Quỹ; tiếp nhận nguồn vốn từ tài trợ, viện trợ, đóng góp tự nguyện.
Thông tư nêu rõ nguyên tắc chung về hỗ trợ tài chính của Quỹ là hỗ trợ tài chính đúng nguyên tắc, mục đích, đối tượng và điều kiện theo quy định tại Quyết định 04/2021/QĐ-TTg, đem lại hiệu quả và tác động rõ rệt cho đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, có tác dụng lan tỏa cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác.
Trách nhiệm của Quỹ là tiếp nhận, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; các nguồn bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ; các nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài dành cho Quỹ và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

 
Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (tên giao dịch quốc tế là National Technology Innovation Foundation, viết tắt là NATIF) được thành lập theo các Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 05/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ và được điều chỉnh, bổ sung điều lệ tổ chức và hoạt động tại Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 29/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
NATIF là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn (gọi chung là hỗ trợ tài chính) cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.
1. Mục đích hoạt động
- Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích chuyển giao quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ.
- Thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
- Hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, giải mã công nghệ.
- Hỗ trợ đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ việc chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.
2. Các hoạt động chính
- Cho vay ưu đãi gián tiếp (thông qua các ngân hàng thương mại); Cho vay ưu đãi trực tiếp
- Thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giao
- Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
- Hỗ trợ lãi suất vay cho các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, hoàn trả được một phần hoặc toàn bộ vốn vay cho tổ chức tín dụng.
- Hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước hoặc ngoài nước về đổi mới công nghệ.
- Bảo lãnh để vay vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư thực hiện các dự án thương mại hóa công nghệ sau khi được phát triển trong Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác phục vụ các chương trình ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội.
- Tiếp nhận nguồn tài trợ, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, trong nước và ngoài nước dành cho Quỹ.
Thông tin chi tiết Thông tư 07/2021/TT-BKHCN: xem tại đây

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây