Cách gia tăng nội lực kinh tế cho các tỉnh, thành phố

Thứ hai - 08/04/2024 08:07 147 0
Xây dựng nền kinh tế đổi mới sáng tạo mở là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển tổng lực nền kinh tế các địa phương. Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả sâu rộng, tuy nhiên ở quy mô địa phương, hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế. Theo các chuyên gia, mỗi địa phương cần xây dựng vững vàng các yếu tố nội tại, không ngừng kết nối với các yếu tố bên ngoài để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia Hòa Lạc. Ảnh: Hoàng Anh
Thiếu các kết nối quan trọng
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Thành viên Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (VSMA), nhà sáng lập kiêm CEO BQ Training, ở nhiều địa phương trên cả nước, việc nắm bắt thông tin, chương trình, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn khá mờ nhạt. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa nắm hết được kiến thức, phương pháp luận, vai trò thực tiễn của khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tình hình phát triển chung của cả nước.
Chính vì vậy, việc triển khai các chương trình hỗ trợ đến các doanh nghiệp chưa được đồng bộ và còn khá mơ hồ. Bên cạnh đó, các kết nối quan trọng của khối doanh nghiệp, tập đoàn và khối giáo dục viên trường, nhà nước... khiến cho hệ sinh thái chưa thực sự hoàn thiện.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Khoa học Công nghệ) cho biết, vai trò cùng sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là chưa rõ ràng. “Thước đo cuối cùng cho đổi mới sáng tạo đó là giá trị gia tăng nội địa, khi mà các doanh nghiệp chưa mặn mà, cam kết thì việc này còn yếu, thiếu tính bền vững”, ông Cường phân tích.
Mỗi địa phương nên là một hệ sinh thái nhỏ
Ngoài việc giải quyết các vấn đề về cơ chế, chính sách, kiến thức và lý luận thực tiễn về hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, theo ông Quốc, mỗi địa phương cần xây dựng một mô hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Mô hình này cần có tính liên kết chung với nhiều địa phương khác và hệ sinh thái quốc gia. Trong mô hình đó, từng địa phương sẽ xây dựng vững vàng những yếu tố nội tại từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp lớn, trường đại học...
Đồng thời kết hợp nối dài với những nguồn lực khác trong hệ sinh thái quốc gia và quốc tế để có thể tận dụng các nguồn lực của toàn xã hội, từ đó giúp tổng thể nền kinh tế phát triển. Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiến tạo sân chơi, tạo dựng môi trường cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo địa phương phát triển. Các trường học là nơi cung cấp nhân tài cho doanh nghiệp, đồng thời là nơi nghiên cứu, phát triển các sản phẩm sáng tạo.
Trong nội tại các doanh nghiệp, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, theo bà Anna Lê Mỹ Nga, nghiên cứu sinh đổi mới sáng tạo Viện nghiên cứu và quản lý đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ, các doanh nghiệp có thể xây dựng môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo trong nhân viên của bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển). Điều này sẽ đảm bảo rằng các ý tưởng mới được nghiên cứu, phát triển và biến thành sản phẩm hoặc dịch vụ thực tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần hợp tác với các trường đại học trong phát triển và thương mại hóa sáng chế hoặc khả năng nghiên cứu, từ đó tận dụng nguồn lực bên ngoài để tạo ra giá trị mới cho thị trường. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đóng một vai trò lớn trong đổi mới sáng tạo mở. Những doanh nghiệp khởi nghiệp thường được thành lập bởi những người trẻ, có tầm nhìn cũng các giải pháp sáng tạo và táo bạo, tập trung vào việc phát triển giải pháp ứng dụng công nghệ cao để giải quyết các vấn đề xã hội hoặc doanh nghiệp cụ thể.
Sự đổi mới từ các công ty khởi nghiệp có thể lan tỏa đến các lĩnh vực khác và tạo ra những tiến bộ đột phá. Để thực hiện các đề xuất đổi mới sáng tạo mở, các doanh nghiệp có thể thông qua hoạt động M&A (mua và sáp nhập), hợp nhất với đối tác có cùng tầm nhìn sáng tạo và cả từ nguồn vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Quan trọng, mỗi địa phương cần tạo ra một hệ sinh thái tài chính linh hoạt và đa dạng để hỗ trợ cả quá trình nghiên cứu và phát triển, tiến hành các giao dịch M&A chiến lược. Bên cạnh đó, để xây dựng thành công một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không thể không có lực lượng chuyên gia tại chỗ.
Đây là nguồn lực mà các địa phương cần tự xây dựng, đồng thời kết nối với các chuyên gia của cả hệ sinh thái. Họ có thể là những cố vấn, tư vấn, những nhà khai vấn, nhà đầu tư... có lí luận và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Việc hợp tác sâu rộng giữa các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp giúp tăng cường khả năng tiếp cận vốn đầu tư, thị trường và nguồn lực. Đặt hàng và tạo cơ hội cho các chủ thể trong hệ sinh thái phối hợp chặt chẽ giúp cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ toàn diện cho các startup.
Xây dựng bản sắc văn hóa địa phương trong đổi mới sáng tạo mở
Bên cạnh hoạt động hỗ trợ, địa phương cần lưu ý việc đưa những giá trị bản địa vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để tạo ra sự độc đáo cho sản phẩm, dịch vụ của từng khu vực. Việt Nam là một đất nước giàu truyền thống văn hóa, giàu tài nguyên với “rừng vàng biển bạc”, nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử, văn hóa lâu đời mang giá trị tinh thần rất lớn.
Khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên gắn kết với yếu tố văn hóa bản địa để thổi hồn cho sản phẩm, dịch vụ, cho câu chuyện thương hiệu của một địa phương, một quốc gia, giới thiệu về vẻ đẹp và sự trù phú của Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Ví dụ: như vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến với thế mạnh về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, cũng như tiềm năng về năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó giám đốc Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL (VCCI), cũng cần nhận thức rằng khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức, tiêu biểu là tăng trưởng kinh tế không ổn định, vấn đề ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cục từ biến đổi khí hậu. Để chủ động vượt qua các thách thức và tối đa hoá thế mạnh của vùng tiến tới tăng trưởng bền vững, theo bà Linh, việc phát triển một hệ sinh thải đổi mới sáng tạo mở là một trong những bước quan trọng trong hành trình này.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mà phát triển, không chỉ tạo điều kiện để kích thích sự hợp tác và gắn kết giữa các thành phần xã hội và doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy tư duy đổi mới trong cộng đồng, khối công và khối tư. Qua đó, khu vực có thể tối đa hoá các nguồn lực, kết nối và triển khai các giải pháp sáng tạo trong từng doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng, hướng tới một ĐBSCL năng động, sáng tạo, vượt trội và bền vững./.
https://theleader.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 8 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay104
  • Tháng hiện tại56,696
  • Tổng lượt truy cập2,998,725
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây