Hàn Quốc được biết đến là một trong những quốc gia mạnh về công nghệ blockchain, nhưng gần đây đã gặp "cú sốc" với sự sụp đổ của đồng tiền mã hóa LUNA khiến thị trường tiền điện tử toàn cầu chao đảo, ảnh hưởng tới hàng triệu nhà đầu tư quốc tế.
Thị trường blockchain Hàn Quốc sau đó đã trở nên thận trọng hơn và trở thành bài học cho những quốc gia khác đang tiến vào lĩnh vực này. Ông Choi Kang Yong, Chủ tịch NBN đánh giá quá trình chuyển đổi toàn cầu từ một thế giới thực sang ảo đang diễn ra rất nhanh, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Riêng tại Hàn Quốc, quá trình này có phần ồ ạt nên các cơ quan tài chính tín dụng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý thông qua các quy chế, pháp luật và điều này đã gây ra hậu quả. Dẫu vậy, công nghệ blockchain vẫn được xem là một trong những lĩnh vực tiên tiến nhất của Hàn Quốc. Ông Park Bong Kyu - đại diện Korea CEO Summit cho biết, đang nhìn thấy những dấu hiệu tương tự với thị trường blockchain ở Việt Nam.
“Blockchain đang là công nghệ mới, việc nắm bắt và ứng dụng công nghệ chuỗi khối này cần nguồn lực chất lượng và thời gian nghiên cứu lâu dài. Tôi kỳ vọng với sự hợp tác của hai nước chúng ta sẽ có học hỏi, trao đổi được cách thức sử dụng và quản lý blockchain để giải quyết được những vấn đề xã hội”, ông Bong Kyu nói.
Blockchain Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Hàn Quốc
Báo cáo của Grand View Research cho biết thị trường công nghệ blockchain toàn cầu ở mức 5,92 tỷ USD vào năm 2021, tăng lên 7,18 tỷ USD năm 2022 và dự kiến đạt mốc 163,83 tỷ USD vào năm 2029. Trong đó, Việt Nam đang được xem là thị trường có tốc độ phát triển công nghệ blockchain hàng đầu. Trong top 200 công ty hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain trên thế giới, có 7 doanh nghiệp do người Việt sáng lập.
Theo MarketsandMarkets, thị trường liên quan đến blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021. Bà Yang Hyang Ja, Ủy viên Quốc hội Chính phủ Hàn Quốc, Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp Chất bán dẫn Hàn Quốc cũng nhìn nhận với lực lượng dân số trẻ chiếm phần lớn, thị trường Việt Nam có mức độ tiếp nhận công nghệ mới nhanh chóng. Do đó, bà tin rằng việc ứng dụng blockchain tại Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt trội trong thời gian tới.
Đây là lý do có rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam để tìm kiếm đối tác kinh doanh và phát triển dự án. Đồng thời, bà và một số thành viên khác của Chính phủ Hàn Quốc cũng mong muốn trao đổi về định hướng của Hàn Quốc đối với công nghệ blockchain và Web3 trong tương lai nhằm đẩy mạnh sự hợp tác giữa hai bên. Mặt khác, nhờ sự đi trước của Hàn Quốc, có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý để quản lý công nghệ mới này.
Ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS Group cho biết ở Việt Nam hiện có khoảng 17 triệu ví liên quan đến tiền điện tử và tài sản số (NFT). Những năm gần đây, mỗi năm có thêm khoảng 500 - 1.000 doanh nghiệp ứng dụng blockchain.
Mặt khác, với các doanh nghiệp dựa trên công nghệ blockchain để phát hành tài sản số hay gọi vốn, ông Bảo cho hay đang gặp trục trặc về pháp lý. Ông nhấn mạnh đây vẫn là một ngành công nghiệp non trẻ và sự bền vững vẫn còn là dấu hỏi lớn. Do đó, ông đánh giá cao việc Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang theo dõi và cập nhật hướng đi của các nước khác nhằm tìm công thức ứng dụng tốt nhất cho Việt Nam.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Đan Thanh, CEO MVOT, hoạt động lĩnh vực làm đẹp đang nghiên cứu ứng dụng blockchain, cũng thừa nhận, rào cản lớn nhất là khó tiếp cận thông tin và giải pháp.
Hiện tại, bà đang hoàn thiện quá trình NFT hóa thương hiệu làm đẹp của doanh nghiệp để ra mắt trong vòng 2-3 tháng tới. Tuy nhiên, chi phí hiện cao gấp đôi so với việc ra mắt thương hiệu thông thường. Dù vậy, bà cho rằng tiềm năng lớn nếu nhìn về dài hạn, đây cũng là cách để doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường làm đẹp./.
Nguồn: Việt Hưng - https://theleader.vn/