Điểm sáng của startup Việt trong “mùa đông gọi vốn”

Thứ hai - 24/07/2023 09:11 100 0
Trong lĩnh vực công nghệ y tế, chỉ tính riêng BuyMed - startup thương mại điện tử bán buôn dược phẩm của Việt Nam đã huy động thành công hơn 51 triệu USD hồi tháng 5/2023, chiếm gần 80% lượng vốn huy động toàn thị trường.
Báo cáo của nền tảng theo dõi dữ liệu Tracxn cho biết, tổng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 82% so với cùng kỳ năm trước, từ 372 triệu USD xuống còn 66 triệu USD.
So với thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn đầu tư cho các startup công nghệ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng giảm 41%, từ 113 triệu USD xuống còn 66 triệu USD. Thời gian gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, khi đặt trong bối cảnh hiện tại, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức.
Theo Tracxn, phần lớn nguyên nhân dẫn đến điều này là do nền kinh tế toàn cầu đầy biến động, sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch Covid-19, cùng với tỷ lệ lạm phát tăng dẫn đến các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc rót vốn. Nửa đầu năm 2023 không chứng kiến sự xuất hiện của bất kỳ startup Kỳ lân nào, cũng như không có đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Lần cuối cùng một kỳ lân xuất hiện tại Việt Nam là vào nửa đầu năm 2022.
Ba đồng sáng lập BuyMed từ trái qua phải: Vương Đình Vũ, Peter Nguyễn và Hoàng Nguyễn (Ảnh: BuyMed)
Phía Tracxn chỉ ra, bức tranh tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm nửa đầu năm 2023 chủ yếu là sự tham gia của các startup trong lĩnh vực công nghệ y tế, giáo dục, tài chính và công ty cung cấp giải pháp ứng dụng cho doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực công nghệ y tế, chỉ tính riêng BuyMed - startup thương mại điện tử bán buôn dược phẩm của Việt Nam đã huy động thành công hơn 51 triệu USD hồi tháng 5/2023, chiếm gần 80% lượng vốn huy động toàn thị trường.
Được thành lập từ năm 2018, BuyMed trở thành cầu nối các công ty sản xuất, phân phối dược phẩm với 35.000 nhà thuốc, phòng khám trên 63 tỉnh, thành toàn quốc.Chúng tôi muốn xây dựng hệ sinh thái trong ngành dược phẩm và chăm sóc sức khoẻ mà chưa ai dám xây dựng, đại diện BuyMed chia sẻ.
Trong lĩnh vực giáo dục, MindX cũng hoàn tất vòng gọi vốn Series B với khoản tiền đầu tư trị giá 15 triệu USD. Kể từ vòng Series A, quy mô của MindX đã tăng trưởng gấp 3 lần với 32 cơ sở trên khắp Việt Nam và danh mục sản phẩm ngày càng đa dạng. Sau đại dịch Covid-19, hầu hết các lớp học tại MindX đã dịch chuyển sang mô hình học kết hợp (hybrid), cho phép người học có thể kết hợp linh hoạt hình thức học trực tiếp tại cơ sở và theo dõi trực tuyến.
Vượt qua tất cả những biến động của kinh tế thị trường giai đoạn 2021 - 2023, MindX không chỉ đứng vững, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định mà còn không ngừng mở rộng quy mô đào tạo trên khắp đất nước Việt Nam.
Stringee cung cấp các giải pháp giao tiếp cho doanh nghiệp
Tương tự, Stringee - startup về nền tảng giao tiếp có trụ sở tại Việt Nam cũng nhận vốn Series A từ Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM III.
Stringee cung cấp phần mềm Contact Center StringeeX (tổng đài chăm sóc khách hàng đa kênh) giúp doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng từ nhiều kênh (hotline, video call, SMS, chat, facebook, zalo, email,...) trên một phần mềm duy nhất. Stringee hiện phục vụ hơn 1.000 khách hàng doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau với 55 triệu người dùng cuối.
Bất chấp xu hướng giảm, phía Tracxn nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng đáng kể nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.
Thời gian qua, Chính phủ đã thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Amazon, Meta để cung cấp các khoá đào tạo và hỗ trợ cho các doanh nhân trẻ.
Cùng với đó là cam kết của Chính phủ trong việc thiết lập một nền kinh tế không dùng tiền mặt sẽ góp phần vào sự phát triển của hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam.
Tracxn khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần thực hiện một số sáng kiến nhằm thúc đẩy thị trường. Các sáng kiến bao gồm việc thiết lập các chính sách hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, cung cấp vốn và tạo ra một cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tại Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ các doanh nhân nữ và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên./.
Nguồn: Việt Hưng - https://theleader.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay647
  • Tháng hiện tại76,915
  • Tổng lượt truy cập2,832,037
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây