Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021

Thứ tư - 08/06/2022 08:58 411 0
Đại dịch COVID-19 kéo dài với diễn biến phức tạp đã và đang làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, COVID-19 lại trở thành một chất xúc tác thúc đẩy và đưa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam lên một tầng cao mới.
 Vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam năm 2021 tăng kỷ lục, đạt 1,4 tỷ USD. Tổng số thương vụ đầu tư cũng đạt con số cao nhất từ trước đến nay với 165 thương vụ, tăng 57% so với năm 2020.
  2019 2020 2021
Xếp hạng[1]
- Quốc gia 72/100 59/100 59/100
- Hà Nội 229/1000 196/1000 191/1000
- TP. Hồ Chí Minh   225/1000 179/1000
Số lượng doanh nghiệp      

- Kỳ Lân

1 (VNG)

2 (VNG và VNPAY)
4 (VNG, VNPAY, Sky Mavis và MoMo)
- Doanh nghiệp khởi nghiệp 2.600 Hơn 3.000 Khoảng 3.800
Tổ chức hỗ trợ[2]
- Tổ chức thúc đẩy kinh doanh 23 57 40
- Vườn ươm 38 25 79
- Khu làm việc chung 170 198  
- Quỹ đầu tư 61 190 217
- Trường đại học/cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp
Khoảng 20
 
138
Đầu tư[3]
- Tổng số tiền đầu tư (triệu USD) 874 451 1442
- Số thương vụ 126 105 165
Bảng 1. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam qua các năm

Việt Nam là một trong những thị trường hồi phục tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á sau đại dịch COVID-19, đứng thứ 3 khu vực về cả số thương vụ và giá trị đầu tư sau Indonesia và Singapore. Xét về tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam dẫn đầu về số thương vụ và đứng thứ ba về  giá trị đầu tư sau Singapore và Philippin.
Đáng chú ý, năm 2021, Việt Nam đón chào sự ra đời của hai klân mới bên cạnh VNG và VnPay: Sky Mavis với mức định giá trên 3 tỉ USD và MoMo trên 2 tỉ USD nhờ vào tần suất sử dụng các sản phẩm số ngày một tăng cao của người dùng trong thời gian dịch bệnh.
Bên cạnh đó, hàng chục doanh nghiệp được định giá trên vài trăm triệu USD đang sẵn sàng trở thành Kỳ Lân trong những năm tới ở tất cả các lĩnh vực như giáo dục đào tạo, thương mại điện tử, thanh toán, Fintech (Tiki, Topica Edtech, Topica, ...) trong số khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là dấu ấn của Việt Nam trên thị trường khởi nghiệp và đầu tư công nghệ của khu vực.
Để đạt được những thành quả như vậy, Chính phủ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua việc ban hành hàng loạt các chính sách và chương trình như: Đề án 844 Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025, Đề án 939 Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, Đề án 1665 Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, Luật Hỗ trợ DNNVV 2017, Nghị định số 34/2018/NĐ-CP quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV KNST, Công văn số 1128/ TTg-ĐMDN ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút đầu tư cho KNST từ các nguồn trong và ngoài nước, Luật Đầu tư 2020, Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia...
Để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp, năm 2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg để mở rộng tầm nhìn của Đề án đến năm 2030 và tăng cường chiều sâu của hệ sinh thái khởi nghiệp với việc bổ sung 2 hoạt động trọng tâm của Đề án trong giai đoạn tới là: xây dựng hệ thống trung tâm ĐMST hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (NC&PT), khởi nghiệp sáng tạo, phát triển Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo (KNST) quốc gia tại 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh; và phát triển Mạng lưới khởi nghiệp ĐMST quốc gia, đồng thời, khuyến khích sự tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống các Trung tâm khởi nghiệp ĐMST và chủ thể trong hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, hoạt động KNST tại các địa phương cũng diễn ra hết sức sôi nổi. Hiện có 57 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 844 và sắp xếp nguồn lực triển khai tại địa phương; 35 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết của HĐND quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, làm căn cứ triển khai các hoạt động tiếp theo.
Song song với sự phát triển về số lượng, lực lượng hỗ trợ KNST cũng bắt đầu có sự liên kết và hợp tác chặt chẽ hơn, góp phần thúc đẩy việc kết nối với các chuyên gia nước ngoài cũng như các chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, điển hình là: Sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Network) hiện có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho tài năng, tri thức người Việt Nam đang học tập nước ngoài hưởng ứng, tham gia.
Sáng kiến nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng KH&CN phát triển.
Theo thống kê của Văn phòng Đề án 844, Việt Nam hiện có 79 cơ sở ươm tạo, tăng 6,75% so với năm 2020, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tăng 17,64% so với năm 2020; 217 quỹ đầu tư tăng 14,2% so với 2020; 138 trường đại học/cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có  43 trường có vườn ươm doanh nghiệp. Về tổng thể, Việt Nam vẫn duy trì thứ hạng 59 trên toàn cầu đạt được vào năm 2020 và giữ khoảng cách không xa với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Philippines.
Cả 2 thành phố được xếp hạng của Việt Nam đều tăng thứ hạng trong năm 2021 cho thấy đà tăng trưởng tích cực so với năm ngoái. Đứng thứ nhất tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh tăng 46 bậc lên vị trí thứ 179, trong khi Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí thứ 191, đưa 2 thành phố của Việt Nam nằm trong top 200 toàn cầu.
Bảng 2. Xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp một số nước ASEAN năm 2021

Quốc gia

Xếp hạng

Thay đổi so với 2020

Điểm số
lượng[4]

Điểm chất lượng[5]

Điểm kinh doanh[6]

Tổng điểm
Singapore 10 6 3,22 7,69 2,84 13.745

Malaysia

40

8

0,55

1,18

2,68

4.411
Indonesia 45 9 0,32 1,82 1,52 3.657
Thái Lan 50 - 0,41 1,01 1,67 3.081
Philippines 52 1 0,53 0,81 1,52 2.852
Việt Nam 59 - 0,21 0,73 0,89 1.830

Nguồn: Startup Blink, Global Startup Ecosystem Index 2021
Theo báo cáo của Golden Gate Ventures công bố tháng 7 năm 2021, Việt Nam được đánh giá là “Ngôi sao đang lên” của khu vực Đông Nam Á và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 sau Indonesia và Singapo. Việt Nam cũng sẽ là một trong những thị trường trọng tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại khu vực Đông Nam Á trong ít nhất 2-3 năm tới do có lợi thế về môi trường chính  trị ổn định và kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp

Trên cả nước hiện có 79 cơ sở ươm tạo, tăng 22 cơ sở so với năm 2019. Trong đó, khoảng 75% sở tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố có hoạt động khởi nghiệp  ĐMST phát triển mạnh mẽ nhất trong cả nước. Một số địa phương như Bình Dương, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Lâm Đồng và Thái Nguyên cũng đã có vườn ươm doanh nghiệp.
Việc bắt đầu hình thành những vườn ươm khởi nghiệp tại các địa phương giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận được các chương trình đào tạo, ươm tạo chuyên nghiệp, nhờ đó có thể vượt qua  giai đoạn khó khăn ban đầu và phát triển ổn định, bền vững. Phần lớn các vườn ươm này được thành lập trong khoảng thời gian từ 2015-2018, cùng thời điểm với những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia và hoạt động khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ tại các tỉnh, thành, địa phương.
Hiện tại ở Việt Nam có 40 tổ chức cung cấp các chương trình thúc đẩy kinh doanh với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nâng cao năng lực về pháp lý, tài chính, kỹ năng thuyết trình để tiến tới thành công trong kêu gọi vốn đầu tư. Các tổ chức thúc đẩy kinh doanh tập trung toàn bộ tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ngoài ra còn có chương trình thúc đẩy kinh doanh Google Launchpad của Google. Chương trình được tiến hành trên toàn thế giới và đến năm 2017 và đã chính thức tuyển chọn các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng của Việt Nam để tham gia. Việc tập trung phần lớn các tổ chức thúc đẩy kinh doanh tại tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là do vai trò kinh tế, văn hóa, chính trị của 2 thành phố này.
Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) đã hình thành và phát triển hoạt động tại các thành phố lớn: tại Hà Nội, hợp tác với Đại học Kinh tế quốc dân; tại Đà Nẵng, hợp tác với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Đà Nẵng và Tập đoàn Vicoland tập trung vào một số lĩnh vực Fintech, Smart City và PropTech; tại TP. Hồ Chí Minh, bước đầu đưa vào khai thác toà nhà số 1196, đường 3/2, phường 8, quận 11, TP. Hồ Chí Minh, đã hợp tác, chuyển giao mô hình cho các hệ sinh thái địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến tre, Đà Nẵng...
Qua thống kê, hệ thống NSSC hiện tại có tổng cộng 2000 m2 không gian làm việc chung với hơn 200 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp, quy mô lên đến 10.000 lượt người/tháng đến giao dịch; hợp tác tổ chức gần 100 sự kiện, hơn 36 khoá đào tạo, huấn luyện, hỗ trợ tiếp cận gọi vốn gần 30 tỷ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Một số địa phương đã hình thành và phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST của tỉnh/thành phố với các mô hình linh hoạt phù hợp thực tiễn của địa phương, điển hình như: sáp nhập một số đơn vị sự nghiệp thuộc Sở KH&CN như: Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm Phát triển Khoa học - Công nghệ và Đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng; thành lập mới: Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp Bình Dương.

Tài chính cho khởi nghiệp

 
 
   
 

Hoạt động đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đã nhanh chóng trở lại sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 do sự gián đoạn của việc tiếp cận nhà đầu tư và thị trường. Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2021 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures hợp tác thực hiện, tổng số tiền tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đạt 1,4 tỷ USD, tăng 1,6 lần so với kỷ lục trước đó là 874 triệu USD được thiết lập vào năm 2019. Tổng số thương vụ đầu tư cũng đạt con số cao nhất từ trước đến nay, 165 thương vụ, tăng 57% so với năm 2020.

Hình 2. Giá trị và số thương vụ đầu tư cho khởi nghiệp của Việt Nam - Nguồn: NIC, Do Ventures, Vietnam Innovation & Tech Investment Report 2021
Ngoại trừ vòng đầu tư dưới 0,5 triệu USD, các vòng còn lại đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh cả về số thương vụ và số tiền đầu tư. Số vốn đầu tư vào các vòng 0,5-3 triệu USD và trên 50 triệu USD cũng đạt mức tăng trưởng đáng chú ý, với tỉ lệ tăng theo năm lần lượt là 2,8 lần và 4,2 lần.
Số tiền được đầu tư vào các vòng gọi vốn từ 10 triệu USD trở lên đạt kỷ lục 1,2 tỉ USD, tăng 255% so với năm trước và chiếm hơn 82% tổng số vốn đầu tư của cả năm 2021, trải rộng hơn 17 giao dịch. Trong khi đó, tỉ trọng tương đương của những năm trước đó là 74% vào năm 2020 và 79% vào năm 2019.
Nguồn vốn dành cho các vòng có giá trị dưới 10 triệu USD cũng đã đạt ngưỡng mới là 256  triệu USD, tăng 119% so với năm 2020. Vốn đầu tư được phân bổ tương đối đồng đều giữa các giai đoạn gọi vốn trong những năm gần đây cho thấy sự phát triển ổn định của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Trong khi nguồn tài trợ vòng hạt giống tăng lên mức cao mới cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch, thì nguồn tài trợ giai đoạn sau đã trở lại mức trước Covid với 5 giao dịch lớn được thực hiện trong thanh toán, bán lẻ và trò chơi trực tuyến.
Giá trị trung bình của các khoản đầu tư giai đoạn sau liên tục tăng. Năm 2021 cũng là năm kỷ lục về số tiền đầu tư trung bình 1 thương vụ, đặc biệt vòng series B tăng từ 10 triệu USD năm 2020 lên khoảng 15 triệu USD, và sự phục hồi rất mạnh mẽ của số tiền đâu tư trung bình trong các vòng trước series A và series A

Lĩnh vực

2016

2017

2018

2019

2020

2021
Thay đổi 2020-2021
Thanh toán 29 10 100 300 101 450 345%
TMĐT 18 15 105 195 83 469 463%
Nhân sự 0,1 0 1 3 36 4 -90%
BĐS và CSHT - 7 6 16 26 29 12%
Dịch vụ tài chính 2 0 3 40 25 61 144%
Giải pháp số cho DN - 0 1 60 18 55 205%
Dịch vụ địa phương 2 0,2 4 5 10 4 -63%
Du lịch và khách sạn 4 1 5 23 9 4 -59%
Giáo dục 1 5 53 32 8 55 562%
Giải trí/ Gaming - - 0,3 9 6 175 2,813%
Logistics 1 - 5 58 4 8 103%
Y tế - 0,2 0,2 12 3 37 1016%
Giải trí/ trừ gaming - - - 1 2 10 400%
Công nghệ quảng cáo 1 6 3 15 2 - -100%
Truyền thông - - 0 - 1 7 459%
Đa ngành - - - 29 - 42  
Khác - - - - - 33  

Bảng 3. Vốn đầu tư theo lĩnh vực (triệu USD)

Hai lĩnh vực Thanh toán và Thương mại điện tử vẫn dẫn đầu về khả năng thu hút nguồn vốn, nhờ các khoản đầu tư lớn vào những doanh nghiệp như: VNLIFE, MoMo và Tiki. TMĐT chiếm hơn 33% tổng số vốn đầu tư. Lĩnh vực trò chơi trực tuyến trong năm 2021 có giá trị tăng trưởng đột phá vì sự xuất hiện của vòng đầu tư vào Sky Mavis vươn lên vị trí thứ 3. Công nghệ tài chính chiếm hơn 35% tổng số vốn đầu tư. Tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực Công nghệ tài chính của Việt Nam đứng thứ 3 chỉ sau Philippines và Thái Lan. Mức độ thâm nhập và sử dụng điện thoại thông minh cao ở Việt Nam đã mang lại sự tăng trưởng vượt bậc về các giao dịch thanh toán không tiền mặt. Với khả năng tiếp cận dữ liệu về người dùng ngày một nhiều hơn, những dịch vụ tài chính khác như cho vay, đầu tư và bảo hiểm sẽ có xu thế phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Trong năm 2021, nhóm các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Thanh toán nắm giữ vị trí dẫn đầu về giá trị đầu tư, theo sau là lĩnh vực Quản lý tài sản, Bảo hiểm Cho vay tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đại dịch đã chứng tỏ sự bùng nổ đối với một số lĩnh vực khi chúng tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và nhận được sự ủng hộ của khách hàng. Các lĩnh vực hoạt động hiệu  quả nhất bao gồm Y tế, Giáo dục và Giải pháp số  cho doanh nghiệp với mức tăng trưởng theo năm lần lượt là 1,016%, 562% và 205%./.
Nguồn: Từ trang 10 đến 15- Bản tin khởi nghiệp ĐMST số 19-2022/ https://vista.gov.vn/
 

[1] Global Startup Ecosystem Index 2021, StartupBlink
[2] Văn phòng Đề án 844
[3] NIC, Do Ventures, Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2021
 
[4] Điểm số lượng được tính dựa trên số lượng: DNKN, không gian làm việc chung, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cuộc gặp gỡ liên quan đến khởi nghiệp.
[5] Điểm chất lượng được tính dựa trên: khả năng thu hút các chủ thể trong tất cả các hệ sinh thái; sự hiện diện của các chi nhánh và trung tâm NC&PT của các tập đoàn công nghệ quốc tế; chi nhánh của các công ty đa quốc gia; tổng vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào hệ sinh thái khởi nghiệp; số lượng nhân viên/công ty khởi nghiệp; số lượng các công ty kỳ lân, thoái vốn và Pantheon; sự hiện diện của những người có ảnh hưởng đến khởi nghiệp toàn cầu; và sự kiện khởi nghiệp toàn cầu
[6] Điểm kinh doanh được tính dựa trên: mức độ dễ dàng kinh doanh và các công ty đã đăng ký; tốc độ Internet; tự do Internet; đầu tư cho NC&PT; sự sẵn có của các dịch vụ công nghệ khác nhau (cổng thanh toán, ứng dụng chia sẻ chuyến đi, tiền điện tử); số lượng bằng sáng chế trên đầu người; trình độ tiếng Anh
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay1,942
  • Tháng hiện tại81,574
  • Tổng lượt truy cập2,836,696
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây