Dự án do nhóm sinh viên trường Đại học VinUni, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại Thương và Đại học Denison Ohio, (Mỹ) thực hiện. Nền tảng vừa giành Quán quân cuộc thi “Khởi nghiệp Techstart 2024”
Các thành viên nhóm nhận giải thưởng - Ảnh: BTC Techstart 2024
Relive là nền tảng y tế số di động (M-heath) của nhóm sinh viên với tính năng hỗ trợ giám sát quá trình vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho bệnh nhân mắc các vấn đề vận động.
Nền tảng Relive hoạt động dựa trên công nghệ thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo, cho phép ứng dụng ghi lại từng chuyển động của bệnh nhân thông qua camera điện thoại. Thông qua so sánh với những chuyển động đã chuẩn hóa của bài tập cung cấp bởi bác sĩ chuyên khoa y học thể thao, từ đó đưa ra cảnh báo, điều chỉnh theo thời gian thực nếu bệnh nhân làm sai động tác. Quá trình luyện tập của bệnh nhân đều được ghi, phân tích và tổng hợp thành một bản báo cáo, hỗ trợ bác sĩ đưa ra điều chỉnh phù hợp cho phác đồ điều trị của bệnh nhân.
Lê Minh Hùng, sinh viên năm thứ 2 - ngành Quản trị Kinh doanh (Trường Đại học VinUni), đồng sáng lập Relive chia sẻ, ý tưởng nảy ra khi em chứng kiến người thân bị bệnh về cơ xương khớp.
“Mục tiêu của nhóm là tạo ra ứng dụng hữu ích cho bệnh nhân và bác sĩ, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí điều trị và nâng cao hiệu quả, trải nghiệm người dùng trong quá trình trị liệu phục hồi chức năng”. Trong quá trình tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, phát sinh vấn đề như bệnh nhân lười tập, tập sai tư thế dẫn tới chấn thương nặng hơn. Lúc này, Relive là cầu nối, giúp bác sĩ bao quát được tình hình tập luyện của bệnh nhân đồng thời giúp bệnh nhân hoàn thành đủ và chính xác bài tập ngay tại nhà”, Hùng nói.
Giao diện giải pháp Relive với các chức năng giám sát và phân tích vận động. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Theo nhóm nghiên cứu, Relive được truyền cảm hứng bởi xu hướng ứng dụng công nghệ trong việc điều trị từ xa. Bắt đầu từ một mô hình sơ khai, dự án trải qua nhiều giai đoạn để phát triển và hoàn thiện công nghệ.
Thời gian tới nhóm khởi nghiệp sẽ đẩy mạnh việc hoàn thiện các tính năng của ứng dụng và tiến hành thử nghiệm trên một số nhóm bệnh nhân nhằm tối ưu các tính năng. Quá trình này cần 6 tháng đến 01 năm để hoàn thành. Thách thức chính của giai đoạn này là làm sao để bác sĩ và bệnh nhân thuần thục việc sử dụng công nghệ mới trong giám sát và điều trị bệnh, theo đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Về mô hình kinh doanh, từ đầu nhóm hướng tới mô hình B2B (doanh nghiệp - doanh nghiệp). Cụ thể, startup này sẽ bán ứng dụng cho bệnh viện, sau đó bệnh viện sẽ bán lại cho bệnh nhân với giá cao hơn. Trung bình, bệnh nhân sẽ chi trả 15 USD cho một gói tập trong 01 tháng.
Nhóm dự kiến trong tương lai sẽ phát triển ra bán cho cộng đồng theo mô hình đăng ký (subscription). Ngoài việc chỉnh các động tác tập phục hồi theo chỉ định của bác sĩ, nhóm sẽ phát triển thêm mô hình chỉnh các động tác yoga để người bệnh tập tại nhà.
Theo Hùng: “Khó khăn lớn nhất mà startup gặp phải là giáo dục (Educate) cho thị trường. Làm thế nào để thuyết phục bác sĩ tìm hiểu và sử dụng sản phẩm là một bài toán mà đội ngũ đang giải từng ngày”. Người dùng mục tiêu mà nhóm hướng tới là những bệnh nhân sau tai biến, không cử động được tay chân và những người chấn thương do thể thao, không thể hoạt động mạnh.
Theo TS Phạm Huy Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Thông minh VinUni-Illinois (thuộc VinUni), đồng thời là cố vấn khoa học chính của dự án đánh giá Relive hứa hẹn trở thành một giải pháp tiên phong trong việc số hóa quy trình điều trị y tế tại Việt Nam; TS. Hiệu cho biết: “Công nghệ y tế số Relive cho phép cải thiện quy trình chăm sóc và trị liệu, tạo ra lợi ích cho bác sĩ lẫn bệnh nhân. Ứng dụng giải pháp này, các bác sĩ dễ dàng theo dõi quá trình thực hiện các bài tập và mức độ hồi phục, trong khi bệnh nhân có thể phản hồi và dựa trên hướng dẫn từ nền tảng số để tuân thủ yêu cầu của bác sĩ. Như vậy, giúp tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả và quy mô điều trị”./.
Nguồn: www.vnexpress.net