Sửa Luật Tiêu chuẩn & Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Thích ứng với bối cảnh mới

Thứ hai - 17/01/2022 18:00 183 0

Sửa Luật Tiêu chuẩn & Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Thích ứng với bối cảnh mới

Định hướng chính trong lần sửa luật này là thống nhất quy định về đánh giá sự phù hợp, công nhận, thừa nhận giữa hai luật cũng như việc phân công trách nhiệm quản lý một cách phù hợp. Những thách thức mới
Luật Tiêu chuẩn & Quy Chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa lần lượt được ban hành vào năm 2006, 2007. Sau khoảng 15 năm kể từ khi ra đời và triển khai thực hiện, “hai luật đã phát sinh một số vấn đề chưa phù hợp với thực tế”, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng) cho biết nguyên nhân của đợt sửa đổi luật lần này. “Mặt khác, hiện Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế, do đó nhu cầu bức thiết là phải thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết này, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP… để tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng, và đánh giá sự phù hợp của Việt Nam”.
 
20220116DH03.jpg
Chiếu xạ vải ở Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Australia. Ảnh: Loan Lê
 
Giải thích thêm về sự thiếu đồng bộ giữa hai luật hiện tại với các hiệp định quốc tế, bà Mai Hương dẫn ra ví dụ về các quy định đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp mà theo bà là “không còn phù hợp với thông lệ quốc tế nữa”. Cụ thể, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện đang quy định tổ chức đánh giá sự phù hợp của nước ngoài nếu muốn được công nhận kết quả đánh giá ở Việt Nam thì cần phải thành lập chi nhánh trong nước. Tuy nhiên, “tới đây, theo cam kết trong một loạt các hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia thì chúng ta sẽ không được phép yêu cầu tổ chức này phải có hiện diện thể nhân tại Việt Nam nữa mà bắt buộc phải chấp nhận các kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế ấy”, bà nói. Bên cạnh đó, theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 17029, hoạt động đánh giá sự phù hợp hiện còn mở rộng thêm sang hoạt động kiểm tra, xác nhận giá trị sử dụng chứ không chỉ gói gọn như trong định nghĩa cũ. “Do đó chúng ta cũng cần phải nghiên cứu làm sao để định nghĩa về hoạt động này phù hợp với thông lệ quốc tế”, bà Mai Hương cho biết. 
Không chỉ vậy, liên quan đến hoạt động công nhận, hiện trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật chỉ giới hạn nội dung đến việc công nhận năng lực cho thử nghiệm, chứng nhận, giám định và hiệu chuẩn. Tuy nhiên, hoạt động công nhận hiện nay cần phải xem xét để mở rộng ra đối với hoạt động công nhận cho các chương trình công nhận mới, ví dụ như chương trình công nhận thử nghiệm thành thạo hoặc chương trình công nhận đối với tổ chức cung cấp chất chuẩn. “Thực tế là chúng ta cũng đã triển khai các hoạt động này rồi, tuy nhiên quy định trong luật thì chưa có”, bà Mai Hương cho biết thêm. 
Một vướng mắc khác xảy ra trong quá trình thực thi luật là sự thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật, cụ thể là giữa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật với Luật An toàn thực phẩm, Luật Dự trữ quốc gia hoặc Luật quy hoạch. “Trong khi Luật An toàn thực phẩm đưa ra quy định là ‘công bố sản phẩm’, thì Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật lại quy định phải ‘công bố hợp quy’”, bà Mai Hương nêu một ví dụ về sự “vênh nhau” giữa các luật. 
Cục Hải quan Lạng Sơn - đơn vị giữ vị trí quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa của Việt Nam và nước ngoài cũng chỉ ra sự thiếu đồng bộ tương tự. Theo phản ánh trên báo Hải Quan Online, Cục Hải quan Lạng Sơn chỉ ra, điều 70 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định: bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo lĩnh vực được phân công và phải ban hành danh mục sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, cho đến nay, trong danh mục ban hành, nhiều mặt hàng vẫn không có mã số HS (mã số dùng để phân loại hàng hóa) dẫn đến khó khăn cho cơ quan thực thi trong việc xác định chính xác hàng hóa, tên gọi danh mục… Thậm chí, một sản phẩm hàng hóa có thể thuộc nhiều danh mục khác nhau và bị quản lý bởi nhiều cơ quan quản lý chuyên ngành, dẫn đến việc chồng chéo trong công tác quản lý và thực hiện. Thêm vào đó, theo đơn vị này, “việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện nay cũng chỉ mới tập trung vào các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 (sản phẩm, hàng hóa được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật) hoặc các sản phẩm, hàng hóa có quy định cụ thể về quản lý chất lượng, chứ chưa đi sâu vào công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 (sản phẩm, hàng hóa quản lý tiêu chuẩn áp dụng)”. 
Định hướng sửa hai luật 
Những vấn đề trên cũng đã được các nhà quản lý nhận thấy từ vài năm gần đây. Trong các nghị quyết của chính phủ về đẩy mạnh môi trường kinh doanh hay nghị quyết về chương trình hành động triển khai có hiệu quả hợp tác quốc tế đều đã đặt ra nhiệm vụ rà soát sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công bố hợp chuẩn, công bố quy trình đánh giá sự phù hợp sao cho đảm bảo tính tương thích giữa pháp luật hiện hành của Việt Nam với các FTA thế hệ mới, đồng thời hướng đến việc nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm hàng hóa và tăng cường công tác hậu kiểm. 
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, từ năm ngoái, Tổng cục đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo để bàn luận cũng như đã gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành và địa phương đánh giá thực trạng triển khai hai luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. “Hiện nay, chúng tôi đang tổng hợp báo cáo đánh giá của các đơn vị gửi về và sẽ xác định rõ lộ trình sửa đổi hai luật. Theo dự kiến, tháng sáu năm nay Tổng cục sẽ có kế hoạch tổng thể cũng như các nội dung để kiến nghị với Thủ tướng chính phủ đưa vào chương trình sửa đổi hai luật trong thời gian tới, và đến năm 2024 sẽ trình Quốc hội thông qua”, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết. 
Nhìn chung, định hướng sửa đổi hai luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa lần này sẽ nhằm thống nhất quy định về đánh giá sự phù hợp, công nhận, thừa nhận giữa hai luật, cũng như phân công trách nhiệm quản lý một cách phù hợp để giải quyết những vướng mắc đã đề cập ở trên. 
Chia sẻ thêm về một số định hướng cụ thể, bà Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sẽ cần có cơ chế chính sách để khuyến khích, hỗ trợ đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn. Đây là một yếu tố rất cần thiết để giảm thiểu gánh nặng xây dựng tiêu chuẩn cho cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta vẫn còn thiếu nhiều tiêu chuẩn có tính đặc thù theo hướng kiểm soát toàn chuỗi, việc tổ chức triển khai xây dựng tiêu chuẩn còn chậm, nguồn nhân lực thiếu và yếu về nghiệp vụ dẫn đến nợ đọng nhiều, như nhận định của ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và bà Nguyễn Giang Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) vào năm 2018. “Mặc dù trong Nghị định 78 (hướng dẫn Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật), chúng ta cũng đã mở rộng đối tượng được xây dựng tiêu chuẩn đến các doanh nghiệp và hiệp hội, tuy nhiên nội dung này chưa có trong luật, tới đây sẽ phải luật hóa cụ thể”, bà Mai Hương nói. Bên cạnh đó, việc tổ chức hoạt động của ban kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cũng sẽ được sửa đổi, bởi “theo luật quốc tế thì ban kỹ thuật này phải được mở rộng hơn, không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp trong nước, các cơ quan quản lý nhà nữa mà cần phải có sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn quốc tế hoặc công ty liên doanh, doanh nghiệp FDI”, bà Mai Hương cho biết. 
Về quy trình xây dựng, thẩm định, công bố, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, luật mới sẽ được sửa đổi để phân định rõ trách nhiệm của các bộ quản lý chuyên ngành với địa phương trong việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Đồng thời, thực tế một số quy chuẩn địa phương bao hàm phạm vi rộng và rất phức tạp, do đó luật mới sẽ có các điều chỉnh để các bộ, ngành được thẩm định chứ không chỉ có ý kiến góp ý như thời gian vừa qua. 
Đối với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bà Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, trong thời gian vừa qua, hai nghị quyết của chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến việc giảm danh mục kiểm tra chuyên ngành, trong đó có danh mục hàng hóa nhóm 2. Do đó, “luật chất lượng sẽ phải đưa nội dung này vào ngay từ đầu, trong đó phải xác định hàng hóa nhóm 2 căn cứ trên mức độ rủi ro của hàng hóa đó để từ đó đưa ra biện pháp quản lý cho phù hợp hơn”, bà Mai Hương nói. Về cơ chế kiểm tra hàng nhập khẩu, trong thời gian tới sẽ phải làm rõ cơ chế tiền kiểm, hậu kiểm, quy trình kiểm tra, cũng như thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp. Đồng thời, luật sẽ phải phân công rất rõ trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, cụ thể là theo hướng một sản phẩm sẽ chỉ do một bộ chuyên ngành quản lý, thay vì rất nhiều bộ như thời gian vừa qua. Ngoài ra, theo bà Mai Hương, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cũng cần phải được đưa vào luật ngay từ đầu để đầy đủ căn cứ pháp lý cho việc quản lý và thống nhất hoạt động truy xuất. 
Đánh giá về đề xuất sửa hai luật này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho rằng đây là những đề nghị “rất kịp thời” trong bối cảnh mới và sẽ giao cho Vụ Pháp chế phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để xây dựng được lộ trình cụ thể.
 
Quan trọng nhất là việc sửa luật phải đáp ứng được hai yêu cầu, đó là làm sao vừa tăng cường khả năng quản lý nhà nước nhưng phải vừa tạo động lực mới cho doanh nghiệp dùng sức mạnh của tiêu chuẩn đo lường chất lượng để biến thành năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Nếu thiếu một trong hai vế thì sẽ không đạt được mục tiêu của việc sửa luật.
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định
Nguồn: khoahocphattrien.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay2,373
  • Tháng hiện tại49,108
  • Tổng lượt truy cập2,909,850
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây