Chuyển đổi số là đưa người dân lên các nền tảng số

Thứ năm - 21/04/2022 08:07 397 0
Sáng ngày 14/4/2022, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước Quý I/2022 với các đối tượng quản lý theo hình thức trực tuyến tại 22 điểm cầu. Dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp, Hiệp hội trong lĩnh vực Thông tin Truyền thông và các cơ quan báo chí chủ lực, các nhà xuất bản lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tập trung đưa người dân lên các nền tảng số
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Bộ TT&TT đã tuyên bố năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số. Bộ TT&TT đã công bố 35 nền tảng chuyển đổi số quốc gia và giao cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nghiên cứu xây dựng. Do đó, cần tập trung thúc đẩy để người dân sử dụng các nền tảng số này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, xã hội số, nói một cách đơn giản là người dân sử dụng các nền tảng số và công nghệ số trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Lực lượng thực hiện chuyển đổi số và đưa người dân lên các nền tảng số chính là Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương với nòng cốt là Đoàn thanh niên. Các doanh nghiệp công nghệ số cũng cần tham gia đào tạo kỹ năng số cho người dân.
Các cơ quan nhà nước cần tập trung làm tốt hai việc, đó là xây dựng các hệ thống giám sát trực tuyến (online) và trợ lý ảo. “Hệ thống giám sát online sẽ hỗ trợ, giúp chính quyền giám sát toàn diện. Nếu đất nước xây dựng tốt các hệ thống giám sát sẽ làm thay đổi căn bản quản trị quốc gia”.
Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng thường xuyên giám sát, chỉ đạo, sớm triển khai rộng rãi trợ lý ảo tại Bộ và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Để đảm bảo người dùng sử dụng nền tảng được an toàn, cần xây dựng tiêu chí cũng như triển khai hệ thống giám sát online, thực hiện thử nghiệm nền tảng trước khi đưa vào sử dụng.
Đối với lĩnh vực Viễn thông, Bộ trưởng yêu cầu, năm 2022 phải tăng tốc độ băng thông di động lên 30%; mật độ cáp quang đến các hộ gia đình phải đạt  80% và sớm chuẩn bị cho việc tuyên bố chính thức tắt sóng  mạng 2G, đưa số lượng máy điện thoại 2G còn dưới 5%.
Cùng với đó, lĩnh vực Viễn thông phải giải quyết triệt để vấn nạn SIM rác, thư rác, thoại rác trong năm 2022.
Về việc đầu tư hạ tầng viễn thông, Bộ trưởng cho rằng, thời điểm này đầu tư hạ tầng sẽ tốn kém mà lợi nhuận lại không cao. Vì vậy, Bộ TT&TT sẽ là đầu mối làm việc với các bộ, ngành khác để trao đổi về đầu tư và dùng chung hạ tầng.
Về lĩnh vực công nghiệp ICT, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ số tích cực tham gia cùng với Bộ TT&TT trong việc xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp công nghệ số. Năm 2022 phải tập trung thúc đẩy, tăng số lượng doanh nghiệp mới, từ đó xây dựng các doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương.
Về an toàn thông tin mạng, Bộ trưởng yêu cầu các thiết bị của người dân phải được bảo vệ. Cục An toàn thông tin đã có phần mềm để triển khai. Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần xây dựng các phần mềm với chi phí rẻ để cho người dân sử dụng.
Về lĩnh vực Bưu chính, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn thường xuyên bám sát, chỉ đạo, đôn đốc Vụ Bưu chính và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty Bưu chính Viettel tập trung thúc đẩy phát triển 2 sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn. Trong năm 2022, số tài khoản active trên hai sàn phải đạt được 10 triệu. Để làm tốt được việc này, các đơn vị cần đi theo hướng “lấy nông thôn bao vây thành thị”. Bộ trưởng khẳng định, đó là cơ hội duy nhất để có sàn thương mại điện tử của Việt Nam.
Với lĩnh vực báo chí,truyền thông, Bộ trưởng nhấn mạnh, năm nay là năm trọng tâm của chuyển đổi số báo chí. Bộ TT&TT sẽ xây dựng nền tảng  dùng chung cho các cơ quan báo chí. Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng phải tiếp tục lan tỏa năng lượng tích cực, thổi lên khát vọng Việt Nam hùng cường,  thịnh vượng và thực hiện tốt sứ mệnh dẫn dắt, định hướng cho xã hội. Bên cạnh đó phải làm mạnh hơn nữa để ngăn chặn tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang tin điện tử. Hoạt động xuất bản cần tập trung cho mảng sách ngắn để người Việt Nam đọc sách nhiều hơn.
Bộ TT&TT giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã kiến nghị, đề xuất với Bộ TT&TT để có giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới.
Đại diện FPT kiến nghị Bộ TT&TT có phương án bảo hộ cho doanh nghiệp Việt Nam, hạn chế các ứng dụng xuyên biên giới, ngăn chặn các website lậu đồng thời định hướng phát triển cho doanh nghiệp trong bối cảnh phải cạnh tranh với OTT TV xuyên biên giới.
Trả lời kiến nghị của đại diện FPT,  Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc phát hiện và ngăn chặn các website  lậu phải thực hiện theo thời gian thực. Đồng thời, phải có cơ chế đặc biệt cho các doanh nghiệp, nhất là trong các sự kiện truyền hình trực tiếp. Bộ trưởng yêu cầu, Cục Phát thanh, truyền hình &  Thông tin điện tử, Cục An toàn thông tin, các nhà mạng và doanh nghiệp phối hợp thực hiện thử nghiệm việc phát hiện, ngăn chặn các website lậu theo thời gian thực.
Đối với những kiến nghị của Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái về kế hoạch phóng vệ tinh VINASAT 3; kiến nghị Bộ sớm có thông báo về việc tắt sóng 2G và tạo điều kiện phủ sóng, phát triển mạng lưới nằm trong Chương trình Sóng và máy tính cho em tới vùng sâu, vùng xa được thuận lợi... Bộ trưởng chỉ đạo Cục Tần số Vô tuyến điện chuẩn bị ngay văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phóng  vệ tinh VINASAT 3; giao Thứ trưởng Phạm Đức Long chủ trì, làm việc với Bộ Công thương để ngành điện lực hỗ trợ doanh nghiệp khi triển khai các nhiệm vụ Viễn thông công ích; chỉ đạo Cục Viễn thông làm việc với các doanh nghiệp để có thông báo chính thức việc tắt sóng 2G cho người dân;
Trả lời kiến nghị của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel Tào Đức Thắng về các giải pháp của doanh nghiệp viễn thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, Bộ trưởng cho rằng, doanh nghiệp phải dựa vào chiến lược quốc gia để xây dựng kế hoạch, làm sở cứ thực thi. Bộ TT&TT sẽ xây dựng phương án để các doanh nghiệp phối hợp trong việc triển khai hạ tầng thụ động; ban hành bộ chỉ tiêu đánh giá chức năng an toàn thông tin; ban hành quy trình phối hợp giữa các đơn vị.
Đề xuất tại hội nghị, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV cho rằng, cần phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều lĩnh vực. Để làm được điều này, cần có chiến lược đưa nguồn nhân lực AI về trong nước. Đối với đề xuất này, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chủ trì xây dựng chiến lược phát triển AI ứng dụng của Bộ TT&TT ngay trong Quý II năm 2022.

Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước Quý I/2022 với các đối tượng quản lý được tổ chức theo hình thức trực tuyến 
Chuyển đổi số: Việt Nam có cách tiếp cận riêng, thận trọng, từng bước một
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã trình bày tham luận về “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thứ trưởng cho biết, kinh tế số và xã hội số là phạm trù mới; Hiện nay, trên thế giới mới có  14 nước (7%) ban hành Chiến lược quốc gia về việc này & Việt Nam thuộc nhóm ban hành Chiến lược quốc gia sớm.
Theo Thứ trưởng, xét tổng thể về chuyển đổi số, Đảng đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Việt Nam có cách tiếp cận riêng, thận trọng, từng bước một, nhưng không bỏ lỡ thời cơ.
Hiện nay, Việt Nam có 100 triệu dân, 9 triệu hộ nông dân, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 1 triệu doanh nghiệp, 70 nghìn nhà máy sản xuất, 44 nghìn trường học, 14 nghìn cơ sở y tế, 3000 doanh nghiệp vận tải. Điểm cốt lõi, độc đáo và khác biệt của Việt Nam trong phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.
Để có thể thực hiện tốt điều đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã chỉ ra những điểm đột phá của chiến lược phát triển:
Về thể chế, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, ban hành chính sách thúc đẩy hoạt động trực tuyến rẻ hơn, nhanh hơn, dễ hơn, an toàn hơn. Khi đó, người dân, doanh nghiệp sẽ chuyển sang hoạt động trên môi trường số.
Về hạ tầng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, phổ cập Internet cáp quang băng rộng tới hộ gia đình, phổ cập điện toán đám mây tới doanh nghiệp. Việt Nam làm chủ công nghệ lõi. Đây cũng là điểm đặc thù Việt Nam có thể làm nhanh hơn các nước khác.
Về dữ liệu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là phát triển dữ liệu chủ trong CSDL có độ chính xác cao làm dữ liệu gốc và phát triển ngành công nghiệp dán nhãn dữ liệu phục vụ trí tuệ nhân tạo.
Về an toàn, an ninh mạng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản và chữ ký số tới người dân.
Về nhân lực, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là triển khai đại học số, toàn trình trực tuyến, học liệu cá nhân hóa, hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo.
Về kỹ năng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là phổ cập kỹ năng số toàn dân thông qua MOOCs. Về thanh toán, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là phổ cập thanh toán số, mobile money.
Thứ trưởng nhấn mạnh, “tinh thần cốt lõi nhất trong chiến lược xã hội số, kinh tế số là khuyến khích các cơ sở lớn trong từng ngành trở thành doanh nghiệp công nghệ số trong lĩnh vực đó”.
Một số kết quả nổi bật của các doanh nghiệp TT&TT trong quý I/2022
Các doanh nghiệp Bưu chính: Trong quý I/2022, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đạt doanh thu 5.888 tỷ đồng, bằng 17,6% kế hoạch, tăng 7,8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, doanh thu bưu chính chuyển phát đạt 2.526 tỷ đồng, bằng 18,6% kế hoạch, tăng 23,2% so với cùng kỳ 2021; số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo là 21.032 hộ, vượt 5% kế hoạch quý 1; Tổng công ty Bưu chính Viettel có tổng doanh thu đạt 5,71 nghìn tỷ, tăng trưởng 10,2% so với cùng kỳ; doanh thu bán hàng đạt 2,93 nghìn tỷ, tăng trưởng 28,6% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp Viễn thông: Công ty Cổ phần FPT Telecom, trong 2 tháng đầu năm đạt doanh thu tăng tưởng 20%, lợi nhuận trước thuế tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam có lợi nhuận hợp nhất Tập đoàn đạt 23,8% kế hoạch năm, tăng 3,04% so với cùng kỳ, trong đó các dịch vụ có tăng trưởng tốt so với cùng kỳ gồm dịch vụ số (tăng trưởng 25%), dịch vụ truyền hình (tăng trưởng 27,2%), dịch vụ băng rộng cố định (tăng trưởng 6,1%).
Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021: Tổng doanh thu hợp nhất 38,5 nghìn tỷ, hoàn thành 106% kế hoạch, tăng 8,4%; lợi nhuận đạt 12,9 nghìn tỷ, hoàn thành 132,7% kế hoạch, tăng 31,8%. Viễn thông trong nước giữ vững vị trí số 1 với 54% thị phần di động; Quý 1 đã chặn 9 triệu tin nhắn rác và 402 nghìn thuê bao phát sinh cuộc gọi rác; phủ sóng cho 620 điểm lõm sóng di động đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên.
Công ty Cổ phần Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam đạt mức tăng trưởng doanh thu so cùng kỳ năm 2020 là 85%.
Nguồn: https://mic.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay2,694
  • Tháng hiện tại74,098
  • Tổng lượt truy cập2,829,220
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây