Tây Ninh: Xây dựng thí điểm vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà hướng tới xuất khẩu

Thứ tư - 15/02/2017 18:00 106 0

Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng vùng, cơ sở ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà tại Tây Ninh, đáp ứng các yêu cầu về ATDB, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Tây Ninh là tỉnh biên giới thuộc miền Đông Nam bộ, phía Nam giáp TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Bắc và phía Tây giáp nước bạn Campuchia. Có 2 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát, nhiều cửa khẩu chính, phụ và đường mòn, lối mở nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh qua biên giới là rất cao, nhất là dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, hình thức chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ nên rất khó khăn trong công tác quản lý và phòng, chống dịch bệnh.

Năm 2004, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 26/95 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 7/9 huyện; tổng số gia cầm mắc bệnh, chết, phải tiêu huỷ tới 994.200 con. Từ năm 2006 – 2012, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch cúm gia cầm. Nhưng đến năm 2013, bệnh xảy ra tại 6 hộ chăn nuôi gia cầm ở huyện Bến Cầu và thị xã Tây Ninh (nay là TP. Tây Ninh), có 4.900 con gia cầm chết và bị tiêu huỷ. Năm 2014, bệnh xảy ra tại 15 hộ chăn nuôi ở 12/95 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 3/9 huyện, thành phố (gồm Châu Thành, Bến Cầu, TP. Tây Ninh). Chi cục Thú y Tây Ninh (nay là Chi cục Chăn nuôi và Thú y) kết hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng các địa phương trên xử lý kịp thời, bao vây, dập tắt ổ dịch, khống chế dịch lây lan. Tổng số gia cầm chết, tiêu huỷ khoảng 18.300 con. Năm 2015, dịch tiếp tục xảy ra ở 9/95 xã, thị trấn trên địa bàn 4/9 huyện; tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu huỷ khoảng 138.000 con.

Ngày 11.1.2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 61/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với gà hướng tới xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng vùng, cơ sở ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà tại Tây Ninh, đáp ứng các yêu cầu về ATDB, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo kế hoạch, đến tháng 12.2016 có 60% cơ sở chăn nuôi gà tập trung và 30% số xã thuộc huyện thí điểm được công nhận cơ sở ATDB. Đến tháng 12.2017 có trên 90% cơ sở chăn nuôi gà tập trung và 100% số xã thuộc huyện thí điểm được công nhận cơ sở ATDB. Đồng thời đến tháng 12.2017, hoàn thành việc khống chế bền vững bệnh cúm gia cầm, Newcastle ở quy mô nông hộ và trang trại, chuẩn bị hồ sơ về vùng ATDB đề nghị Cục Thú y công nhận.

Trên địa bàn tỉnh, huyện Dương Minh Châu được chọn là huyện thí điểm xây dựng vùng ATDB. Ông Dương Quốc Hoàng –Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Dương Minh Châu cho biết, thực hiện kế hoạch này, năm 2016, huyện Dương Minh Châu chọn 3 đơn vị để xây dựng thí điểm là thị trấn Dương Minh Châu, xã Suối Đá và xã Phan. Trạm đã tổ chức tập huấn cho các trang trại, hộ chăn nuôi các nội dung về mục đích xây dựng vùng, cơ sở ATDB; triển khai các văn bản liên quan đến công tác chăn nuôi thú y và một số bệnh có liên quan, biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm, bệnh Newcastle… Tiến hành tiêm phòng 2 đợt đối với 2 loại bệnh trên ở địa bàn 3 xã thí điểm, với số lượng: cúm gia cầm 54.200 liều, Newcastle 86.000 liều; ngoài ra, còn tiêm bổ sung khoảng 300.000 liều vắc-xin các loại cho gà trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, Trạm cũng tăng cường giám sát tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, hướng dẫn các hộ chăn nuôi trên địa bàn áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Kết quả, đến nay, có 3/11 xã, 11/12 các cơ sở chăn nuôi gia cầm (trang trại chăn nuôi gà) được công nhận là an toàn dịch bệnh.

Theo ông Hoàng, nếu xây dựng thành công vùng ATDB, người chăn nuôi sẽ áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, có thể thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm an toàn ra thị trường, đồng thời thu hút các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào địa phương để phát triển chăn nuôi.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vùng, cơ sở ATDB còn gặp một số khó khăn. Khó khăn lớn nhất là giữ vững vùng ATDB. Ông Hoàng cho biết, từ ngày 1.7.2016, Luật Thú y có hiệu lực thi hành, việc xuất động vật hay sản phẩm động vật ra khỏi tỉnh thì mới kiểm dịch, còn trong tỉnh không thực hiện công tác kiểm dịch vận chuyển, do đó, quá trình kiểm soát gặp khó khăn, người chăn nuôi sẽ né tránh vấn đề tiêm phòng. Để thực hiện ATDB, các cơ sở chăn nuôi sẽ chịu các chi phí về lấy mẫu giám sát dịch bệnh và chi phí thẩm định. Các chi phí này tương đối cao, chẳng hạn như đối với cơ sở chăn nuôi gà là 6.054.000 đồng; heo 7.550.000 đồng; vịt 2.605.500 đồng, nên người dân còn e ngại.

Trên thực tế, công tác xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đã bắt đầu thực hiện từ năm 2010 nhờ sự hỗ trợ của dự án VAHIP, với số lượng ban đầu là 8 trang trại gồm 2 trại vịt, 6 trại gà (dự án VAHIP là dự án "Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam" tỉnh Tây Ninh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế thực hiện). Đến năm 2015, tỉnh đã xây dựng được 22 cơ sở chăn nuôi gà được công nhận ATDB, đạt tỷ lệ 50% trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh.

3.png
Một trang trại nuôi gà trên địa bàn huyện Dương Minh Châu

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh, gồm 30 cơ sở chăn nuôi gà, 2 cơ sở chăn nuôi vịt, 7 cơ sở chăn nuôi heo và 3 xã thí điểm thuộc huyện Dương Minh Châu.

Trong xu hướng hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh sản phẩm nhập khẩu ngày càng quyết liệt hơn. Để phát triển bền vững, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có yêu cầu về chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng, chủ động bảo đảm ATDB, tạo ra những sản phẩm chăn nuôi có giá trị cao trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, mang lại cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp. Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh là yếu tố quan trọng giúp cho chăn nuôi phát triển bền vững. Đối với các hộ gia đình nông thôn, xây dựng vùng, cơ sở ATDB sẽ góp phần bảo vệ sức khoẻ con người, bảo đảm nguồn dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.

Kế hoạch thí điểm xây dựng vùng, cơ sở ATDB đối với gà hướng tới xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020 là kế hoạch thực hiện Đề án quốc gia "Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở ATDB đối với gà hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh", được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định 440/QĐ-BNN-TY ngày 3.2.2015. Mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài là bảo đảm an toàn dịch bệnh, hướng tới một nền chăn nuôi, phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp; hạn chế thiệt hại do dịch bệnh. Đây không những là điều kiện tiên quyết để phát triển chăn nuôi mà còn là biện pháp để có đủ sản phẩm động vật phục vụ tiêu dùng, cung cấp sản phẩm sạch, hướng tới xuất khẩu, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ con người.

TRÚC LY

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay1,607
  • Tháng hiện tại56,534
  • Tổng lượt truy cập2,998,563
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây