Thoạt đầu, tin tức này có thể khiến nhiều người giật mình. Tại sao một “ngôi sao” trong giới xuất bản tạp chí lại tham gia vào một nhóm toàn những “kẻ mọt sách”? Tại sao họ lại chấp nhận từ bỏ 7% cổ phần công ty để đổi lấy khoản tiền 125.000 USD mà YC đầu tư cho các công ty khởi nghiệp tham gia vào chương trình của họ? (Với danh tiếng của mình, Janice Min hoàn toàn có thể kêu gọi một số tiền lớn hơn). Tuy nhiên, nếu nhìn lại, sau gần 17 năm với 3.200 công ty được ươm, những giá trị mà vườn ươm YC mang lại rất lớn - không chỉ gói gọn trong khoản tiền 125.000 USD.
Trong đợt gần đây nhất, YC đã chọn ra 401 công ty từ hơn 16.000 đơn đăng ký. Các công ty được chọn sẽ nhận một khoản tiền tài trợ, được trải qua đợt huấn luyện cùng những nhà sáng lập kỳ cựu để hiểu hơn về quá trình xây dựng sản phẩm, lập kế hoạch kinh doanh và gây quỹ. Vào ngày 31/8 và ngày 1/9, 377 startup trong số đó đã giới thiệu công ty của mình cho cộng đồng đầu tư trong sự kiện Demo Day diễn ra nửa năm một lần. Mỗi nhà sáng lập có một phút để giới thiệu về bản thân: chỉ đủ thời gian để gieo một hạt giống vào tâm trí các nhà tài trợ tiềm năng.
Ý tưởng của họ phản ánh quan điểm cốt lõi của YC, rằng mọi vấn đề trên thế giới đều có một startup cung cấp giải pháp, mặc dù một số giải pháp thoạt nghe có vẻ không mấy mới lạ. Chẳng hạn, một startup xây dựng nhà hàng ảo ở Philippines, một startup sử dụng phương pháp học sâu để xác định sâu răng, hay thậm chí đã có một nhà sáng lập tuyên bố: “Chúng tôi đang xây dựng một công cụ tìm kiếm hữu hiệu hơn Google!”
Kinh doanh như một ván cờ, không có gì là chắc chắn. Và trên thực tế, hầu hết các công ty đều thất bại. Song những startup tham gia chương trình YC sẽ có một số lợi thế nhất định. YC là cái nôi sinh ra nhiều startup với tổng mức định giá 400 tỷ USD, có thể kể đến một số startup tiếng tăm trưởng thành từ vườn ươm này như Dropbox, Airbnb, Stripe, CoinBase và DoorDash. Ngoài ra, còn có một số gương mặt tiêu biểu khác như Substack, Instacart, Scribd, OpenSea. Hầu hết các công ty khi mới tham gia chương trình đều có mức định giá bằng 0, nhưng nhiều nhà sáng lập hiểu rõ rằng việc tham gia sẽ mang đến cho họ nhiều cơ hội sinh lợi. Ngay cả những nhà sáng lập giàu kinh nghiệm cũng đã quyết định tham gia chương trình, thậm chí một biểu tượng mới nổi trong ngành xuất bản như cô Min cũng không phải là ngoại lệ.
Vậy bạn sẽ nhận được gì khi tham gia vào chương trình? Trước tiên, bạn sẽ nhận được sự cố vấn. YC cũng đã đơn giản hoá rất nhiều quy trình mà trước đây các startup thường mất hàng tuần để khởi động - hợp tác, giao dịch, thiết lập dịch vụ web, kết nối với đúng nhà đầu tư - chủ yếu là thông qua phần mềm.
“Có thể xem chúng tôi như hệ thống chỉnh sửa gene Crispr đối với các công ty khởi nghiệp”, Geoff Ralston, chủ tịch của YC kể từ năm 2019, ví von. “Các công ty khởi nghiệp đến YC với DNA thô. Chúng tôi chỉnh sửa DNA để họ có được những alen phù hợp, giúp gia tăng khả năng thành công”. Quả thật, hàng trăm ngàn người, hàng trăm công ty, vườn ươm, trại đào tạo, thậm chí có những công ty thuộc vườn ươm nội bộ Area 120 của Google, đã áp dụng những quy trình này. Dù Y Combinator chỉ hỗ trợ chính thức cho hơn 3.500 công ty, nhưng vô số những công ty khác đã sử dụng các quy trình đã được chương trình thiết kế và tiêu chuẩn hóa.
Thay đổi chiến lược đầu tư
Song YC không chỉ giúp thành lập các công ty lớn, tầm nhìn của vườn ươm này còn ảnh hưởng đến lĩnh vực công nghệ, kinh doanh và thậm chí cả văn hóa.
Bạn có thể nhìn thấy tham vọng của YC thông qua các startup tham gia chương trình. Những công ty khởi nghiệp nhỏ bé đang dấn thân vào một loạt những vấn đề nổi cộm - năng lượng nhiệt hạch, du hành siêu thanh, xe tự hành - những vấn đề mà trước đây chỉ có các tổ chức và tập đoàn khổng lồ mới có thể chạm đến. Mùa hè năm ngoái, đã có các startup hướng đến loại bỏ những mảnh vụn ngoài không gian và startup giải quyết chứng tiểu không tự chủ ra đời. “Chúng tôi nhận thấy nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng đầu tư vào các lĩnh vực mà cách đây một thập kỷ họ còn không hề đoái hoài”, Michael Seibel, giám đốc điều hành phụ trách các đợt giao dịch của YC, cho hay. “Không chỉ có các nhà đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư sẵn sàng ném tiền vào các startup tham gia YC, mà còn có cả các diễn viên (như Ashton Kucher), vận động viên thể thao (Joe Mantana) và một nhóm các nhà đầu tư thiên thần - nơi các bác sĩ chuyên khoa dị ứng và những công ty sản xuất kombucha có thể đầu tư vào những công ty về lập trình, phát triển phần mềm. Nhìn chung, các startup giàu tiềm năng - với các nhà sáng lập kén chọn - có thể sẽ không quá hứng thú với khoản đầu tư từ các bác sĩ chuyên khoa dị ứng, nhưng sự quan tâm của các nhà đầu tư nhỏ lẻ như vậy sẽ hình thành nên một thị trường rộng lớn, đa dạng cho các công ty khởi nghiệp nói chung.
Thậm chí, bản thân thị trường đầu tư giờ đây đang xoay quanh triết lý đầu tư nhắm đến nhiều mục tiêu của YC, thay vì đi theo chiến lược đầu tư thận trọng “bách phát bách trúng” truyền thống. Có thể nhận thấy điều này qua tổng số tiền đầu tư kỷ lục vào các công ty non trẻ trên khắp thế giới trong năm 2021: 580 tỷ USD. “Bạn có thể đạt được những thành công vượt bậc với một vài công ty - còn chúng tôi thì đạt được thành công vượt trội với một số lượng tương đối lớn các công ty - đủ để thu được lợi nhuận đáng kể”, Ralston phân tích chiến lược của YC.
Mặc dù YC đã thu được nhiều kết quả tích cực, nhưng chiến lược đầu tư mạo hiểm như vậy có thể tạo ra một bức tranh đầu tư lộn xộn. Ralston đã không đề cập đến mặt tối đằng sau chiến lược này: YC đầu tư vào rất nhiều startup, trong số đó sẽ có những startup thành công. Những thương vụ thành công như thế có thể ví như thành tích trúng sổ xố, và điều này khiến nhiều nhà đầu tư cũng muốn trúng được những tấm vé số độc đắc đó. Nhiều công ty tham gia YC đã nhận được khoản tài trợ tốt trước khi sự kiện Demo Day diễn ra, ngay cả khi họ vẫn chưa chứng minh được khả năng của mình. Bất chấp YC đã khuyên các nhà sáng lập rằng đừng nhận nhiều tiền hơn mức họ cần, nhưng mọi thứ vẫn tái diễn, đôi khi có thể khiến cho giá trị của công ty giảm thấp hơn so với vòng gọi vốn trước, và do đó trong vòng tới, họ sẽ phải chào bán cổ phiếu của mình với giá thấp hơn. Song phải thừa nhận rằng rất khó để cưỡng lại sức hút trở thành một công ty khởi nghiệp sáng giá, các nhà đầu tư không ngừng đẩy giá cổ phiếu lên, khiến một số công ty trưởng thành từ YC như DoorDash hoặc Airbnb được định giá rất cao khi IPO. Giờ đây, thị trường đầu tư là cuộc chơi vung tiền vào các công ty, lĩnh vực với hy vọng trúng xổ số.
Ai cũng có thể trở thành nhà sáng lập startup
Bên cạnh đó, có lẽ đóng góp lớn nhất của YC đó là họ đã thay đổi cách nhìn của thế giới về những nhà sáng lập startup. Trong suốt 15 năm qua, những nhà sáng lập đã trở thành trung tâm của thời đại. Ngày nay, ai cũng có thể trở thành nhà sáng lập - không nhất thiết phải là người thành lập các công ty truyền thống hay tham gia vào lĩnh vực công nghệ. Họ có thể là nghệ sĩ, vận động viên hoặc người có tầm ảnh hưởng. Họ tự gọi mình là những nhà phát triển. Họ tự gọi mình là nhà sáng tạo. Có thể họ không biết, nhưng thực chất họ là một phần trong di sản mà những nhà sáng lập YC tạo ra.
Hãy trở về với gần 20 năm trước, khi Paul Graham bắt đầu ấp ủ tham vọng thành lập nên YC. Năm 2005, Graham, một nhà khoa học máy tính sau khi bán công ty của mình cho Yahoo, đã mở ra một chương trình đào tạo kéo dài ba tháng tại Cambridge, Massachusetts. Jessica Livingston, lúc bấy giờ là Phó giám đốc tiếp thị của Adams Harkness Financial Group, là người hỗ trợ ông (về sau hai người đã kết hôn với nhau). Đã có tám người tham gia đồng sáng lập, bao gồm cả những tin tặc đã xây dựng nên Reddit và Sam Altman, 19 tuổi, người về sau sẽ kế nhiệm Graham trở thành lãnh đạo của YC vào năm 2014.
Nhìn lại những gì đã qua, Graham tin rằng những tham vọng táo bạo là tiền đề để hiện thực hóa những kế hoạch điên rồ nhất. Trong số những startup mà YC từng ươm, ông ấn tượng nhất với Airbnb, công ty với mô hình kinh doanh kết nối người cần thuê nhà, đặt phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng dụng di động. Không phải ý tưởng, mà chính năng lượng và sự sáng tạo của những nhà sáng lập là những yếu tố khiến Graham tin tưởng ở họ.
Đó cũng là điều mà các nhà sáng lập YC luôn tâm niệm từ khi bắt đầu phát triển vườn ươm này. “Giờ đây mọi người thảo luận nhiều hơn về tiềm năng của những nhà sáng lập”, Graham chia sẻ. “Thay vì nhìn nhận một công ty chỉ dựa trên mô hình kinh doanh, rồi thay thế những nhà sáng lập bằng các nhà quản lý chuyên nghiệp, các nhà đầu tư đã chuyển hướng sang quan tâm đến phẩm chất của người gây dựng nên nó và tìm cách hỗ trợ họ phát huy khả năng của mình”.
Livingston cho biết hướng đi này của YC đã giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định một cách dễ dàng hơn. “Đôi khi nó phụ thuộc vào niềm tin”, bà mô tả. “Nếu bạn cảm thấy những nhà sáng lập này có hạt giống ý tưởng tốt, họ tiếp cận vấn đề một cách chính xác, họ có vẻ là những người thông minh, kĩ lưỡng, thì họ xứng đáng để bạn đặt cược”.
YC không phải là nơi đầu tiên đề cao vai trò của những nhà sáng lập, nhưng họ đóng vai trò như một nhân tố thúc đẩy. Danh tiếng của vườn ươm YC bắt đầu nổi lên song song với sự thành công của Mark Zuckerberg, người đã tạo dựng nên hình ảnh điển hình về một sinh viên lúc nào cũng tròng một chiếc áo hoodie, cả gan bỏ học để khởi nghiệp (Zuckerberg là một người bạn thân thiết của vườn ươm YC). Trong nhiều năm, nhiều chuyên gia chỉ trích rằng YC chỉ chăm chăm đầu tư cho những người trẻ tuổi, người da trắng, nhưng trong những năm gần đây, các nhà sáng lập tham gia vườn ươm đã trở nên đa dạng hơn về giới tính, sắc tộc, tuổi tác.
Bản thân vườn ươm YC cũng đã trở thành một doanh nghiệp khổng lồ. Ralston không tiết lộ lợi nhuận đạt được, nhưng rõ ràng việc nắm giữ cổ phần của các startup được định giá 400 tỷ USD cho thấy lý do vì sao vườn ươm này sẵn lòng đầu tư 125.000 USD cho hàng trăm startup mỗi năm - dù rất nhiều trong số đó là những startup với các ý tưởng tưởng chừng như điên rồ./.
(Theo Wired - khoahocphattrien dịch)