Theo Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022, ước tính số lượng người dùng mua sắm trực tuyến năm 2022 đạt 57 - 60 triệu người, với giá trị mua sắm trực tuyến của một người Việt Nam vào khoảng 6 triệu đồng. Trong đó, hàng hóa được mua trên mạng nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (chiếm tới 69%).
Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi - Đồng sáng lập và CEO Fashtech ATN
Tương tự, hãng nghiên cứu Statista đánh giá, lĩnh vực thời trang đang là trụ cột chính của ngành TMĐT, chỉ xếp sau ngành thực phẩm tại Việt Nam. Việc triển khai thương mại điện tử đã giúp cho các thương hiệu thời trang có thêm một kênh bán hàng tiềm năng, tạo doanh thu song song với kênh kinh doanh truyền thống.
Điều này giải thích tại sao, ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam tham gia vào các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Tiki hay gần đây là TikTok Shop. Thậm chí, có những thương hiệu thời trang nhỏ, ít tên tuổi đã bước đầu đạt được thành công nhờ các chương trình khuyến mãi liên tục diễn ra trong năm.
Tuy nhiên, thương mại điện tử tăng trưởng nóng cũng để lại những “nỗi đau” với ngành thời trang, khi các thương hiệu vô tình bị cuốn vào cuộc cạnh tranh giảm giá, khuyến mãi dẫn tới lợi nhuận kinh doanh bị ăn mòn.
Chưa kể, vì tập trung quá nhiều vào doanh thu bán hàng online, mà thương hiệu thời trang quên mất khách hàng của mình là ai, thiếu đi các dữ liệu quan trọng về hành vi, tâm lý mua sắm, đặc biệt là việc ách tắc ở khâu đặt hàng và đổi, trả.
Oppa.one hiện đang hướng tới một phiên bản website mới, khi công nghệ AI sẽ tham gia sâu vào việc giúp khách hàng chọn được trang phục
Với gần 10 năm kinh nghiệm vận hành mảng bán hàng online của các nhãn hàng thời trang hàng đầu Việt Nam, bà Hoàng Thị Quỳnh Chi - Đồng sáng lập và CEO Fashtech ATN đánh giá: “Có đến 90% việc đánh mất khách hàng nằm ở khâu đặt hàng và đổi, trả các sản phẩm thời trang”.
Bà Chi gọi đây là nỗi đau với các thương hiệu thời trang Việt khi tham gia vào thị trường thương mại điện tử. Ngược lại, nếu làm tốt các khâu này, thì có thể coi đây là những “điểm chạm” tạo ấn tượng và giữ chân khách hàng.
Fashtech ATN được CEO Hoàng Thị Quỳnh Chi sáng lập cùng với 2 người bạn có chung đam mê về lĩnh vực thời trang. Thương hiệu thời trang đầu tay của Fashtech ATN là oppa.one tập trung vào các trải nghiệm mua hàng online như offline.
“Nếu như mua quần áo theo hình thức truyền thống bạn được thử đồ ưng ý, thì oppa.one cũng có công cụ chọn size ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên các số đo như: chiều cao, cân nặng…”, CEO Quỳnh Chi diễn giải.
Oppa.one hiện đang hướng tới một phiên bản website mới, khi công nghệ AI sẽ tham gia sâu vào việc giúp khách hàng chọn được trang phục ưng ý. Website sẽ tận dụng camera từ điện thoại, laptop của khách hàng như một tấm gương để thử đồ, kết hợp với các yếu tố như: màu da, kiểu tóc, phụ kiện…
Ở khâu đổi, trả hàng, oppa.one cho phép khách đổi trả sản phẩm còn đủ tem nhãn trong vòng 60 ngày mà không cần lý do. Việc giao đồ mới và thu đồ cũ được thực hiện trong cùng một lần nhằm tối giản các quy trình, cũng như rút ngắn thời gian giao nhận. Dù thương hiệu oppa.one mới được ra mắt chưa lâu, nhưng các tính năng, công nghệ mà Fashtech ATN ứng dụng đã nhận được phản hồi tích cực từ các khách hàng trẻ, đặc biệt là đối tượng khách hàng từ 18 - 25 tuổi.
“Đối tượng khách hàng trọng tâm của oppa.one là thế hệ Gen Z - những người rất am hiểu về công nghệ. Do đó, chúng tôi tin rằng công nghệ sẽ là điểm chạm giúp oppa.one nói riêng, Fashtech ATN nói chung chiếm được tình cảm của người tiêu dùng”, CEO Hoàng Thị Quỳnh Chi nói.
Bên cạnh đó, thương hiệu oppa.one cũng được đầu tư, chăm chút về mặt sản phẩm khi sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường. Các thiết kế đều được chọn lựa kĩ càng, từ màu sắc, chất vải, cho tới các thông điệp tích cực, hướng khách hàng tới sự trẻ trung, năng động.
Đặc biệt, với mỗi sản phẩm áo thun oppa.one bán ra đều sẽ được trích một phần lợi nhuận làm từ thiện với mong muốn từ đội ngũ Fashtech ATN là đóng góp cho xã hội.
Dự kiến, Fashtech ATN sẽ phát triển thêm một số thương hiệu thời trang khác bên cạnh oppa.one, nhằm xây dựng mô hình thương mại điện tử tương tự ASOS.com thông qua việc thu hút thêm nhiều thương hiệu thời trang Việt khác cùng lên sàn./.
Việt Hưng - https://theleader.vn/