Tốc độ tăng trưởng kỳ lân giảm, Việt Nam cần đầu tư sâu hơn vào hoạt động hỗ trợ startup

Thứ sáu - 07/06/2024 10:46 322 0
Các startup kỳ lân được xem là một trong những động lực thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như thu hút vốn dòng vốn mạo hiểm cho các quốc gia. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Việt Nam vẫn chưa xuất hiện thêm kỳ lân mới, đồng thời, các công ty tiệm cận kỳ lân cũng có những khó khăn nhất định trong hoạt động.

Một trong những yếu tố chính giúp Việt Nam trở thành Trung tâm khởi nghiệp tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung là số lượng “kỳ lân” công nghệ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới chỉ có tổng cộng 4 kỳ lân (startup định giá tỷ USD), bao gồm: VNG, VNPay và Momo và Sky Mavis. Ngoài ra, một số statup như: Kyber network, Tiki, KiotViet, Trustingsocial, Giao hàng Tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Amanotes được đánh giá là đang ở ngưỡng soonicorn (cận kỳ lân). Trong số này, Tiki hiện là gương mặt sáng giá nhất để trở thành doanh nghiệp có giá trị tỷ USD tiếp theo của Việt Nam. Một vài soonicorn còn đang gặp khó khăn nhất định trong hoạt động khi dòng vốn mạo hiểm đầu tư cho startup cũng chỉ đạt 427 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2023, giảm 13%.
Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023 của BambuUp đưa ra nhận định: “Trong bối cảnh nhiều thách thức đối với cả nền kinh tế nội địa và toàn cầu hiện nay, định giá startup sụt giảm cùng với việc gọi vốn ngày càng trở nên khó khăn khi các nhà đầu tư rất thận trọng với quyết định giải ngân. Điều này khiến việc startup trở thành kỳ lân ngày càng khan hiếm hơn”.
Trên thực tế, đây cũng là tình trạng chung trên toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng kỳ lân cũng đã giảm mạnh. Số kỳ lân ghi nhận đến tháng 9 năm ngoái trên thế giới là 1.233 công ty (CB Insights), chỉ tăng 8,5% trong giai đoạn 2022-2023, thấp hơn hẳn so với mức tăng giai đoạn đại dịch 2021-2022 là 67% và 80% giai đoạn 2020-2021(theo Startup Blink). Số lượng kỳ lân mới trung bình hàng tháng của năm 2023 cũng đánh dấu mốc thấp nhất trong vòng hơn 4 năm qua.

Với thứ hạng 46/132 trên Bảng xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua và cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Tuy nhiên, phương diện đầu tư vốn cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện.
So với một số hệ sinh thái trong khu vực Đông Nam Á, mức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) - một trong những động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam - vẫn còn ở mức thấp và thậm chí có xu hướng giảm. Năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm ngoái, xếp hạng thấp hơn cả xếp hạng của năm 2021.
Các chuyên gia cho biết hoạt động hỗ trợ startup ở giai đoạn tới phải sâu hơn và liên kết mạnh mẽ hơn với các thành phần trong hệ sinh thái. Ông Nguyễn Bão Quốc, thành viên Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đưa ra khuyến nghị: “Việt Nam nên gắn các yếu tố văn hóa bản địa vào các sản phẩm, dịch vụ, câu chuyện thương hiệu của các địa phương khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, mỗi địa phương nên có một mô hình về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn với nhiều địa phương khác và cả quốc gia. Việc không có mô hình như chúng ta đang làm không biết tương lai đi đâu và về đâu”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Nhã Quyên, Giám đốc vận hành Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF), cho biết: “Từ một hệ sinh thái khởi nghiệp non trẻ, Việt Nam đã cố gắng nắm bắt các cơ hội hợp tác đa quốc gia, đồng hành cùng những đối tác đến từ các hệ sinh thái trưởng thành hơn như Phần Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Úc... để trao đổi kinh nghiệm, rút ngắn thời gian sửa sai, đúc kết các mô hình có tính tối ưu cho thị trường trong nước. Bà cũng nhấn mạnh, việc cân bằng giữa các hoạt động truyền cảm hứng, xây dựng cộng đồng và các hoạt động đi vào chiều sâu, cải tiến liên tục sẽ thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và bền vững của hệ sinh thái Việt Nam”.
Cho đến thời điểm, hệ sinh thái ĐMST Việt Nam đã bước vào giai đoạn nâng cao năng lực, các thành tố hỗ trợ cần tập trung vào chuyên môn sâu, đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, đo lường, đánh giá để xác định được tác động của từng chương trình và sáng kiến./.
Trích Bản tin khởi nghiệp ĐMST số 06/2024, Tr 4-5; https://vista.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay398
  • Tháng hiện tại67,066
  • Tổng lượt truy cập3,009,095
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây