Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hồng Thanh cho biết hội thảo nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn dưới góc nhìn đa chiều của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, định hướng, tư vấn tháo gỡ các tồn tại, hạn chế và tham gia giải quyết các bài toán mà địa phương đang còn trăn trở; góp phần hiện thực hóa các mục tiêu Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57 của tỉnh.
Đồng thời, thông qua hội thảo, tỉnh mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Tây Ninh với ĐHQG-HCM. Qua đó, ĐHQG-HCM sẽ cùng chung sức đưa khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh phát triển tăng tốc và bứt phá.
Tỉnh Tây Ninh cần xác định sản phẩm chiến lược của mình
Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM khi đề xuất tỉnh Tây Ninh xác định sản phẩm chiến lược của địa phương để tìm kiếm công nghệ chiến lược phát triển tương ứng. Nhận định này được PGS.TS Vũ Hải Quân đưa ra tại Hội thảo khoa học “Giải pháp trọng tâm triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại tỉnh Tây Ninh”
Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, trong quá trình triển khai, các địa phương đã gặp phải một số khó khăn, thách thức như tư duy cũ và cách tiếp cận bảo thủ; Thiếu niềm tin và động lực từ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; Chất lượng nguồn nhân lực và sự thiếu hụt chuyên môn trong lãnh đạo; Cơ chế quản lý mang tính kiểm soát hơn là khuyến khích sáng tạo…
Từ kinh nghiệm đồng hành cùng các địa phương khác, PGS.TS Vũ Hải Quân đề xuất công nghệ chiến lược phải gắn với sản phẩm chiến lược của địa phương. Việc xác định sản phẩm chiến lược của tỉnh Tây Ninh rất quan trọng. Nếu tỉnh xem du lịch là một sản phẩm chiến lược, thông qua KHCN, CĐS tỉnh sẽ làm gia tăng giá trị thương hiệu, lợi nhuận từ ngành du lịch mang lại cho địa phương. Sản phẩm chiến lược của tỉnh và công nghệ chiến lược có mối quan hệ hữu cơ. Từ mối quan hệ hữu cơ này, nhà nước (tỉnh), doanh nghiệp (nơi sản xuất sản phẩm chiến lược) và trường đại học tạo ra gọng kiềm 3 chân cùng nghiên cứu để cải tiến sản phẩm chiến lược.
Ông Quân cũng nhấn mạnh một mục tiêu quan trọng khác của hội thảo là quán triệt tinh thần Nghị quyết số 57. Theo đó, thông qua hội thảo, cán bộ cấp xã, huyện, tỉnh của Tây Ninh sẽ có nhận thức đầy đủ và toàn diện tinh thần Nghị quyết số 57.
Nhiều đề xuất về cơ chế chuyển đổi số
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh trình bày Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57 của tỉnh. Tổng quan Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57 và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 03 của Chính phủ.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đức cho biết: “Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã đưa ra 3 mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Để thực hiện các mục tiêu này, một số bài toán đặt ra cho địa phương là thành lập và sử dụng hiệu quả Quỹ Khoa học công nghệ-đổi mới sáng tạo; hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo..."
Với một số đề xuất nhằm phát triển kinh tế số ở tỉnh Tây Ninh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cần thực hiện chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ” để thúc đẩy kinh tế số phát triển. Theo đó, tỉnh cần hợp tác với các đại học, viện nghiên cứu để nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu, mô hình và ứng dụng công nghệ có sẵn vào sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, tỉnh cần áp dụng một số giải pháp quan trọng khác như xây dựng chính sách phát triển hạ tầng số và dữ liệu số; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; chính sách phát triển nguồn nhân lực số; chính sách đo lường và giám sát kinh tế số.
Thảo luận về chiến lược chuyển đổi số của tỉnh Tây Ninh, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa, cho rằng tỉnh nên ưu tiên số hóa những dữ liệu dùng chung trong quản lý và điều hành công tác hành chính. Đồng thời, tỉnh cần có cơ chế chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp thay vì đầu tư phát triển công nghệ chiến lược cũng như lựa chọn công nghệ và sản phẩm chiến lược phù hợp nhu cầu của tỉnh để đầu tư phát triển.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Mạnh Hà, Phó giám đốc phụ trách Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh cần xem xét năm vấn đề về chuyển đổi số, gồm: Nhu cầu thực hiện chuyển đổi số; nguồn nhân lực về công nghệ thông tin tương ứng với nhu cầu chuyển đổi số; nguồn lực tài chính; hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông và năng lực về công nghệ của lãnh đạo.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có thể hỗ trợ tỉnh tư vấn chính sách chuyển đổi số theo ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; tư vấn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số; cung cấp các chương trình đào tạo ngắn hạn, trực tuyến để bồi dưỡng nhân lực chuyển đổi số; phối hợp xây dựng các trung tâm dữ liệu để chuyển đổi số cho tỉnh.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Thanh, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, nhấn mạnh, các ý kiến thảo luận của chuyên gia, nhà khoa học đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn dưới góc nhìn đa chiều; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, định hướng, tư vấn tháo gỡ các tồn tại, hạn chế và tham gia giải quyết các bài toán mà địa phương đang còn trăn trở; góp phần hiện thực hóa các mục tiêu Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57 của tỉnh.
Đồng thời, Tây Ninh mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chung sức đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Tác giả: Mine
Ý kiến bạn đọc