Theo số liệu của Statista, Việt Nam hiện có hơn 260 fintech trên cả nước. Mặc dù tăng trưởng nhanh cả về tốc độ và quy mô, thị trường khởi nghiệp fintech của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển và thu hút nhà đầu tư. Sự thay đổi nhanh chóng về thói quen thanh toán của người dân, cùng với sự phát triển như vũ bão của thị trường thương mại điện tử đã mang lại cơ hội lớn cho các fintech.
Các fintech của Việt Nam
Theo Báo cáo Khởi nghiệp Việt Nam 2022 của Nextrans, với dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng Internet cao, những năm gần đây, cho vay thay thế (đặc biệt là cho vay ngang hàng)là một loại hình hấp dẫn khác đối với các nhà đầu tư vì tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, lĩnh vực mua ngay trả tiền sau cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đang đi lên, chẳng hạn như Fundiin và Ree-pay. Fundiin đã huy động được 5 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A, điều này thể hiện thái độ tích cực của các nhà đầu tư đối với phân khúc và tiềm năng của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ngoài ra, năm 2022 cũng chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt không chỉ giữa các công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ, hay tổ chức ngân hàng, mà còn cả các công ty tài chính tiêu dùng như FE Credit và HomeCredit.
Tại hội thảo “Hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam” được tổ chức bởi trường Đại học Đại Nam, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV đánh giá, ngành fintech đang có những bước phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong đó, các fintech thanh toán không tiền mặt đang phát huy ưu thế dẫn đầu, khi có gần 50 ví điện tử xuất hiện trên thị trường trong thời gian ngắn, duy trì được khoảng 3.300 tỷ đồng thanh toán, tính đến tháng 9/2023.
Mảng này cũng ghi nhận sự tham gia của các công ty công nghệ lớn trong nước, như: MoMo, ZaloPay, ViettelPay, Moca, VnPay... Và điều quan trọng là các công ty này đều được chấp thuận và quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước. Bởi bên cạnh những ưu điểm của fintech như: tiện lợi, tối ưu chi phí, giảm thời gian, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, thì TS. Cấn Văn Lực cho rằng, vẫn còn đó những rủi ro như: tính bảo mật, quyền riêng tư, hay những sự cố lộ dữ liệu...
Chuyên gia cho rằng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý từ sớm với lĩnh vực fintech là rất cần thiết. Tuy nhiên, để có những chính sách nhanh chóng, phù hợp với thực tiễn, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế như tại Philippines và Kenya. Bên cạnh đó, ông Cấn Văn Lực đề xuất cần sớm hoàn thiện cơ chế sandbox cho các fintech trong lĩnh vực ngân hàng, cũng như các mảng tài chính khác như: chứng khoán, bảo hiểm... bởi các dịch vụ tài chính thường sẽ phải song hành cùng nhau.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV
Liên quan tới yếu tố nguồn nhân lực trong lĩnh vực fintech, TS. Phạm Xuân Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho rằng, cần có sự chung tay của các trường đại học, viện nghiên cứu, tham gia hợp tác cùng các định chế tài chính, doanh nghiệp, startup, ngân hàng.
“Chúng ta cũng cần có cả quỹ đầu tư để hỗ trợ các fintech khởi nghiệp. Bởi fintech là cách làm mới, phải chấp nhận rủi ro và thất thoát, nên cần có sự bảo hiểm để hỗ trợ cho các fintech này sáng tạo”, TS. Phạm Xuân Hòe kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng trường Đại học Đại Nam cho biết: “Xây dựng chương trình đào tạo fintech cho sinh viên cũng là định hướng của trường trong thời gian tới, nhằm cung cấp ra thị trường những cử nhân vừa hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ, vừa có kỹ năng làm việc tốt trong lĩnh vực fintech”.
Ông Hessel Abbink Spaink - Chuyên gia Fintech tổ chức PUM (Hà Lan) cho rằng, nếu có thể phát triển ngành fintech từ khâu đào tạo, nhân lực, thì đây sẽ là cơ hội để Việt Nam phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính một cách bền vững./.
Nguồn: https://theleader.vn/