Thú y cộng đồng với phát triển giống vật nuôi

Thứ hai - 13/03/2017 17:00 176 0

Mô hình "Áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ" là dự án được Trung tâm khuyến nông Quốc gia và Trung tâm khuyến nông Nghệ An phối hợp thực hiện tại huyện Yên Thành và đã đem lại những kết quả khả quan.

Mục đích của dự án là thực hiện phối giống bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, trong đó sử dụng tinh lợn đực giống ngoại thay thế lợn đực giống nhảy trực tiếp, tăng tỷ lệ sống của lợn con cho các lợn nái, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi. Đồng thời, phát triển mạng lưới thú y cộng đồng (MLTYCĐ) nhằm nâng cao nhận thức người dân về phòng, phát hiện sớm, quản lý tốt, hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong chăn nuôi cũng như công tác giống và chăn nuôi an toàn sinh học.

2.png
Chủ động nâng hiệu quả chăn nuôi từ chú trọng chất lượng con giống. Ảnh: Quỳnh Trang

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tiến hành khảo sát và lựa chọn 2 xã Minh Thành và xã Hậu Thành, có số lượng đàn lợn thịt và sinh sản tương đối lớn, người chăn nuôi có nhu cầu áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, đưa các giống lợn có năng suất cao vào nuôi và kết hợp với xây dựng MLTYCĐ nhằm hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ. Theo đó, có 3 hộ được chọn nuôi lợn đực giống, là những hộ dân có đủ điều kiện về thiết bị phục vụ cho chăn nuôi và chỉ khai thác tinh phục vụ thụ tinh nhân tạo, không phối giống trực tiếp. Mỗi hộ được dự án hỗ trợ 2 con lợn đực giống, thức ăn và vắc-xin tiêm phòng một số bệnh, hóa chất sát trùng; dụng cụ kiểm tra, đánh giá và bảo tồn tinh dịch.

Bên cạnh đó, tại mỗi xã thành lập ban chỉ đạo thực hiện dự án khuyến nông cấp xã và MLTYCĐ với 150 hộ chăn nuôi tại xã Hậu Thành và 100 hộ chăn nuôi tại xã Minh Thành. Mỗi hộ chăn nuôi từ 6 - 8 con lợn và có đủ điều kiện về cơ sở vật chất chuồng trại, làm tốt công tác vệ sinh thú y, có nguồn nhân lực, vốn đối ứng và mong muốn áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAHP. Mỗi xã đều được hỗ trợ thuốc kháng sinh tổng hợp và thuốc tẩy ký sinh trùng để kịp thời giải quyết cho các hộ chăn nuôi thuộc MLTYCĐ phòng, chống khi có dịch bệnh trên lợn xảy ra.

Quá trình thực hiện dự án, các hộ nuôi lợn đực giống đều áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc, khai thác và pha chế tinh dịch, nên khi sử dụng tinh phối giống cho đàn lợn nái trong vùng đạt tỷ lệ thụ thai cao, giảm được tỷ lệ phối giống trực tiếp. Tính đến cuối tháng 12/2016, từ 6 lợn đực giống mô hình đã tiến hành phối giống nhân tạo cho 1.645 con lợn nái, tỷ lệ đậu thai đạt khoảng 88,45%, đảm bảo tránh lây nhiễm các bệnh qua đường phối giống trực tiếp nên đàn lợn nái khỏe mạnh. Thực tế cho thấy, đây là nguồn giống tốt giúp cho người chăn nuôi lợn lai tạo và cải tạo chất lượng đàn lợn con sinh ra, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo ra sản phẩm đầu ra sạch, chất lượng thịt tốt, có giá thành cao hơn, góp phần tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi. Qua theo dõi, số con sinh ra/ổ đạt trung bình 10,84 con; tỷ lệ sống sau sinh đạt 95,40%.

Thực hiện MLTYCĐ, các hộ chăn nuôi được tập huấn kỹ thuật, cung cấp vôi bột, thuốc tiêu độc khử trùng đầy đủ, kịp thời. Công tác vệ sinh thú y cho đàn lợn được cán bộ chỉ đạo kỹ thuật, Ban quản lý và triển khai dự án xã, các chi hội phụ nữ, nông dân tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các hộ dân tích cực thực hiện, định kỳ sử dụng thuốc sát trùng phun khử trùng chuồng trại định kỳ và sau mỗi đợt xuất bán. Đồng thời sử dụng vôi khử trùng chuồng trại.

Từ đó, nâng cao ý thức của người chăn nuôi về công tác vệ sinh thú y phòng bệnh cho đàn lợn. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp tốt với chính quyền 2 xã tuyên truyền và chỉ đạo tiêm đầy đủ các loại vắc-xin dịch tả, tụ - dấu, thương hàn, LMLM, tai xanh cho đàn lợn của các hộ dân tham gia. 100% hộ tham gia trong mạng lưới thú y cộng đồng đều tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng nuôi định kỳ, khử trùng chuồng nái đẻ trước khi sinh 1 tuần và sau mỗi đợt xuất bán lợn.

Từ đó, đàn lợn của các hộ sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ đàn lợn mắc các bệnh về đường hô hấp, ký sinh trùng, bệnh tiêu chảy phân trắng ở lợn con, viêm vú, viêm tử cung ở lợn nái giảm so với trước đây. Đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như dịch tả lợn, tụ huyết trùng, LMLM không xảy ra trên đàn lợn của các hộ tham gia mô hình; môi trường chăn nuôi được cải thiện, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, hạn chế sự phát tán và lây lan mầm bệnh trong chăn nuôi. Các hộ còn được hỗ trợ đầy đủ các loại thuốc kháng sinh tổng hợp, thuốc tẩy ký sinh trùng, kháng sinh dự phòng do cán bộ thú y xã trực tiếp quản lý, góp phần giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn.

Có thể khẳng định, dự án đã góp phần nâng cao ý thức cho người chăn nuôi trong công tác vệ sinh thú y, tiêm phòng vắc-xin, an toàn VSTP trong chăn nuôi lợn và đảm bảo vệ sinh môi trường. Quan trọng nhất là các hộ dân đều có ý thức hơn trong áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trên đàn lợn nái, thay thế dần đàn lợn đực giống nhảy trực tiếp kém chất lượng, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Bên cạnh đó, từ kết quả MLTYCĐ đã nâng cao được ý thức về công tác quản lý, vệ sinh phòng bệnh trên đàn lợn nuôi, từ đó giảm thiểu được tình trạng kém chất lượng do giống và rủi ro do dịch bệnh gây nên.

Cao Tuấn (TTKN Nghệ An)

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay755
  • Tháng hiện tại51,852
  • Tổng lượt truy cập2,912,594
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây