Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp: Gỡ “nút thắt” cho sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ

Thứ sáu - 28/07/2017 17:00 236 0

Công nghệ thông tin đang được ứng dụng rộng rãi vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống hiện nay. Trong thời gian tới, việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet of Things (internet kết nối vạn vật - IoT) vào lĩnh vực này được xem là mảnh đất "màu mỡ" cho các doanh nghiệp công nghệ, giúp giải quyết nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của người nông dân.

4.png
Trồng hoa lan áp dụng công nghệ tiên tiến. Ảnh: TTXVN

Theo các chuyên gia nông nghiệp, khó khăn hiện tại của nhà nông là phụ thuộc quá nhiều vào môi trường khi trồng trọt, chăn nuôi, những điều kiện ngoại cảnh về nhiệt độ, độ ẩm và sâu bệnh... Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm càng khó khăn hơn khi bà con nông dân rất khó để chứng minh được sản phẩm của mình tốt, an toàn.

Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Viet Gap, Global Gap cũng giải quyết một phần những khó khăn trên cho người nông dân, nhưng không phải người dân nào cũng đủ chi phí để tuân thủ theo các quy trình của Viet Gap và Global Gap. Ngoài ra, quy trình Viet Gap hay Global Gap đòi hỏi những thông tin về nhật ký đồng ruộng, hay những thông tin cần lưu trữ trong quá trình sản xuất cũng gây khó khăn cho bà con nông dân trong việc ghi chép hàng ngày.

Về sản lượng và giá thành nông sản Việt Nam lại luôn bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái nhiều, không có thông tin thị trường. Hiện tại Việt Nam vẫn chưa có hệ thống nào tổng hợp tất cả những thông tin dữ liệu về thị trường nông sản trong nước và thế giới, nhu cầu thị trường tương lai, đề xuất những giải pháp tối ưu trong sản xuất nông nghiệp.

Xuất phát từ những khó khăn trên, hệ thống Smart Agri được sử dụng thử nghiệm tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao từ cuối tháng 12/2015 với khu nhà màng rộng 1.000 m2 trồng dưa lưới. Đây là hệ thống phần mềm của Công ty Global CyberSoft Việt Nam và Khu Nông nghiệp công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh phối hợp triển khai trên nền hạ tầng của Công viên phần mềm Quang Trung.

Nếu như trước đây, việc xem xét nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho cây trồng hoàn toàn được thực hiện bằng con người và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, thì với phần mềm này, tất cả sẽ được thực hiện một cách tự động thông qua các hệ thống chip cảm biến được gắn ở một số vị trí trong nhà màng. Điều này đảm bảo cho các yếu tố ảnh hưởng đến cây trồng luôn được giữ ở một mức độ phù hợp nhất.

Ông Huỳnh Công Tín, đại diện Công ty cổ phần Global CyberSoft cho rằng, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin này đã giúp đưa sản lượng dưa lưới tăng khoảng 10% so với phương pháp truyền thống. Người nông dân sử dụng Smart Agri có thể theo dõi mùa vụ từ bất kỳ nơi đâu thông qua các ứng dụng di động hoặc trình duyệt web trên nền tảng đám mây, ghi lại lịch sử chăm bón và các sự kiện trong suốt mùa vụ, để khi vào vụ thu hoạch hệ thống sẽ tự tạo mã QR nhằm cung cấp cho người dùng các thông tin về sản phẩm (mùa vụ, ngày trồng và thu hoạch, chất lượng, hàm lượng, xuất xứ, hạn bảo quản...).

Smart Agri còn hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng, năng suất theo giống, mùa vụ, quy trình, khu vực sản xuất...; đồng thời, thiết lập hệ sinh thái cho nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm...

Giải pháp Smart Agri cung cấp ở 3 lĩnh vực chính trong nông nghiệp là cây trồng, chăn nuôi và thủy hải sản, hiện tại phần cây trồng đã được triển khai ở một số nơi ở tỉnh Lâm Đồng và trong Công viên phần mềm Quang Trung đem lại kết quả tốt và sẽ áp dụng rộng rãi trong thời gian tới. Trong tương lai, phần mềm Smart Agri không đơn thuần hỗ trợ sản xuất mà còn phát triển thành một chuỗi cung ứng trong nông nghiệp từ thu mua, phân phối, bảo quản, chế biến, lưu trữ… của từng khách hàng.

Nếu phần mềm Smart Agri cung cấp những thông tin ứng dụng phù hợp với mô hình trồng trọt trong nhà màng hay trồng trọt ở khu vực rộng lớn thì mô hình trồng cây trong container của Công ty Agri Solutions 5D giúp phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong môi trường đô thị.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên, Giám đốc Nghiên cứu Thuộc Công ty Agri Solution 5D chia sẻ, mô hình này được công ty dựa trên ý tưởng của một trường đại học rất nối tiếng ở Hà Lan với mô hình trồng cây trong nhà kín. Dự đoán tới năm 2050 sẽ có gần 9 tỷ người sống trên trái đất; trong đó, 85% dân số sẽ sống ở các đô thị. Nếu cứ trồng cây cối, rau quả theo cách hiện tại thì không thể nào phục vụ được người thành phố. Do vậy họ đưa ra ý tưởng rau sạch có thể trồng ở bất cứ nơi nào và chỉ trồng trong một diện tích rất nhỏ mà năng suất cao 10 lần.

Sau 10 năm nghiên cứu họ đưa ra công trình nghiên cứu sử dụng đèn Led trong các tòa nhà để trồng cây, đồng thời sáng tạo ra phần mềm quản lý tự động từ nhiệt độ, độ ẩm, phân, cách bón phân…Người nông dân chỉ cần quan sát cây trồng qua màn hình camera có kết nối Internet và chờ đợi đến ngày thu hoạch và không phải làm gì. Họ công bố nghiên cứu trên các phương tiện truyền thông và nông dân có thể áp dụng trồng.

"Ý tưởng này phù hợp với Tp.Hồ Chí Minh khi mà tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh, đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Công nghệ đã có sẵn, tuy nhiên nông dân thành phố sẽ không có vốn để xây dựng các tòa nhà nhiều tầng để trồng từng loại cây. Hơn nữa, nông dân Việt Nam lại ít am hiểu về công nghệ nên khó áp dụng quy trình này. Cho nên Công ty Agri Solution 5D đã có ý tưởng nghiên cứu cách trồng cây có quy trình trồng như trường đại học ở Hà Lan đã làm, nhưng không phải trồng ở các tòa nhà kín mà là trồng trong các thùng container với chi phí đầu tư rất rẻ, chỉ vài trăm triệu đồng", ông Huỳnh Công Tín cho biết.

Ông Tín cho biết thêm, Công ty Agri Solution 5D đã đơn giản tối đa hoạt động của phần mềm IOT này để nông dân dễ sử dụng. Sau khi đưa giống cây, phân bón vào thùng container, nông dân đóng cửa lại và chỉ cần bấm vài nút mọi thứ sẽ diễn ra tự động trong thùng contaniner. Hiện công ty đang thực nghiệm với cây dâu, hứa hẹn sẽ mang lại năng suất cao, chất lượng tốt.

Với mô hình trồng cây này còn giúp giải quyết vấn đề, tuy ở Tp. Hồ Chí Minh nhưng người nông dân có thể trồng bất cứ loại cây gì ở trong và ngoài nước. Đồng thời, người dân có thể trồng cây trái mùa vụ. Bởi phần mềm mà Công ty Agri Solution đưa ra có thể tạo ra môi trường sống giống môi trường gốc mà loại cây đó được trồng.

Ông Từ Minh Thiện, Phó Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ thêm: Nếu ứng dụng được mô hình này thì thành phố sẽ tận dụng được rất nhiều tòa nhà hiện nay còn bỏ hoang để đưa vào sản xuất nông nghiệp trong một vài năm. Trong nông nghiệp có một tính chất, đó là "khu vực hóa" tức là sản phẩm ở đây đem trồng qua nơi khác chưa chắc đã đạt đúng hương vị và chất lượng như trồng tại nơi ban đầu nó được trồng. Ví dụ xoài cát Hòa Lộc trồng ở Tiền Giang ngon nhưng đem trồng nơi khác chưa chắc đã ngon và thơm như trồng ở Tiền Giang… Hay thay vì trồng ở Đà Lạt, có thể trồng ngay tại Tp. Hồ Chí Minh, không tốn tiền vận chuyển và giá thành tốt, phần hao hụt sẽ giảm nhiều. Phần mềm mà Công ty Agri Solution 5D tạo ra sẽ giúp thay đổi được điều này.

Theo Bnews

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay789
  • Tháng hiện tại55,716
  • Tổng lượt truy cập2,997,745
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây