Song song đó hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối và kinh doanh mũ bảo hiểm xuất hiện, sản phẩm rất đa dạng trên thị trường với nhiều chủng loại, mẫu mã kiểu dáng, giá cả nhằm phục vụ được nhiều đối tượng tiêu dùng khi tham gia giao thông. Tuy nhiên về chất lượng MBH đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh và lập lại trật tự đối với lĩnh vực này ngày càng hiệu qua hơn. Chính vì vậy, ngày 28/4/2008 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy và Thông tư số 02/2014/TT-BKHCN ngày 31/02/2014 về việc sửa đổi Điều 2 Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN ngày 28/4/2008, tiếp theo đó Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BTC-BCA-BGTVT ngày 28/2/ 2013 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy để quản lý và kiểm soát chất lượng MBH nhằm bảo vệ an toàn cho người xử dụng khi tham gia giao thông. Đến ngày 01/7/2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Để giúp các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh mũ bảo hiểm. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) Tây Ninh hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 87/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về điều kiện kinh doanh MBH như sau:
I. Quy định về mũ bảo hiểm lưu thông trên thị trường
- Mũ bảo hiểm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN, được gắn dấu hợp quy CR trên vỏ mũ và ghi nhãn mũ theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá và quy định tại điểm 2.3 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN.
- Dấu hợp quy CR phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc, được in trực tiếp lên mũ bảo hiểm hoặc được dán lên mũ bảo hiểm bằng chất liệu không thấm nước, không thể tẩy xóa, làm mờ dấu hợp quy CR.
II. Quy định về thẩm quyền và hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm
1. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất MBH
Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền cấp mới, cấp lại và cấp điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận) cho doanh nghiệp đáp ứng điều kiện sản xuất MBH.
2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất MBH.
3. Đối với trường hợp cấp mới, hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
- Các tài liệu, quy trình xây dựng chứng minh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng yêu cầu quy định của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001.
Trường hợp đã có Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo quy định tại điểm này, doanh nghiệp cung cấp bản sao Giấy chứng nhận.
- Hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng, bản sao bằng tốt nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này;
- Danh mục các trang thiết bị sản xuất mũ bảo hiểm;
- Danh mục các thiết bị kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm;
- Các tài liệu, quy trình xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng của phòng thử nghiệm đáp ứng yêu cầu quy định của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025.
Trường hợp đã có Chứng chỉ công nhận phù hợp tiêu chuẩn theo quy định tại điểm này, doanh nghiệp cung cấp bản sao Chứng chỉ công nhận.
Trường hợp thuê thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng mũ bảo hiểm, doanh nghiệp nộp bản sao hợp đồng ký kết với tổ chức thử nghiệm có năng lực đáp ứng quy định tại điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định này.
4. Đối với trường hợp cấp lại, hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
- Bản chính Giấy chứng nhận bị hư hỏng (nếu có) đối với trường hợp Giấy chứng nhận bị hư hỏng.
5. Đối với trường hợp cấp điều chỉnh nội dung, hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị cấp điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
- Tài liệu chứng minh việc đáp ứng đủ điều kiện sản xuất quy định tại Điều 5 Nghị định này (đối với phần điều chỉnh, bổ sung);
- Trường hợp bổ sung kiểu, loại mũ bảo hiểm sản xuất mới, doanh nghiệp nộp tài liệu, hồ sơ chứng minh mũ bảo hiểm được sản xuất đáp ứng quy định theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm.
III. Điều kiện và trách nhiệm đối với người sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm
1. Điều kiện đối với người sản xuất mũ bảo hiểm
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Có hệ thống quản lý chất lượng được xây dựng, áp dụng đáp ứng các yêu cầu quy định của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001.
- Có tối thiểu 01 nhân viên kỹ thuật có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng chuyên ngành khoa học, kỹ thuật trở lên, được ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
- Cơ sở vật chất, kỹ thuật:
+ Nhà xưởng sản xuất có địa điểm sản xuất cụ thể, rõ ràng; có diện tích mặt bằng để lắp đặt trang thiết bị sản xuất, kiểm tra chất lượng.
+ Trang thiết bị sản xuất của dây chuyền sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để sản xuất mũ bảo hiểm có chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng, bao gồm: Thiết bị ép (đúc/đùn) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất vỏ mũ; thiết bị ép (đúc) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất lớp hấp thụ xung động (mút xốp); thiết bị dập (tán) đinh tán (dùng để ghép các cụm chi tiết); hoặc thiết bị đồng bộ đáp ứng yêu cầu của các thiết bị trên.
+ Trang thiết bị kiểm tra chất lượng: Phải có phòng thử nghiệm hoặc thuê của tổ chức, doanh nghiệp khác, đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng của mũ bảo hiểm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng. Phòng thử nghiệm phải có năng lực đáp ứng yêu cầu quy định của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025.
2. Điều kiện đối với người nhập khẩu mũ bảo hiểm
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Phải thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với mũ bảo hiểm nhập khẩu trước khi thông quan.
3. Trách nhiệm đối với người sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm
- Thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với MBH do mình sản xuất; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và chấp hành việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng nhập khẩu đối với MBH do mình nhập khẩu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN.
- Gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy dịnh của pháp luật về nhãn hàng hóa đối với MBH do mình sản xuất, nhập khẩu trước khi lưu thông ra thị trường.
- Lưu giữ hồ sơ chất lượng MBH (Giấy chứng nhận hợp quy, Thông báo tiếp nhận hồ sơ, công bố hợp quy hoặc Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu).
- Chịu trách nhiệm về chất lượng đối với MBH do mình sản xuất, nhập khẩu khi lưu trông trên thị trường.
- Ký hợp đồng khi cung cấp MBH cho tổ chức, cá nhân kinh doanh MBH.
- Công khai danh sách các đại lý, cửa hàng bán lẻ mũ bảo hiểm thuộc hệ thống của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp hoặc niêm yết tại trụ sở của doanh nghiệp; cung cấp bản sao (sao y bản chính) Giấy chứng nhận hợp quy hay Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với mũ bảo hiểm nhập khẩu cho đại lý mũ bảo hiểm, cửa hàng bán lẻ mũ bảo hiểm.
- Thông báo bằng văn bản về tên, địa chỉ doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm và người chịu trách nhiệm trước pháp luật cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan quản lý thị trường và cơ quan khoa học và công nghệ tại địa phương nơi đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm (đối với doanh nghiệp sản xuất) hoặc kể từ ngày thực hiện kinh doanh nhập khẩu mũ bảo hiểm (đối với doanh nghiệp nhập khẩu);
- Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ tình hình sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm.
IV. Điều kiện và trách nhiệm của người phân phối, kinh doanh mũ bảo hiểm (các đại lý, cửa hàng bán lẻ)
1. Điều kiện
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; là hộ kinh doanh, hộ gia đình đã đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
- Các đại lý, cửa hàng bán lẻ mũ bảo hiểm: Phải có địa điểm cụ thể và địa chỉ rõ ràng; Phải có biển hiệu ghi rõ đại lý hoặc cửa hàng bán lẻ mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, được gắn hoặc treo tại vị trí mặt trước bên ngoài của Đại lý hoặc Cửa hàng ở vị trí dễ quan sát.
2. Trách nhiệm
- Kinh doanh mũ bảo hiểm đã được: Chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN; Gắn dấu hợp quy CR của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; Có nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
- Xuất trình bản sao (sao y bản chính) chứng chỉ chất lượng (giấy chứng nhận hợp quy, thông báo tiếp nhận công bố hợp quy đối với mũ bảo hiểm sản xuất trong nước; giấy chứng nhận hợp quy hoặc thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng nhập khẩu đối với mũ bảo hiểm nhập khẩu); bản sao (sao y bản chính) hợp đồng mua bán mũ bảo hiểm với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm khi có yêu cầu của người, cơ quan có thẩm quyền.
- Thông báo bằng văn bản về tên, địa chỉ đại lý, cửa hàng bán lẻ mũ bảo hiểm và người chịu trách nhiệm trước pháp luật; bản sao (sao y bản chính) các tài liệu liên quan đến chất lượng mũ bảo hiểm (giấy chứng nhận hợp quy, bản thông báo tiếp nhận công bố hợp quy, thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng) của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi kinh doanh sau 07 ngày làm việc kể từ ngày nhập và bán hàng hóa mũ bảo hiểm.
Trên đây là Hướng dẫn một số nội dung quy định về quản lý chất lượng mũ bảo hiểm của Chi cục TĐC, đề nghị các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn tỉnh nghiên cứu thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị liên hệ:
Phòng Quản lý Tiêu chuẩn Chất lượng
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Tây Ninh
Số 01, hẻm số 3, đường Võ Thị Sáu, phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh
Điện thoại: 066. 3813313
Phòng Quản lý Tiêu chuẩn Chất lượng _ Chi cục TĐC
Ý kiến bạn đọc