Năm 2018, tiêu thụ năng lượng trên thế giới tăng 2,3%, trong đó: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ chiếm 70% mức tăng này. Các nguồn nguyên liệu hóa thạch vẫn chiếm tỷ trọng cao (70% mức tăng tiêu thụ), nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng 4,6%, dầu tăng 1,3%, than tăng 0,7%, chủ yếu do việc vận hành các nhà máy nhiệt điện mới chạy bằng than. Tăng trưởng tiêu thụ than đã được ghi nhận ở châu Á, chủ yếu ở Trung Quốc, Ấn Độ cùng một số nước ở Nam Á và Đông Nam Á. Nhu cầu toàn cầu về điện năm 2018 đã tăng 4%, lên 23 nghìn TWh, tỷ lệ điện trong tiêu thụ năng lượng đã tăng lên 20%. Trong đó, nguồn nguyên liệu để sản xuất điện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào than, mặc dù tăng trưởng trong sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió trong năm 2018 đã tăng 31% nhưng phát triển không liên tục và thiếu ổn định ở nhiều quốc gia.
Theo nhận định của Hiệp hội Than thế giới và Trung tâm Năng lượng ASEAN, than dự kiến sẽ vượt qua khí tự nhiên vào năm 2030 để trở thành nguồn năng lượng sản xuất điện lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Do vậy, lượng khí thải CO2 toàn cầu vẫn tiếp tục tăng lên, đòi hỏi sự cần thiết phải phát triển các giải pháp năng lượng tái tạo (NLTT), giảm phát thải, cải thiện hiệu quả năng lượng…
Ảnh minh hoạ - Nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như: điện gió, điện mặt trời…
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như: điện gió, điện mặt trời… không chỉ giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng mà còn góp phần phân tán rủi ro, tăng cường, đảm bảo an ninh năng lượng. Việc triển khai các dự án phát triển loại hình năng lượng này ở Việt Nam rất thuận lợi.
Trong một báo cáo phân tích về tiềm năng điện gió của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định: “có tới 8,6% diện tích lãnh thổ Việt Nam có tiềm năng điện gió tốt, cao hơn rất nhiều lần các nước trong khu vực như Campuchia (khoảng 0,2% diện tích), Thái Lan (khoảng 0,2% diện tích), Lào (khoảng 2,9% diện tích). Tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam vào khoảng 713.000MW, tương đương 250 lần công suất của Thủy điện Sơn La. Về năng lượng mặt trời, Việt Nam có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, số giờ nắng trung bình hằng năm khoảng 2.000-2.500 giờ, tổng năng lượng 3 bức xạ mặt trời vào khoảng 150kCal/cm2, tương đương khoảng 43,9 tỉ TOE/năm. Những khu vực được đánh giá giàu tiềm năng điện mặt trời là Tp.Hồ Chí Minh, vùng Bắc Trung Bộ như:Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… và đây đều là những điểm “nóng” về nguy cơ thiếu điện nhiều năm nay.
Xuất phát từ thực tiễn trên, cơ quan chủ trì Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cùng phối hợp với chủ nhiệm đề tài PGS. TS. Phạm Tiến Đạt thực hiện nghiên cứu “Chính sách tài chính hướng tới phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam” với mục tiêu rà soát, đánh giá thực trạng về NLTT, chính sách tài chính phát triển NLTT nhằm khuyến nghị chính sách tài hỗ trợ phát triển NLTT trong giai đoạn tới.
Năng lượng tái tạo (NLTT) là nguồn năng lượng có nguồn gốc từ tự nhiên như nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học… không bị cạn kiệt, liên tục được bổ sung, tái tạo và thân thiện với môi trường.
Với đặc điểm nổi bật là vô tận, có khả năng tái tạo và thân thiện với môi trường, NLTT chính là nguồn năng lượng mới được tìm kiếm để thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch đang có xu hướng cạn kiệt. NLTT có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Chính vì vậy, hầu hết các quốc gia đều đặt ra các mục tiêu về phát triển NLTT cũng như ban hành các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các chính sách tài chính để hỗ trợ, phát triển việc khai thác, sản xuất và sử dụng nguồn năng lượng này. Chính sách tài chính hướng tới phát triển NLTT có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên nội dung của chính sách về cơ bản tập trung vào các chính sách về thu chi NSNN, chính sách tín dụng, chính sách đất đai...
Với cách tiếp cận theo mục tiêu chính sách gồm: chính sách tài chính khuyến khích việc khai thác, sản xuất và sử dụng các nguồn NLTT; chính sách tài chính nhằm hạn chế việc khai thác, sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng có tác động đến môi trường để đánh giá thực trạng chính sách tài chính hướng tới phát triển NLTT ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu thấy rằng: “các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng đã được hoàn thiện, bổ sung theo hướng khuyến khích phát triển các ngành NLTT trên tất cả các phương diện khai thác, sản xuất, sử dụng cũng như phát triển KH&CN phục vụ các hoạt động này. Bên cạnh đó, chính sách tài chính nhằm hạn chế các nguồn năng lượng có tác động tiêu cực đến môi trường cũng được sử dụng như một công cụ để hướng tới phát triển NLTT ở Việt Nam”.
Tuy nhiên, phát triển NLTT ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, do các rào cản từ cơ chế, chính sách. Trong đó, bản thân chính sách về tài chính hướng tới phát triển NLTT ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề phải tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung như: chính sách tài chính trong việc hỗ trợ phát triển KH&CN phục vụ khai thác, sản xuất và sử dụng các nguồn NLTT chưa thực sự tạo động lực cho KH&CN trong lĩnh vực NLTT phát triển; cơ chế giá mua điện FiT hiện hành cũng tạo ra những rào cản trong phát triển NLTT; chính sách tín dụng đầu tư thiếu công bằng khi chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy phát điện sử dụng nguồn NLTT; huy động vốn thông qua công 30 cụ trái phiếu xanh còn gặp rào cản về khung khổ pháp; vẫn còn các khoản trợ giá cho nguồn năng lượng hóa thạch dẫn đến tình trạng cạnh tranh không công bằng giữa nguồn năng lượng hóa thạch và nguồn NLTT...
Do đó, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để NLTT trở thành nguồn chính trong cơ cấu năng lượng cũng như chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nguồn cung cấp điện, chính sách tài chính hướng tới phát triển NLTT cần phải bổ sung, hoàn thiện trên nhiều mặt. Trong đó, chính sách tài chính đối với việc phát triển KH&CN cần tiếp tục được thực hiện với mục tiêu hình thành các trung tâm nghiên cứu KH&CN cho NLTT; thúc đẩy doanh nghiệp NLTT đầu tư cho KH&CN; chính sách tài chính cho khai thác, sản xuất và sử dụng NLTT cần phải hoàn thiện trên các phương diện về chính sách giá điện; chính sách tín dụng; chính sách thuế và đất đai; chính sách tài chính đối với việc hạn chế các nguồn năng lượng gây hại cho môi trường cần phải hướng đến việc bỏ trợ cấp và áp dụng thuế CO2./.
Đ.T.V (NASATI) - Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu (MS-18730/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.