Mãng cầu Bà Đen và nỗi lo nhái thương hiệu

Thứ tư - 26/10/2016 23:00 307 0
Nhờ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, mãng cầu Bà Đen (Tây Ninh) đã khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tình trạng nhái thương hiệu “mãng cầu Bà Đen” đang đặt ra nhiều lo ngại cho sản phẩm nà

Nâng giá trị sản phẩm bằng VietGap

Mãng cầu Bà Đen là trái cây đặc sản nổi bật của Tây Ninh. Tỉnh này có diện tích trồng mãng cầu lớn nhất cả nước; cây lại ra trái quanh năm và chất lượng cao. Trái mãng cầu Tây Ninh có trọng lượng trung bình gần 200g, rất thơm ngon, chứa nhiều nguyên tố vi lượng như kali, sắt, canxi, magiê, natri, kẽm…

 

1.jpg
Ông Huỳnh Biển Chiêu giới thiệu đặc sản mãng cầu Bà Đen tại Techdemo Vũng Tàu 2015. Ảnh: KA
Ông Huỳnh Biển Chiêu giới thiệu đặc sản mãng cầu Bà Đen tại Techdemo Vũng Tàu 2015.

Điểm độc đáo của mãng cầu Tây Ninh là có thể cho trái theo ý muốn. Nếu như trước đây, mỗi năm mãng cầu chỉ cho một vụ trái cố định vào tháng 7-8 âm lịch thì hơn 10 năm trở lại đây, nhà vườn có thể chủ động cho cây ra trái vào bất cứ thời điểm nào trong năm bằng cách tuốt lá để kích thích cây ra hoa.

Để phát triển giá trị kinh tế của trái mãng cầu, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Tây Ninh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ thực hiện dự án "Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP". Vườn trồng mãng cầu rộng 5ha của ông Huỳnh Biển Chiêu (xã Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh) được chọn để triển khai mô hình này.

Ông Chiêu cho biết, trước đây gia đình ông trồng mãng cầu theo kiểu truyền thống, trái thường bị sâu đục, không đều đẹp, chưa thực sự chất lượng, năng suất không cao. Khi tham gia dự án, được hướng dẫn trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất tăng, bình quân đạt 9-10 tấn/ha, trái to, đẹp và bảo quản được lâu hơn.

Ông Chiêu cũng là người đầu tiên áp dụng thành công biện pháp chống dịch ruồi vàng đục trái, gây dòi trong trái mãng cầu bằng cách bao trái từ khi còn non. Cách này chi phí tuy cao, nhưng khá hiệu quả.

Hiện nay, mãng cầu Bà Đen đã được xuất khẩu sang một số nước như Pháp, Malaysia, Campuchia… Tuy nhiên, lượng mãng cầu xuất khẩu vẫn còn rất ít so với tiềm năng; thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là nội địa. Trái chưa bảo đảm về chất lượng và an toàn là một trong những nguyên nhân chính làm trái mãng cầu chưa vươn xa.

Xuất hiện tình trạng "nhái" thương hiệu

Ông Huỳnh Biển Chiêu cho biết, từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể "mãng cầu Bà Đen" và vườn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, trái mãng cầu Tây Ninh đã có mặt ở nhiều siêu thị trong cả nước. Nhưng khi thị trường tiêu thụ mạnh mãng cầu Bà Đen, tình trạng hàng giả, hàng nhái ăn theo thương hiệu này xuất hiện.

Ông Chiêu bức xúc cho biết, lúc đầu những người làm giả nhái tem dán trên trái. Nhà vườn khắc phục bằng cách đặt riêng mẫu bao bì, nhưng không được bao lâu cũng bị nhái mẫu thùng. Dù đã nhiều lần thay đổi quy cách, đặc điểm mẫu thùng, mãng cầu Bà Đen vẫn bị làm nhái, khách hàng không thể phân biệt được thật, giả. Điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của sản phẩm mãng cầu Bà Đen, trong khi người tiêu dùng bị thiệt thòi do mua phải hàng không đúng thương hiệu với giá cao.

"Có rất nhiều người tiêu dùng muốn mua được sản phẩm mãng cầu Bà Đen chính hiệu nhưng không biết mua ở đâu, phân biệt như thế nào để tránh bị nhầm lẫn" - ông Chiêu nói và bày tỏ mong muốn Sở KH&CN Tây Ninh quảng bá thương hiệu mãng cầu nhiều hơn ở trong và ngoài nước.

Ngoài ra, mãng cầu Bà Đen đã được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhưng đến nay vẫn chưa trao quyền sử dụng cho đơn vị hay cá nhân nào. Vì thế, tỉnh cần sớm thực hiện vấn đề này để ngăn chặn các hành vi sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý cũng như phát huy được giá trị chất lượng, danh tiếng, uy tín vốn có của sản phẩm.

Hiện nay, có nhiều hộ nông dân nghĩ đến việc đầu tư trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, do giá cả thất thường nên phần lớn họ chọn giải pháp an toàn là bán vườn gần thu hoạch cho dù lãi ít.

Giai đoạn đầu tham gia dự án, chính gia đình ông Chiêu cũng gặp quá nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Nhưng đến nay, vườn mãng cầu nhà ông đã tương đối ổn định. Ông tâm sự, dù khó khăn đến mấy, giá cả thị trường có nhiều biến động, gia đình vẫn quyết tâm giữ vững thương hiệu của sản phẩm địa phương mình.

"Điều quan trọng nhất là người làm vườn phải có tâm mới cho ra những sản phẩm an toàn, chất lượng. Bảo vệ được người tiêu dùng thì mới bảo vệ được thương hiệu của mãng cầu Tây Ninh" - ông Huỳnh Biển Chiêu khẳng định.

Nguồn: Kiều Anh (Báo Khoa học và Phát triển)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay1,704
  • Tháng hiện tại77,972
  • Tổng lượt truy cập2,833,094
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây