Tiến bộ của xạ trị ung thư trong xu hướng đổi mới khoa học công nghệ

Thứ ba - 20/06/2023 08:51 327 0
Ngày nay, căn bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia kém phát triển.
Nhiều bằng chứng y khoa cho thấy nguồn gốc của căn bệnh này đã có từ thời xa xưa, điều này được thể hiện rất rõ trong các hóa thạch và xác ướp khai quật bởi các nhà khảo cổ. Các trường hợp ung thư lâu đời nhất được ghi nhận có từ hơn 3.500 năm trước ở Ai Cập cổ đại và một khối u ác tính cũng đã được tìm thấy trên xương ngón chân của một hóa thạch người với niên đại khoảng 1,7 triệu năm tuổi.
Nhiều phương pháp điều trị ung thư đến nay đã được phát triển bởi nền y học tiến bộ với sự trợ giúp của khoa học công nghệ, trong đó nổi bật hiện nay đó là phương pháp xạ trị. Phương pháp xạ trị ung thư là phương pháp sử dụng các bức xạ ion hóa từ máy tạo chùm tia bức xạ hoặc nguồn phóng xạ để nhắm mục tiêu và tiêu diệt tế bào ung thư. Việc giảm nguy cơ gây tổn thương các mô lành xung quanh tế bào ung thư là yếu tố quyết định đến sự hiệu quả của phương pháp này. Trong xu hướng đổi mới khoa học công nghệ của thế kỷ XXI, các công cụ mô phỏng và kỹ thuật xạ trị tiên tiến như xạ trị lập thể định vị thân (SBRT), xạ trị lập thể phân liều (SFRT) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang giúp cho phương pháp xạ trị ung thư trở nên hiệu quả hơn.
Xạ trị khối u di căn vùng bụng-chậu bằng kỹ thuật xạ trị lập thể phân liều (SFRT)
Xạ trị lập thể định vị thân
Kỹ thuật xạ trị lập thể định vị thân (Stereotactic Body Radiation Therapy - SBRT) là kỹ thuật xạ trị tiên tiến với ưu điểm kiểm soát được sự di động của khối u. Đây là phương pháp điều trị không xâm lấn, sử dụng chùm bức xạ với liều lượng và độ chính xác cao để phá hủy khối u. Do kỹ thuật xạ trị SBRT kiểm soát được sự di động của khối u và thực hiện dưới hướng dẫn hình ảnh nên cho phép điều trị chính xác khối u trong khi vẫn bảo vệ được các cơ quan lành. Phương pháp này có thể điều trị nhiều khối u cùng một lúc và đặc biệt có ưu thế đối với khối u ở những vị trí mà phương pháp khác khó thực hiện, bao gồm nhiều loại ung thư như ung thư phổi, gan, não và tuyến tụy.
Thông qua các dự án nghiên cứu phối hợp và các dự án hợp tác kỹ thuật, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hiện đang hỗ trợ triển khai ứng dụng kỹ thuật SBRT ở một số quốc gia, trong đó bao gồm một dự án đánh giá hiệu quả của kỹ thuật SBRT đối với các trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan không thể phẫu thuật. Đây là loại ung thư gan phổ biến nhất và loại ung thư phổ biến thứ sáu trong các loại ung thư. Kết quả của dự án sẽ có tác động đến các tiêu chuẩn lựa chọn phương pháp điều trị ung thư hiện nay ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt kỹ thuật SBRT sẽ trở thành phương pháp điều trị xạ trị thường quy ở các nước đang phát triển.
Xạ trị lập thể phân liều
Kỹ thuật xạ trị lập thể phân liều (Spatially Fractionated Radiation Therapy - SFRT) là một kỹ thuật xạ trị cho phép cung cấp liều lượng bức xạ khác nhau theo phân vùng trên một khối u lớn, đồng thời bảo vệ được các cơ quan lành xung quanh. Do tính không đồng nhất trên một khối u nên bằng cách sử dụng mô hình máy tính để phân vùng liều lượng, kỹ thuật này sẽ giúp tăng sự hiệu quả điều trị khối u khi cung cấp đồng thời các liều lượng bức xạ cao và thấp thích hợp trên một khối u. Những tiến bộ công nghệ hiện nay, đặc biệt là với các công cụ mô phỏng chính xác đã hỗ trợ áp dụng kỹ thuật SFRT rất an toàn và hiệu quả.
Tháng 4 năm 2020, IAEA đã khởi xướng một dự án nghiên cứu phối hợp để đánh giá hiệu quả của kỹ thuật SFRT trong điều trị giảm nhẹ bệnh ung thư phổi và ung thư cổ tử cung. Dự án đang nghiên cứu đánh giá việc sử dụng kỹ thuật SFRT trong việc cải thiện phản hồi của bệnh nhân đối với liệu pháp xạ trị giảm nhẹ - một phương pháp điều trị làm giảm các triệu chứng của bệnh lý và làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Trí tuệ nhân tạo trong xạ trị ung thư
Một trong những tiến bộ của phương pháp xạ trị ung thư trong xu hướng đổi mới khoa học công nghệ đó chính là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các công cụ sử dụng AI có khả năng cải thiện hiệu quả, độ chính xác và đảm bảo chất lượng của các kỹ thuật xạ trị. Những công cụ như vậy có thể được áp dụng ở tất cả các giai đoạn điều trị cho bệnh nhân, từ chẩn đoán đến trị liệu và chăm sóc theo dõi, mang lại những cải tiến chưa từng có trong quá trình tự động hóa.
 Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, AI đã được ứng dụng ở nhiều giai đoạn, quy trình khác nhau, bao gồm cả chẩn đoán, phát hiện bệnh. Theo bác sỹ ung thư học phóng xạ đang làm việc tại IAEA, Kamal Akbarov cho biết, các công cụ AI hoàn toàn không có sự trở ngại trong ứng dụng triển khai lâm sàng. Mặc dù một số thách thức vẫn còn ở phía trước, khiến nhiều công cụ AI đang ở giai đoạn thử nghiệm và chưa được đưa vào áp dụng lâm sàng. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện tại và sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà cung cấp thương mại cho thấy tiềm năng của các công cụ AI trong xạ trị điều trị ung thư.
IAEA đã tổ chức một cuộc họp các chuyên gia vào tháng 10 năm 2021 để thảo luận về các phương pháp tiếp cận dựa trên AI trong các ứng dụng khoa học hạt nhân, bao gồm cả xạ trị ung thư. Ngoài ra, một dự án hợp tác chung giữa IAEA và Hiệp hội Xạ trị và ung thư châu Âu (ESTRO) về quy trình xử lý và lập kế hoạch xạ trị với sự hỗ trợ của AI đã được lên kế hoạch bắt đầu từ năm 2022. Dự án sẽ xem xét đánh giá về khả năng của AI có thể giúp tối ưu quy trình, phân phối khối lượng công việc, nhân lực của cơ sở y tế từ đó cho phép lập kế hoạch điều trị nhanh hơn.
Tại Việt Nam, những năm gần đây ở các bệnh viện lớn đầu ngành về điều trị ung thư như Bệnh viện 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh đã được trang bị nhiều hệ thống xạ trị tiên tiến, đặc biệt một số bệnh viện đã được trang bị thiết bị xạ trị gia tốc LINAC hiện đại nhất thế giới hiện nay như TrueBeam. Cùng với quy mô đầu tư lớn cho các thiết bị xạ trị hiện đại, trình độ đội ngũ y bác sỹ của Việt Nam hiện nay cũng được nâng lên rất cao. Việt Nam hiện đã có thể làm chủ các các kỹ thuật xạ trị tiên tiến, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới như kỹ thuật SBRT, SFRT, xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị điều biến thể tích (VMAT), xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh (IGRT).
Bên cạnh việc triển khai các kỹ thuật xạ trị tiên tiến, các cơ sở điều trị ung thư ở Việt Nam cũng tích cực thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu các cấp, tham gia nghiên cứu đa trung tâm cùng các bệnh viện trong nước và ngoài nước về ứng dụng các kỹ thuật xạ trị mới trong điều trị ung thư. Ngoài ra, các bệnh viện còn thường xuyên tiến hành hợp tác, trao đổi kinh nghiệm đào tạo, thực hành về xạ trị ung thư với các tổ chức quốc tế như IAEA, các hiệp hội xạ trị ung thư trong khu vực và trên thế giới (FARO, ESTRO, ASTRO).
Đinh Văn Chiến, Trung tâm Thông tin và Tư vấn hạt nhân
Nguồn: https://www.iaea.org/bulletin/radiation-therapy-on-the-wave-of-innovation

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay1,857
  • Tháng hiện tại38,140
  • Tổng lượt truy cập2,980,169
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây