Techconnect & Innovation: Thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế

Thứ sáu - 04/10/2024 08:11 8 0
Với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, Techconnect & Innovation 2024 góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chiều ngày 30/9, sự kiện “Kết nối Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024” (Techconnect & Innovation) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. 
Sự kiện là hoạt động quan trọng nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024) và 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) do Bộ KH&CN và UBND TP.Hà Nội phối hợp tổ chức.
Các đại biểu cắt băng khai mạc khu Trình diễn, giới thiệu các thành tựu công nghệ trong khuôn khổ Techconnect & Innovation 2024 - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Techconnect & Innovation 2024 được tổ chức với quy mô quốc gia, bao gồm nhiều hoạt động chuyên sâu về công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung vào các lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của xã hội và doanh nghiệp, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Sự kiện thu hút khoảng 3.000 người tham dự trực tiếp và 7.000 - 10.000 người tham dự trực tuyến, cùng với không gian trình diễn công nghệ quy mô lớn.
Đây cũng là diễn đàn quan trọng để trao đổi thảo luận về việc hoàn thiện, thực thi hiệu quả các giải pháp, chính sách mới trong việc kết nối cung - cầu công nghệ, từ đó thúc đẩy ứng dụng, đổi mới, chuyển giao, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó phát triển thị trường KHCN.

Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt dẫn báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) năm 2024 vừa được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố cho thấy, Việt Nam hiện xếp hạng 44/133 quốc gia, duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cùng các địa biểu tham quan khu Trình diễn, giới thiệu các thành tựu công nghệ - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Trong suốt 10 năm qua, xếp hạng của chúng ta đã tăng hơn 30 bậc, một minh chứng rõ rệt cho sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy KHCN và đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng cho thấy, Việt Nam xếp hạng 67 vào năm 2023, tiến bộ đáng kể so với các năm trước. Đặc biệt, các tiêu chí về sự ổn định vĩ mô và năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đều được đánh giá cao.
Mục tiêu của chúng ta là vào năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong top 50 về GCI và top 40 về GII, góp phần khẳng định vị thế của đất nước trên bản đồ công nghệ thế giới.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: “KH,CN&ĐMST đã và đang đóng góp vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong các lĩnh vực trọng yếu như nông nghiệp, xây dựng, y tế, giáo dục và công nghiệp. KHCN và đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực chính giúp nâng cao năng suất, tăng trưởng bền vững, mà còn giúp tạo ra những mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia trên trường quốc tế”.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy KH,CN&ĐMST làm động lực chính cho phát triển, có cơ chế tập trung định hướng vào công nghệ, nhất là công nghệ nguồn, công nghệ lõi… đồng thời phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Chủ động tích cực tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Đây là định hướng quan trọng để chúng ta tiếp tục thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực của đời sống”, Bộ trưởng cho hay.
Thời gian tới, Bộ KH&CN mong muốn phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và nhà khoa học trên cả nước nâng cao sự liên kết và thống nhất trong tầm nhìn chiến lược về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, viện nghiên cứu trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh, thúc đẩy xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp.
Đồng thời tăng cường sự phối hợp và dành nguồn lực thích hợp để tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh hoạt động đổi mới công nghệ.
Đây là một trong những giải pháp trọng tâm để mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành và cả nền kinh tế có thể nâng cao năng suất lao động”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) và Văn phòng Sản xuất thông minh Hàn Quốc (KOSMO) - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Thành phố luôn quan tâm kết nối các doanh nghiệp, cá nhân với các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức KHCN thông qua các hoạt động trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới, hiện đại.
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023, về số lượng doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn với 168 trên tổng số khoảng 800 doanh nghiệp KH&CN của cả nước (chiếm 21%). Thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước. Trên địa bàn thành phố có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại kết quả tích cực... 
Trong thời gian qua, Thành phố đã triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách về KH,CN&ĐMST được ưu tiên triển khai. Trọng tâm là xây dựng những cơ chế đột phá, đặc thù nhằm đưa KH,CN&ĐMST thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển KH,CN&ĐMST của Thủ đô.
Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã bổ sung những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, nhằm hỗ trợ Hà Nội phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo và các mô hình kinh doanh công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.
Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng có các quy định về hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học; cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức KHCN công lập được phép thành lập doanh nghiệp.
Một trong những điểm mới quan trọng của Luật là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) ở một số lĩnh vực, đặc biệt là những công nghệ mới. Điều này sẽ giúp Hà Nội tiếp cận nhanh chóng với những tiến bộ công nghệ, đồng thời tạo động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức và nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo”, ông Lê Hồng Sơn nói.
Nguồn - https://baochinhphu.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây