Trong năm 2024, tỉnh Tây Ninh xảy ra
124/51 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tăng 73 vụ so với cùng kỳ năm 2023), trong đó lừa đảo trên không gian mạng xảy ra
80/11 vụ (tăng 69 vụ so với cùng kỳ).
Hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng diễn biến phức tạp; có tổ chức, xuyên quốc gia với nhiều hình thức phổ biến, có sự móc nối, lôi kéo của nhiều đối tượng từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có tỉnh Tây Ninh. Chúng lợi dụng địa bàn Campuchia để hoạt động phạm tội, mặc dù phương thức, thủ đoạn không mới, song cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, kịch bản lừa đảo luôn đổi mới, nắm bắt các xu hướng, sự kiện và hoạt động mang tính thời sự, đánh vào tâm lý nạn nhân để lừa đảo nên vẫn còn nhiều người dân hám lợi dễ mắc bẫy, gây thiệt hại lớn về tài sản và số lượng người bị hại, gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống Nhân dân.
Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, chủ động trang bị kỹ năng nhận biết, cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo tinh vi và ngày càng biến tướng của các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tại các khu vực nông thôn, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các khu công nghiệp.
Hiện nay, các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến những người nhẹ dạ, thiếu kiến thức pháp luật hoặc hạn chế tiếp cận thông tin, đặc biệt là người cao tuổi, phụ nữ nội trợ, công nhân, người lao động phổ thông, học sinh – sinh viên. Tội phạm thường giả mạo các tổ chức, cá nhân có uy tín như:
- Mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, gọi điện yêu cầu người dân kê khai tài sản, chuyển tiền để "xác minh", "điều tra" hoặc "xử lý vi phạm", đe dọa nếu không hợp tác.
- Lừa nhận quà từ nước ngoài: thông báo có quà, tiền từ người thân ở nước ngoài gửi về, yêu cầu đóng phí "thông quan", "thuế nhập khẩu" để nhận hàng, sau đó chiếm đoạt tiền.
- Giả danh nhân viên ngân hàng hoặc sàn giao dịch, dụ dỗ người dân đầu tư, chuyển tiền để nhận lãi cao, rồi chiếm đoạt.
- Tuyển cộng tác viên mua hàng online, giao nhiệm vụ đặt đơn ảo để nhận hoa hồng cao. Ban đầu trả thưởng, sau đó yêu cầu chuyển tiền với số lượng lớn sau đó lừa chiếm đoạt số tiền hàng đã chuyển.
- Giả mạo bạn bè, người thân trên mạng xã hội, nhắn tin vay tiền hoặc nhờ chuyển khoản gấp với lý do cấp bách.
- Giả danh cán bộ tuyển dụng, nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện để xin thông tin cá nhân hoặc chiếm đoạt tiền hỗ trợ…
Để chủ động phòng tránh hiệu quả, mỗi người dân cần:
**Kiên quyết không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội khi chưa xác minh thông tin.
**Không chuyển tiền cho người lạ, kể cả khi họ xưng danh là cán bộ cơ quan chức năng hoặc người thân quen.
**Luôn kiểm tra, xác minh lại thông tin khi có yêu cầu chuyển tiền.
**Cảnh giác với các lời mời gọi đầu tư, việc nhẹ lương cao, lợi nhuận nhanh.
**Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, phải nhanh chóng báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc gọi số điện thoại đường dây nóng (156 hoặc 5656 – Tổng đài tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo) của lực lượng chức năng để được hỗ trợ, ngăn chặn và xử lý kịp thời.