Trong xu thế hội nhập, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là động lực quan trọng cho tăng trưởng và, đồng thời cũng là chìa khóa để giải quyết nhiều thách thức phát sinh để hướng tới phát triển bền vững cho toàn nền kinh tế nói chung cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Phương Linh, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, qua nhiều cuộc thi về khởi nghiệp, có thể thấy số lượng sinh viên từ các trường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham gia là rất ít.
Hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại miền Tây không sôi nổi được như nhiều vùng kinh tế - xã hội khác, có thể nhìn thấy qua các số liệu về tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới, dù các tỉnh miền Tây luôn nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, bằng chứng là 13 tỉnh thành miền Tây có xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn ở vị trí cao.
Lý giải cho điều này, từ góc nhìn của TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, một “nhà khởi nghiệp” thành công ở miền Tây thế hệ trước, doanh nghiệp miền Tây cũng như doanh nghiệp cả nước hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang thiếu đi đơn vị, tổ chức đóng vai trò “nhạc trưởng”. Không có “nhạc trưởng”, hầu hết doanh nghiệp vận hành chưa đúng khiến doanh nghiệp rất dễ thất bại. Mặt khác, doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ chú trọng, thị trường mà chưa có sự tìm hiểu, quan tâm đến sở hữu trí tuệ, nói cách khác là mới chỉ ý thức được giá trị hữu hình mà chưa để tâm đến những tài sản vô hình.
Mặt khác, dù đã có chính sách hỗ trợ nhưng các tỉnh, thành phố, các đơn vị trong vùng vẫn chưa thống nhất được khái niệm đổi mới sáng tạo. Mỗi nơi hiểu một kiểu khác nhau, thành ra các chính sách được thực hiện, thiết lập cũng khác nhau, gây nhiều khó khăn, bất cập.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan
Còn theo bà Linh, những thách thức lớn đặt ra cho vùng, bao gồm biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Khảo sát của VCCI vào năm ngoái chỉ ra, có đến 80% doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại miền Tây bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, chủ yếu là ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, bà Linh nhìn nhận, cần phải đổi mới về mặt tư duy, coi biến đổi khí hậu là cơ hội kinh doanh và thực hành đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư - Ông Trần Duy Đông
Đồng quan điểm, phát biểu tại Tọa đàm “Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp - động lực cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” do Đại học Cần Thơ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông, đề xuất các Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại miền Tây nên tập trung vào một số lĩnh vực mang tính cấp bách của vùng như: ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước, ứng phó với xâm nhập mặn, nông nghiệp… “Đổi mới sáng tạo cần phải xuất phát từ những bài toán thực tế thay vì những mục tiêu chung chung”, Thứ trưởng lý giải.
Về đề xuất cần một “nhạc trưởng”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh vai trò mang tính đầu tàu của Đại học Cần Thơ về cả vị trí địa lý cũng như bề dày kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Để phát huy vai trò này, Đại học Cần Thơ cần đẩy mạnh sự liên kết chính quyền – doanh nghiệp – nhà nghiên cứu để tạo nền tảng vững chắc cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hình thành và phát triển. Hệ sinh thái này sẽ giải quyết được nhiều bài toán. Các đơn vị lớn, mạnh về quy trình, công nghệ, nguồn lực sẽ hỗ trợ các đơn vị mới, còn yếu và còn thiếu về kinh nghiệm.
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cũng đánh giá cao việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo ông Thịnh, ở hệ sinh thái này, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có vai trò riêng, cần phải kết nối chặt chẽ với nhau, thống nhất vì một mục tiêu chung thay vì “mạnh ai nấy chạy”./.
Nguồn: Trần Sơn - https://theleader.vn/