Ngoài việc thu hút sự chú ý của những người yêu đồng hồ trên toàn thế giới, mẫu đồng hồ đeo tay có hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi do hãng đồng hồ cao cấp Christophe Claret (Thụy Sĩ) ra mắt vào cuối tháng năm vừa qua còn làm dấy lên niềm tự hào của rất nhiều người Việt Nam. “Christophe Claret muốn bày tỏ lòng tôn kính với chị em Hai Bà Trưng, hai nữ anh hùng dân tộc của Việt Nam ở thế kỷ I. Họ đã đứng lên chống lại sự đô hộ của nhà Hán trong ba năm”, hãng đồng hồ này viết trong bài giới thiệu chiếc đồng hồ trên Instagram, chỉ trong thời gian ngắn, bài đăng này đã nhận được hơn 21.000 lượt “thích”.
Hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi xuất hiện trên đồng hồ Christophe Claret - Thuỵ Sỹ
Tuy nhiên, nhiều người cũng nhanh chóng nhận ra hình vẽ trên chiếc đồng hồ này có sự tương đồng đáng kinh ngạc với các bức tranh của họa sĩ Xuân Lam - một họa sĩ trẻ nổi tiếng với các tác phẩm vẽ lại tranh dân gian. Sự rung cảm trước vẻ đẹp của các bức tranh này, dẫn đến việc đưa lên sản phẩm đồng hồ để thương mại hóa và nhận được sự yêu thích của công chúng - là một thành công về mặt nghệ thuật. Nhưng dưới góc độ pháp luật, câu chuyện không đơn giản như vậy. Theo thông tin chia sẻ trên báo chí, hãng đồng hồ Thụy Sĩ này không hề liên hệ với họa sĩ Xuân Lam khi thiết kế mẫu đồng hồ có hình vẽ Hai Bà Trưng. Hiện nay, họa sĩ Xuân Lam và luật sư đang làm việc với Christophe Claret.
Bức tranh Hai Bà Trưng và Thiên hạ thái bình của họa sĩ Nguyễn Xuân Lam. Ảnh: website Nguyễn Xuân Lam
Sáng tạo dựa trên tác phẩm dân gian
Trong lúc chờ đợi kết quả từ những người trong cuộc, vụ việc cũng khơi lên những cuộc thảo luận về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Chẳng hạn như các bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống… ra đời từ hàng trăm năm trước, lại không có tác giả cụ thể, vậy nó sẽ được bảo hộ như thế nào? Và những sáng tạo dựa trên các tác phẩm này, chẳng hạn như loạt tranh của họa sĩ Xuân Lam sẽ được nhìn nhận ra sao dưới góc độ quyền tác giả?
Những câu hỏi liên quan đến quyền tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian vốn là vấn đề mới và phức tạp ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam: “Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hóa và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác. Các loại hình phổ biến gồm truyện, thơ, câu đố, điệu hát, múa, vở diễn, nghi lễ, hội họa, điêu khắc…”
Sự đặc biệt của các tác phẩm dân gian dẫn đến những “đặc cách” trong bảo hộ quyền tác giả. Thông thường, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Nhưng với tác phẩm dân gian, do không thể biết chính xác thời gian công bố và tác giả, việc bảo hộ chúng sẽ không phụ thuộc vào điều kiện định hình.
Một điều kiện bắt buộc khác mà các tác phẩm phải đáp ứng để được bảo hộ là tính nguyên gốc - tác phẩm phải được sáng tạo độc lập, không sao chép từ bất kỳ tác phẩm nào khác, cũng được bỏ qua đối với các tác phẩm dân gian. Bởi lẽ, các tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian thường được lưu truyền bằng miệng qua nhiều thế hệ, dẫn đến nhiều dị bản, không đảm bảo được tính nguyên gốc của tác phẩm. Do vậy, theo quy định về quyền tác giả, tất cả các dị bản này đều được bảo hộ như nhau.
Với những đặc điểm trên, chúng ta có thể tự do sử dụng một tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian mà không cần xin phép bất kì tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, pháp luật của Việt Nam cũng quy định những dùng phải dẫn chiếu xuất xứ loại hình tác phẩm đó và đảm bảo giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm. Cụ thể, dẫn chiếu xuất xứ là chỉ ra nguồn gốc, địa danh của cộng đồng cư dân nơi tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian được hình thành. Vậy những sáng tạo dựa trên tác phẩm dân gian, chẳng hạn như các bức vẽ “làm mới” tranh dân gian của họa sĩ Xuân Lam liệu có được bảo hộ?
Câu trả lời là có nếu các tác phẩm này đảm bảo tính nguyên gốc. Điều này có lẽ không cần bàn nhiều, bởi tính sáng tạo độc đáo trong tác phẩm của Xuân Lam đã được công nhận rộng rãi từ lâu. “Ngôn ngữ đồ họa, phối màu, bút pháp là của Xuân Lam. Họa sĩ này đã có phong cách riêng, không nhầm lẫn. Bức vẽ trên đồng hồ nhìn là thấy rõ bê tranh của Xuân Lam sang. Một họa sĩ phương Tây hiểu gì về văn hóa văn hóa truyền thống, tranh dân gian Việt Nam và lịch sử Việt Nam mà sáng tạo y hệt như Xuân Lam?”, Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ với báo Tuổi trẻ.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam
Có thể thấy, tính nguyên gốc của tác phẩm trong trường hợp này rõ ràng hơn nhiều so với vụ tranh chấp liên quan đến tác phẩm dân gian cách đây gần 10 năm tại Việt Nam. Năm 2014, họa sĩ Nguyễn Văn Lộc đã khởi kiện một công ty vì đã sử dụng tác phẩm “hình thức thể hiện tranh tết dân gian” của ông mà không xin phép.
Họa sĩ Nguyễn Văn Lộc đã khởi kiện một công ty vì đã sử dụng tác phẩm “hình thức thể hiện tranh tết dân gian” của ông mà không xin phép.
Bức tranh thuộc thể loại mỹ thuật ứng dụng, là tập hợp các hình ảnh nhân vật có nguồn gốc dân gian (ông đồ viết chữ, múa lân, ông địa…) được sắp xếp lại theo cách riêng. Tòa án Nhân dân quận Tân Bình (TP.HCM) đã bác đơn khởi kiện với lập luận rằng: “Cả nguyên đơn và bị đơn đều lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian, trong khi quyền tác giả của các hình ảnh riêng lẻ đã được lưu truyền lâu đời và không thể xác định là của ai”.
Tính nguyên gốc của tác phẩm trong thực tiễn xét xử hoặc giải quyết tranh chấp quyền tác giả ở Việt Nam nhìn chung vừa khó và vừa hiếm khi tìm thấy ở các Bản án của tòa án hoặc quyết định hành chính vì một mặt số lượng vụ án sở hữu trí tuệ được xét xử bởi hệ thống tòa án ở Việt Nam là quá ít ỏi và mặt khác, nguyên đơn (chủ thể quyền) hoặc luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của họ chưa có đủ hiểu biết về bản chất tồn tại của quyền tác giả dẫn tới thất bại trong quá trình tranh tụng tại tòa”, luật sư Lê Quang Vinh Công ty Sở hữu trí tuệ Bross và cộng sự, bình luận về trường hợp này trong một bài viết vào năm 2020 trên Lexology.
Xác định căn cứ khởi kiện
Nhiều người đã nghĩ đến tình huống khởi kiện nếu họa sĩ Xuân Lam và hãng đồng hồ Thụy Sĩ không thỏa thuận được với nhau. Vấn đề là khởi kiện ở đâu khi tác giả ở Việt Nam còn hành vi xâm phạm xảy ra ở nước ngoài.
Theo Nghị định 17 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan mới được ban hành đầu năm, một trong những căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả là “hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam”. Để tránh vướng mắc này, tác giả có thể khởi kiện ra tòa án bên Thụy Sĩ. Nhưng việc khởi kiện ở một quốc gia phát triển có những quy định về bản quyền khác với chúng ta sẽ là một thách thức không hề nhỏ, đặc biệt là những chi phí và thời gian mà tác giả sẽ phải bỏ ra để theo đuổi vụ kiện.
Nếu nhìn ở góc độ nào đó, trường hợp của họa sĩ Xuân Lam, cũng như những vụ xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm của tác giả Việt Nam nói chung và tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian nói riêng ngày càng gia tăng trong những năm gần đây đã hé mở về tiềm năng thương mại hóa của những tác phẩm này. Nếu những tác phẩm hiện đại có chủ sở hữu và tác giả rõ ràng, thì chúng ta có thể làm gì với các tác phẩm dân gian?
Liệu một ngày nào đó, những tác phẩm dân gian của Việt Nam có thể xuất hiện trên các sản phẩm phổ biến, tương tự như cách mà các bảo tàng trên thế giới đang thương mại hàng loạt món đồ từ cốc, túi xách, quần áo có các bức tranh nổi tiếng của Van Gogh?
Một trong những giải pháp mà nhiều quốc gia đang triển khai là thành lập các tổ chức quản lý tập thể nhằm đứng ra bảo vệ các tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Với nguồn lực trong tay, họ có thể thu phí khai thác các tác phẩm này, sau đó dùng cho mục đích bảo tồn hoặc tiếp tục đầu tư phát triển các lĩnh vực nghệ thuật dân gian./.
Nguồn: Thanh An - https://khoahocphattrien.vn/