Kỹ thuật hạt nhân giúp cải thiện năng suất và thu nhập cho nông dân ở Namibia

Thứ ba - 20/06/2023 08:25 231 0
Việc kết hợp các kỹ thuật hạt nhân và công nghệ tưới tiết kiệm nước được triển khai tại Namibia theo dự án hợp tác kỹ thuật của IAEA từ năm 2020.
Namibia là một trong những quốc gia khô hạn nhất ở châu Phi. Đây là nơi có sa mạc Namib lâu đời nhất thế giới và Sa mạc Kalahari theo tiếng địa phương có nghĩa là “cơn khát lớn”. Khoảng 92% diện tích quốc gia này được xác định là rất khô hạn, khô hạn hoặc bán khô hạn, mưa ở đây rất hiếm và thất thường. Trong 10 năm qua, chính phủ Namibia đã ba lần tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do hạn hán nghiêm trọng gây thiệt hại nặng đối với nền nông nghiệp và kinh tế của nước này. Đợt hạn hán gần đây nhất vào năm 2019, được đánh giá là tồi tệ nhất trong 90 năm qua, đã làm ​​sản lượng nông nghiệp xuống mức thấp nhất, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng tại Namibia.
Nông dân ở Namibia đang thử nghiệm phương pháp tưới tiêu dựa trên kỹ thuật hạt nhân giúp cải thiện đáng kể hiệu quả sử dụng nước.
Hầu hết nông dân có quy mô sản xuất nhỏ ở Namibia chỉ dựa vào lượng mưa để trồng trọt. Tuy nhiên, lượng mưa khan hiếm và thất thường cũng như độ phì nhiêu của đất kém khiến năng suất các loại cây lương thực chính còn thấp. Ở bất kỳ giai đoạn sinh trưởng nào của cây, dù là sau khi gieo hạt hay trong quá trình ra hoa, hạn hán đều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây, dẫn đến năng suất thấp và mức thu hoạch kém.
Với sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), nông dân ở các khu vực phía bắc Kavango East, Kavango West, Omusati, Oshikoto và Tsumeb của Namibia hiện đang sử dụng kết hợp các kỹ thuật hạt nhân và công nghệ tưới tiết kiệm nước - được gọi là tưới nhỏ giọt - ở quy mô nhỏ, để cấp nước cho các khu vực trồng trọt. Dựa trên dữ liệu theo thời gian thực về độ ẩm của đất từ các cảm biến nơtron tia vũ trụ, nông dân có thể điều chỉnh lượng nước phù hợp để tưới trực tiếp cho cây trồng. Phương pháp tưới nhỏ giọt được thực hiện với sự trợ giúp của các kỹ thuật đồng vị (đo độ ẩm trong đất và cây) cho phép nông dân tính toán chính xác lượng nước và chất dinh dưỡng cần sử dụng cũng như thời điểm tưới, từ đó giúp giảm lượng nước tiêu hao.
Việc kết hợp các kỹ thuật hạt nhân và công nghệ tưới tiết kiệm nước được triển khai theo dự án hợp tác kỹ thuật của IAEA bắt đầu từ năm 2020. Hệ thống tưới nhỏ giọt này đã giúp tăng hiệu quả sử dụng nước tưới lên hơn 80% so với phương pháp thông thường, đồng thời cải thiện năng suất trồng trọt lên tới 70%.
Ông Moses Gaeseb, một nông dân ở thị trấn Tsumeb đã lắp đặt thiết bị tưới nhỏ giọt từ tháng 9/2020 cho biết: “Việc lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt quy mô nhỏ với sự trợ giúp thông tin tưới tiêu về thời điểm và lượng nước đã giúp tăng quy mô trồng trọt trong trang trại của tôi từ một vụ lên gần như quanh năm”. Trang trại của ông Gaeseb trồng chủ yếu là ngô, cà chua, ớt xanh và dưa hấu và đã từng sử dụng máy bơm nước chạy bằng dầu diesel nhưng chi phí cao nên làm hạn chế sản lượng nông nghiệp. Ông và những nông dân khác đã tham gia vào các thử nghiệm do IAEA và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) điều phối. Họ đã nhận được thiết bị tưới nhỏ giọt chạy bằng năng lượng mặt trời quy mô nhỏ có khả năng cấp 10.000 lít nước trong vòng một giờ. Ông cho biết sản lượng đã tăng gấp bốn lần nhờ công nghệ này. Ông Andreas Naoseb, một nông dân đến từ Oshikoto, người cũng tham gia dự án, cho biết trước khi có hệ thống tưới nhỏ giọt “khu đất rộng 10 ha của chúng tôi nằm trơ trọi mà không được trồng trọt hay chăn nuôi”. Thiết bị tưới tiêu mới đã mang lại diện mạo mới cho trang trại, kết nối các nông dân và mang lại thu nhập trong cả năm.
IAEA và FAO đang hợp tác với các nhà khoa học ở Namibia để thúc đẩy ứng dụng tưới nhỏ giọt nhằm bảo vệ mùa màng trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng. Ông Joseph Adu-Gyamfi, chuyên gia quản lý tích hợp dinh dưỡng đất thuộc Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong lương thực và nông nghiệp của FAO/IAEA cho biết: “Tưới nhỏ giọt cung cấp lượng nước tối thiểu cần thiết để cây trồng sinh trưởng và phát triển, giảm thiểu tác động của hạn hán ở bất kỳ giai đoạn sinh trưởng nào của cây trồng, giúp nông dân địa phương tăng năng suất đáng kể với lượng nước cần ít hơn và ngăn ngừa thất thoát nước do bốc hơi”.
Chính phủ Namibia đang phát triển các chương trình nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng cường sản xuất lương thực. Kế hoạch bao gồm tăng năng suất của các loại cây trồng chính, chẳng hạn như ngô, lúa miến và đậu đũa từ 25 đến 50%. Bởi vậy, Chính phủ Namibia cũng đang xem xét khả năng đưa thêm các hệ thống tưới nhỏ giọt quy mô nhỏ để tăng hiệu quả sản lượng nông nghiệp, bảo vệ nguồn nước và mở rộng canh tác các loại cây trồng có giá trị cao khác chẳng hạn như hành tây, cà chua, cải bắp và lạc, kể cả trái vụ.
Bà Anna Grigoryan, Cán bộ Quản lý Chương trình hợp tác tại Ban Hợp tác Kỹ thuật của IAEA cho biết: “Năng suất cây trồng thấp do hạn hán là một vấn đề nghiêm trọng ở Namibia, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Chúng tôi cam kết hợp tác với các đối tác Namibia để cùng nhau tìm giải pháp cho hạn hán và tăng năng suất nông nghiệp thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân”./.
Chu Minh Dương - Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ hạt nhân (biên dịch) – Nguồn: iaea.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay2,835
  • Tháng hiện tại19,747
  • Tổng lượt truy cập1,908,825
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây