Ưu tiên cho chính quyền điện tử, chính quyền số

Thứ ba - 15/08/2023 07:40 343 0
BTN - Đầu tư cho chuyển đổi số cần nguồn lực lớn. Đó là lý do người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khuyến nghị các địa phương nên ưu tiên dành tối thiểu từ 1% tổng chi ngân sách hằng năm để đầu tư cho chuyển đổi số.

121_2023-ioc-tay-ninh.jpg

Trung tâm giám sát, điều hành tập trung tỉnh Tây Ninh.

Đối với Tây Ninh, tuy mức đầu tư cho chuyển đổi số chưa đạt mức khuyến nghị trên, song tỉnh cũng đã ưu tiên nguồn lực tốt nhất trong khả năng để đầu tư cho chuyển đổi số. Cách làm của Tây Ninh là đầu tư tập trung, đồng bộ; vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm các “đầu tàu” chuyển đổi số; ưu tiên hoàn thiện hệ thống chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; kinh tế số và xã hội số sẽ đầu tư theo lộ trình.

Nguồn vốn “kích hoạt” chuyển đổi số

Phát biểu tại hội nghị chuyên đề chuyển đổi số năm 2020 do tỉnh Tây Ninh tổ chức, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Chuyển đổi số, hãy quên đi sự phức tạp của những khái niệm, sự phức tạp của công nghệ mà hãy tập trung vào nội dung mình muốn gì.

Những khó khăn được nêu ra sẽ được giải quyết bằng công nghệ và hãy để các doanh nghiệp công nghệ làm điều đó. Để thực hiện chuyển đổi số, Tây Ninh cần cân nhắc dành khoảng 1% ngân sách dành cho sự phát triển công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số. Nguồn vốn này của Nhà nước tuy không lớn nhưng mang tính kích hoạt để phát triển chuyển đổi số trong toàn xã hội”.

Sau khoảng 3 năm thực sự bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số, đặc biệt là từ sau khi Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã có sự đầu tư và đạt kết quả bước đầu. Hiện nguồn ngân sách phục vụ chuyển đổi số của tỉnh tuy chưa đáp ứng theo khuyến nghị của Bộ trưởng Bộ TT&TT là tối thiểu 1% tổng chi ngân sách hằng năm, song con số này cũng đã đạt khoảng 0,63%.

Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Tấn Đức cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, Tây Ninh đề xuất nguồn kinh phí khoảng 340,5 tỷ đồng phục vụ xây dựng cơ bản cho chuyển đổi số; riêng chi thường xuyên hằng năm khoảng 20-25 tỷ đồng phục vụ quản lý, vận hành hệ thống.

“Trong giai đoạn này, với mức chi ngân sách như trên cũng cơ bản bảo đảm, tuy nhiên từ giai đoạn 2026 trở về sau - khi các nhu cầu về đầu tư chuyển đổi số và khi người dân, doanh nghiệp đã quen sử dụng các nền tảng công nghệ số, tỉnh cũng đã thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển thì nguồn đầu tư cho chuyển đổi số cần nhiều hơn” - Giám đốc Sở TT&TT cho biết.

Trong điều kiện nguồn ngân sách có hạn, Sở TT&TT tham mưu UBND tỉnh đầu tư chuyển đổi số theo hướng: thay vì làm các hệ thống CNTT rời rạc thì dùng các nền tảng số dùng chung; thay vì tự làm, tự đầu tư thì thuê dịch vụ, cho cả phần cứng và phần mềm. Hiện tại, Tây Ninh đang thuê dịch vụ của các doanh nghiệp công nghệ với hơn 10 loại gồm cả phần cứng và phần mềm, trong đó có trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh.

Trong thuê dịch vụ, quan điểm của tỉnh là không đi theo bất kỳ một doanh nghiệp nào mà quan tâm lựa chọn, đấu thầu những sản phẩm nổi trội nhất của các doanh nghiệp công nghệ “đầu tàu”.

Nhận diện kết quả làm được và chưa được

Trong đầu tư chuyển đổi số, Tây Ninh tập trung nguồn lực ưu tiên hoàn thiện dần chính quyền điện tử để chuyển sang chính quyền số. Kế thừa thành quả xây dựng chính quyền điện tử từ giai đoạn trước, hiện tại, nền tảng chuyển đổi số của Tây Ninh cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trung tâm dữ liệu, an toàn an ninh mạng.

Theo đánh giá bộ chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022, Tây Ninh xếp hạng 40/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021, trong đó riêng chỉ số thành phần về an toàn an ninh mạng của Tây Ninh xếp hạng thứ 7/63.

Về hệ thống trang thiết bị, tỉnh có đề án trang bị thiết bị tập trung, đồng bộ trong toàn tỉnh. Về các nền tảng ứng dụng số, Tây Ninh cũng triển khai cơ bản đầy đủ. Sở TT&TT đã tham mưu tỉnh triển khai các nền tảng tập trung, như: hệ thống văn phòng điện tử (eGov); nền tảng xử lý thủ tục hành chính; hệ thống hội nghị trực tuyến nâng cấp phục vụ hội nghị từ tỉnh tới xã. Nét mới của Tây Ninh là triển khai các hệ thống dùng chung liên thông cả khối Đảng, đoàn thể và chính quyền để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Gần đây nhất là ứng dụng (App) Tây Ninh Smart được tỉnh cho triển khai sử dụng chung, tích hợp phục vụ cho cả khối Đảng, đoàn thể, chính quyền, người dân, doanh nghiệp trên cùng một ứng dụng. Tây Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai mini app Tây Ninh Smart trên mạng xã hội Zalo, được Bộ TT&TT công nhận, phổ biến kinh nghiệm cho các tỉnh, thành trong cả nước.

121_2023-pth04605.JPG

Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông giới thiệu về App Tây Ninh Smart - ứng dụng sử dụng chung cho khối Đảng, đoàn thể, chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Với sự quan tâm đầu tư thúc đẩy ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong cải cách hành chính, chuyển đổi số, đến nay, việc ứng dụng các hệ thống thông tin, nền tảng dùng chung của tỉnh đã triển khai đến cấp xã, đã được cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hiệu quả. Qua đó, góp phần thay đổi lề lối làm việc, phương thức làm việc từ truyền thống sang ứng dụng CNTT trong thực thi công vụ, công khai, minh bạch trong chỉ đạo điều hành, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở TT&TT, các quy định, quy chế trong lĩnh vực ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử cần phải được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với việc kết nối liên thông, tích hợp dữ liệu và dữ liệu chia sẻ. Theo đó, cần ban hành chế độ đặc thù khuyến khích đội ngũ chuyên trách về CNTT, về an toàn thông tin nhằm bảo đảm nguồn nhân lực lĩnh vực này đáp ứng đủ yêu cầu nhiệm vụ trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh. Hiện tại, nhân lực CNTT tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đang thiếu, đa số là cán bộ văn phòng kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ tham mưu chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho người dân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Đây là vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm và tỉnh cũng đã nhận diện hạn chế, tìm giải pháp thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới. 

Đối với khó khăn trong đầu tư hệ thống phục vụ chuyển đổi số, Giám đốc Sở TT&TT nêu: “Ví dụ đầu tư phần cứng thì rất dễ, bởi vì giá được các hãng công bố công khai. Tuy nhiên đối với hệ thống phần mềm, nhất là phần mềm phục vụ cho một số mục đích riêng lẻ rất khó xác định giá.

Vì khó xác định giá nên rủi ro về mặt pháp lý. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất, kiến nghị các cơ quan Trung ương, bộ, ngành liên quan nên sớm có hướng dẫn cụ thể để thống nhất chung về đầu tư các hệ thống nền tảng phần mềm phục vụ chuyển đổi số. Nhất là những nền tảng dùng chung cho cả nước thì nên triển khai tập trung toàn quốc, các địa phương có thể trích ngân sách địa phương trả phần thuê hệ thống, để triển khai nhanh, đồng bộ trong cả nước và giảm rủi ro về pháp lý”.

Nguồn: https://www.tayninh.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay1,814
  • Tháng hiện tại38,097
  • Tổng lượt truy cập2,980,126
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây