Lego sorting là hệ thống xử lý hàng hóa bán tự động được GHTK chú trọng phát triển và ứng dụng vào vận hành - Ảnh giaohangtietkiem.vn
Kỳ lân có vốn điều lệ 12,9 tỷ đồng?
Ra đời năm 2013, Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) được sáng lập và điều hành bởi CEO sinh năm 1987 Phạm Hồng Quân - một cựu sinh viên Đại học Thủy lợi Hà Nội. Năm 2022, GHTK tuyên bố cán mốc giao nhận 1 tỷ đơn hàng, phục vụ trên 1 triệu nhà bán lẻ online toàn quốc với hệ thống hơn 1.500 bưu cục, hơn 2.500 xe tải cùng hơn 30.000 shipper, vận hành trên diện tích hơn 600.000 m2 kho bãi.
Thời điểm cán mốc 1 tỷ đơn hàng của GHTK trùng khớp với thông tin công ty này đang có kế hoạch IPO với định giá lên tới 1 tỷ USD, theo TechInAsia và DealStreetAsia. Định giá hiện tại của GHTK là khoảng 900 triệu USD, theo một trong các nguồn tin. Trong khi đó, một nguồn tin khác nói thêm rằng IPO dự kiến sẽ diễn ra vào quý 3 năm nay.
GHTK có pháp nhân tại Việt Nam là Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm với vốn điều lệ 12,9 tỷ đồng. Năm 2021, GHTK ghi nhận doanh thu gần 6.900 tỷ đồng, lãi hơn 300 tỷ đồng. Các năm trước đó, GHTK còn lãi ấn tượng trên 500 tỷ đồng, với doanh thu các năm 2019 và 2020 lần lượt là 4.600 tỷ đồng và 6.900 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2021, khoản lợi nhuận chưa phân phối của GHTK là hơn 1.447 tỷ đồng. So với các doanh nghiệp lớn trong ngành logistics như ViettelPost hay VNPost, lợi nhuận qua các năm mà GHTK đạt được là rất đáng nể. Lãnh đạo GHTK từng chia sẻ, chiến lược của GHTK là tập trung vào đơn hàng của các nhà bán hàng vừa và nhỏ thay vì các sàn thương mại điện tử, nhờ vậy có biên lợi nhuận cao hơn so với một số công ty cùng ngành. Ngoài ra, thay vì sử dụng dịch vụ bản đồ của Google với chi phí hàng năm đắt đỏ, GHTK đã tự xây bản đồ riêng phục vụ cho hoạt động giao nhận.
Chiến lược Kỳ lân “hơn cả nhanh”
Bên cạnh tính hợp lý và khả năng nhân rộng mô hình kinh doanh, công thức chung hiện nay để tạo ra một startup Kỳ Lân (công ty khởi nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD) đó là sở hữu nguồn tài chính dồi dào và chiến lược giảm giá, khuyến mãi giành thị phần. Với cả hai khía cạnh này, GHTK dường như đều làm rất bài bản.
Trong kết luận Thanh tra số 82/KL-TTra được lập vào ngày 28/01/2021 bởi Bộ TT&TT ghi nhận là từ 25/02/2020 đến 08/10/2020, Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm đã thực hiện 7 chương trình khuyến mại giảm giá trên phạm vi toàn quốc, kéo dài tới 224 ngày.
Có nghĩa, chỉ trong khoảng 8 tháng, gần như ngày nào GHTK cũng thực hiện khuyến mãi, giảm giá. Con số này vượt quá 120 ngày theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP và GHTK đã bị xử phạt theo quy định tại điểm i khoản 2 và khoản 4 Điều 33 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Tất nhiên, để đáp ứng chiến lược khuyến mãi, giảm giá mỗi ngày, GHTK cần tới nguồn tài chính dồi dào hậu thuẫn. Mặc dù chưa bao giờ công khai các cổ đông chính thức, nhưng các báo cáo tài chính của SEA và Kerry Logistics - SF Holding đều chỉ ra, họ chính là các đơn vị hậu thuẫn cho GHTK.
Cụ thể, năm 2019, báo cáo tài chính của SEA thể hiện số cổ phần mà công ty này nắm giữ tại một tổ chức liên kết ở Việt Nam là 78,46%, trùng với số cổ phiếu ẩn danh thuộc tổ chức, cá nhân Việt Nam nắm giữ tại GHTK. Tháng 6/2020, 42% cổ phần của GHTK đã được chuyển nhượng cho Parcel (Singapore).
Tới năm 2020, báo cáo tài chính của Kerry Logistics (Hồng Kông) thể hiện sở hữu 42% của GHTK. Sau đó hơn một năm, doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu Trung Quốc là SF Holding mua lại 51,8% của Kerry Logistics với kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Như vậy, GHTK đang có tỷ lệ sở hữu lớn của 2 "đại gia" đến từ Trung Quốc là SEA và Kerry Logistics - SF Holding.
Nói với Forbes Việt Nam, CEO Phạm Hồng Quân từng khẳng định: “GHTK sẽ là công ty của Việt Nam, do người Việt lãnh đạo và phát triển bằng công nghệ Việt. Cổ đông ngoại sẽ không giữ quá 49% cổ phần và chỉ có vai trò đối tác tài chính”.
Giao Hàng Tiết Kiệm đang chuyển mình
Trong chiến dịch truyền thông mới nhất, GHTK cho biết, công ty đang chuyển mình bằng cách tung ra ứng dụng có tên Moshop - với chức năng, nhiệm vụ tương tự như các ứng dụng quản lý bán hàng online và offline. Theo mô tả, Moshop giúp quản lý bán hàng đa kênh từ website, Facebook, Zalo đến Instagram… Ngoài ra, ứng dụng còn giúp đối soát nhanh để nhà bán lẻ dễ dàng rút COD linh hoạt ngay khi cần tiền, thông báo theo thời gian thực ngay khi shipper giao hàng và thu hộ tiền thành công.
Nói cách khác, Moshop chính là “miếng đánh” của GHTK vào thị trường thương mại điện tử B2B - nơi mà GHTK có thế mạnh trong mảng kho bãi và logistics. Mặc dù thị trường TMĐT B2B vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, tuy nhiên, trước khi có Moshop, thì các giải pháp được triển khai bởi Vinshop, Kilo, Loship và Telio đã và đang thực sự thay đổi các mạng phân phối, bán hàng truyền thống.
Hiện VinShop đang phục vụ hơn 80.000 chủ tiệm tạp hóa, cung ứng hơn 2.000 các mặt hàng trên ứng dụng tại 15 tỉnh thành phố, và trở thành một trong những nhà phân phối hàng tiêu dùng lớn nhất tại Việt Nam.
Telio - nền tảng thương mại điện tử B2B được VNG đầu tư tới 22,5 triệu USD cũng là một ứng cử viên sáng giá. Thời gian qua, Telio nỗ lực mở rộng tại 26 tỉnh, thành trên khắp cả nước và kỳ vọng phục vụ 150.000 đại lý vào cuối năm 2022.
KiotViet - nền tảng phần mềm quản lý bán hàng tại Việt Nam nhận vốn 45 triệu USD từ Quỹ quốc tế KKR hiện phục vụ khoảng 110.000 khách hàng là các doanh nghiệp vừa vừa nhỏ. Startup này đồng thời mở rộng cung cấp dịch vụ B2B, logistics tích hợp cho các nhà bán hàng, đồng thời có kế hoạch cung cấp các giải pháp thanh toán và cho vay./.
Nguồn: Việt Hưng - https://theleader.vn/