Vietnam Innovation Challenge 2023
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn biến mạnh mẽ mang tới những cơ hội và thách thức đan xen, cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, chương trình “Thách thức Đổi Mới Sáng tạo Việt Nam” đã xuất hiện như một lời kêu gọi mạnh mẽ các tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân đưa ra các giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số cũng như giải quyết những thách thức quan trọng mang tầm quốc gia. Chương trình khuyến nghị các đơn vị cung cấp giải pháp sử dụng tư duy hệ thống để giải quyết vấn đề trong một bức tranh toàn cảnh một cách toàn diện nhất khả thi nhất, cũng như lên lộ trình cho việc hiện thực hóa các giải pháp dài hạn và bền vững.
Trong chương trình Vietnam Innovation Challenge 2023, những giải pháp xuất sắc nhất sẽ có cơ hội nhận giải thưởng tổng trị giá lên đến 300.000 USD cùng các gói hỗ trợ toàn diện về nâng cao năng lực, nghiên cứu phát triển sản phẩm, không gian làm việc, quảng bá giải pháp và mở rộng thị trường. Đặc biệt, các cá nhân/tổ chức chiến thắng sẽ tham gia chuỗi hoạt động giới thiệu và triển khai thí điểm đến các tỉnh, thành phố lớn tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, tính tới thời điểm hiện tại, chương trình Vietnam Innovation Challenge 2023 đã tiếp nhận tổng cộng 758 hồ sơ đăng ký giải pháp đến từ nhiều cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam và quốc tế trong 08 lĩnh vực khác nhau. Trong đó, gần 60% đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, còn lại đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo với đa dạng loại hình công nghệ được áp dụng.
Những giải pháp xuất sắc nhất có cơ hội nhận giải thưởng tổng trị giá lên đến 300.000 USD
Những doanh nghiệp tham gia cũng là những gương mặt uy tín trong làng công nghệ, nhận được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, tiêu biểu như: Công ty Công nghệ Thông tin VNPT với giải pháp “nhận diện khuôn mặt”; nền tảng số họp trực tuyến từ Công ty Cổ phần MISA mang tới nền tảng “quản trị doanh nghiệp hợp nhất”; Công ty Cổ phần EM và AI cùng bộ giải pháp “AI phân tích và giám sát cuộc gọi tự động dành cho tổng đài doanh nghiệp EM&AI”; Công ty Cổ phần Công nghệ Retex với nền tảng “quản trị sản xuất tinh gọn theo thời gian thực”.
Các giải pháp tham gia chương trình năm nay đang tập trung vào 4 vấn đề chính bao gồm:
- Nâng cao năng lực quản trị cho DNNVV qua chuyển đổi số: sự phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Tuy nhiên, để đối mặt với sự biến đổi nhanh chóng của thế giới kỹ thuật số, các SMEs thường gặp khó khăn trong việc nâng cao năng lực quản trị. Các giải pháp tập trung vào cung cấp công cụ quản trị hiện đại như quản lý dữ liệu, phân tích thị trường, và quản lý tài chính, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và bền vững cho hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Ứng dụng chuyển đổi số hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: việc kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ mở rộng thị trường và tăng cường sự phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam, mà còn giúp SMEs tiếp cận công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến. Các giải pháp chuyển đổi số được áp dụng để tối ưu hóa sản xuất, quản lý và giao dịch, giúp SMEs trở thành một phần quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn và SMEs thông qua nền tảng số: hợp tác giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ kiến thức, công nghệ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển. Các giải pháp tăng cường liên kết thông qua nền tảng số tạo môi trường hỗ trợ giao lưu, hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp. Điều này giúp tận dụng lợi ích từ sự kết hợp tài nguyên và năng lực khác nhau, thúc đẩy phát triển bền vững.
Ông David Lapetina: Phân tích dự đoán sẽ giúp định hướng chiến lược dữ liệu AI và chuyển đổi nội bộ của doanh nghiệp
- Tăng cường đối thoại hiệu quả giữa chính phủ và doanh nghiệp qua nền tảng số: mối quan hệ và giao tiếp liên tục giữa chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc xác định hướng đi chung và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Các giải pháp tăng cường đối thoại thông qua nền tảng số giúp giảm bớt thời gian và khoảng cách về thông tin, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào việc định hình chính sách và quyết định có ảnh hưởng.
Trong tổng số 758 giải pháp đăng ký không chỉ đến từ Việt Nam mà còn đến từ các nước và vùng lãnh thổ có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động và phát triển như: Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, HongKong, Philippines,... Những con số ấn tượng này không chỉ thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng mà còn khẳng định vai trò của chương trình trong việc thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST và lan tỏa những giá trị, tinh thần đổi mới sáng tạo.
Trong thời gian tới, 12 giải pháp đổi mới sáng tạo nhất sẽ được xướng tên và 04 giải pháp xuất sắc nhất sẽ được vinh danh tại Lễ Khánh thành cơ sở hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE 2023)./.
Nguồn: https://sohuutritue.net.vn/