Phát triển lúa gạo trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Thứ tư - 26/10/2016 18:00 358 0
Lúa là cây lương thực quan trọng nhất của Việt Nam với diện tích thu hoạch năm 2015 hơn 7,8 triệu ha, sản lượng đạt 45,2 triệu tấn thóc, xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.852 triệu USD.Tuy nhiên, xét thuần túy về kinh tế, lúa gạo chỉ đóng góp khoảng 5,45% GDP của cả nước1 và người sản xuất lúa gạo chỉ có thu nhập 419 USD/ha so với 1.128 USD/ha của nông dân Thái Lan. Thêm nữa, theo dự thảo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) 2016, chúng ta có tới 16,8% diện tích Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ngập lụt khi mực nước biển dâng (NBD) 100 cm vào cuối thế kỷ XXI và nếu điều này xảy ra, sản lượng lúa gạo có thể giảm 30-35%.Do vậy, việc sản xuất và xuất khẩu lúa gạo cần được xem xét một cách thấu đáo cả từ góc độ kinh tế, xã hội và môi trường trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực và ổn định xã hội.
5.jpg
Giống lúa được công nhận là giống quốc gia OM5451 và OM6976 do Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long chọn tạo
có khả năng thích ứng cao với điều kiện bất lợi của môi trường
alt

Những thách thức lớn trong sản xuất lúa gạo

Sản xuất lúa gạo ở nước ta đang đứng trước rất nhiều thách thức như BĐKH, áp lực dân số, thị trường, diện tích đất lúa bị thu hẹp, đầu tư cho nông nghiệp thấp…, trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến 2 thách thức lớn nhất là BĐKH, NBD và hiệu quả sản xuất lúa gạo.

Tác động của BĐKH, NBD

Ảnh hưởng của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã và đang trở thành thách thức lớn nhất. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên sau nhiều năm GDP nông nghiệp giảm 0,78%, trong khi lâm nghiệp, thủy sản vẫn tăng (lần lượt là 5,75 và 1,25%) làm cho GDP toàn ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 giảm 0,18% (trong khi đó GDP cùng kỳ 2015 tăng 2,36%; năm 2014 tăng 2,96% và năm 2013 tăng 2,14%). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm giá trị sản xuất trong nông nghiệp là do ảnh hưởng của BĐKH và các điều kiện liên quan đến thời tiết cực đoan bất thường. Tính đến cuối tháng 6/2016, hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài đã làm thiệt hại gần 250.000 ha lúa, 19.203 ha hoa màu, 37.369 ha cây ăn quả tập trung, 163.768 ha cây lâu năm… với tổng giá trị lên đến hơn 142.000 tỷ đồng. Tại miền Bắc, trong 10 ngày cuối tháng 1/2016 đã phải hứng chịu một đợt không khí lạnh sâu, nhiệt độ nhiều vùng xuống thấp nhất trong lịch sử quan trắc và gây ra một đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng làm thiệt hại gần 70.000 ha lúa và cây rau màu các loại2.

So với cùng kỳ năm 2015, diện tích gieo cấy lúa vụ đông xuân cả nước năm 2016 giảm 31,1 nghìn ha, năng suất giảm 3,6 tạ/ha, sản lượng giảm 1,326 triệu tấn (6,4%) và chủ yếu giảm ở ĐBSCL (phía Bắc sản lượng tăng 14,4 ngàn tấn; ĐBSCL giảm 1,14 triệu tấn, Tây Nguyên giảm 64 ngàn tấn và Duyên hải miền Trung giảm 122 ngàn tấn)3.

BĐKH chủ yếu liên quan đến nhiệt độ tăng và NBD. Tại Việt Nam, dự thảo kịch bản BĐKH (phiên bản dự thảo 2016)4 cho thấy, nhiệt độ trung bình năm trên phạm vi toàn quốc tăng khoảng 0,62°C trong giai đoạn 1958-2014 và tăng dần theo thời gian. Nếu so với giai đoạn 1981-1990, nhiệt độ trung bình năm trong 20 năm 1995-2014 tăng khoảng 0,38°C thì trong 10 năm gần đây (2005-2014) đã tăng 0,42°C. Chúng ta biết rằng, khi nhiệt độ tăng thêm 1°C, năng suất lúa sẽ giảm 10%, năng suất ngô giảm 5-20% và sản lượng cây lương thực giảm trung bình 15%.

Dự báo theo kịch bản RCP4.55, vào giữa thế kỷ này, nhiệt độ trung bình năm của cả nước tăng 1,3-1,7°C. Đến cuối thế kỷ, ở phía Bắc nhiệt độ tăng 1,9-2,4°C và ở phía Nam 1,7-1,9°C. Còn theo kịch bản RCP8.5, vào giữa thế kỷ, nhiệt độ trung bình năm trên toàn quốc tăng 1,8-2,3°C. Đến cuối thế kỷ, nhiệt độ ở phía Bắc tăng 3,3-4,0°C và ở phía Nam tăng 3,0-3,5°C.

BĐKH không chỉ làm tăng nhiệt độ trung bình mà còn tăng nhiệt độ tối cao và tối thấp. Theo số liệu quan trắc thời kỳ 1961-2014, nhiệt độ ngày cao nhất (Tx) và thấp nhất (Tmin) tăng 1°C/10 năm. Số ngày nóng (số ngày có Tx ≥ 35°C) có xu thế tăng ở hầu hết các khu vực của cả nước với mức tăng phổ biến 2-3 ngày/thập kỷ. Nhiệt độ tối cao trung bình năm tăng sẽ có ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa gạo nói riêng và các cây trồng khác nói chung.

NBD cũng là thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo và nuôi trồng thủy sản. Dự báo, vào cuối thế kỷ XXI, mực NBD ở khu vực Biển Đông như sau: i) Theo kịch bản RCP2.6, mực NBD khoảng 46 cm (28-70 cm); ii) Theo RCP4.5, mực NBD khoảng 55 cm (33-75 cm); iii) Theo RCP6.0, mực NBD khoảng 59 cm (38-84 cm) và theo RCP8.5, mực NBD khoảng 77 cm (51-106 cm).

Kịch bản NBD 100 cm tại các tỉnh sản xuất lúa chủ lực làm cho Hậu Giang và Kiên Giang là 2 tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất (80,6 và77% diện tích), trong khi đó các tỉnh Thái Bình, Nam Định. Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có diện tích ngập trên 50%. Các tỉnh sản xuất lúa khác như Hải Phòng, Ninh Bình, Tiền Giang, Bến Tre cũng có tỷ lệ ngập trên 20%. Như vậy nhìn chung, mực NBD tại các tỉnh phía Nam cao hơn khu vực phía Bắc. Còn tính trên toàn vùng là 16,8% diện tích ở ĐBSH và 38,9% diện tích ở ĐBSCL có nguy cơ ngập.Đây là những vựa lúa chủ lực của cả nước và với kịch bản NBD như trên thì sản lượng lúa gạo có thể giảm 30-35%.

Sản xuất lúa gạo hiệu quả thấp

Việt Nam đang là nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn, với diện tích thu hoạch năm 2015 là hơn 7,8 triệu ha, sản lượng 45,2 triệu tấn thóc, xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.852 triệu USD6, chiếm trên17% thị phần gạo xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều năm qua Việt Nam tập trung vào số lượng. So với các nước sản xuất gạo chủ lực thì trong 35 năm qua năng suất lúa trung bình của Việt Nam tăng 3,68 tấn/ha, tương đương 169,6%, gấp 3 lần trung bình thế giới. Trong khi các nước xuất khẩu gạo khác lại hướng vào gạo chất lượng cao, không quá chú trọng vào tăng năng suất. Với Ấn Độ, sau 35 năm, năng suất chỉ tăng có 80 kg/ha, Pakistan tăng 9 tạ/ha và Thái Lan tăng 6,4 tạ/ha.

Xét về hiệu quả, các nghiên cứu cho thấy thu nhập của người trồng lúa rất thấp. Theo số liệu điều tra năm 2010, nếu người dân có dưới 1 ha lúa/hộ thì sản xuất lúa gạo chỉ đáp ứng được 19% tổng thu nhập. Tương ứng mức thu nhập tăng lên 26, 36 và 68% khi hộ nông dân lần lượt có 1-2, 2-3 và > 4 ha đất sản xuất, mà trên 90% hộ nông dân ở Việt Nam có diện tích trồng lúa nhỏ hơn 1 ha.

Sản xuất ra lúa gạo giá trị đã thấp, song thu nhập thực tế của người dân lại chỉ chiếm tỷ lệ thấp nhất trong chuỗi giá trị. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ thì người dân chỉ có lợi nhuận 240 USD/năm, trong khi người thu mua có 25.000 USD, xay sát 48.400 USD và xuất khẩu hưởng lợi tới 2,22 triệu USD/năm. Nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (2014) cũng cho thấy, phân phối lợi nhuận (và rủi ro) không công bằng giữa các đối tác tham gia chuỗi lúa gạo. Tính trên đơn vị xuất khẩu thì lợi nhuận người nông dân nhận được chiếm 52% tổng lợi nhuận, nhưng chi phí họ bỏ ra chiếm 83%, trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo được 30% lợi nhuận lại chỉ phải bỏ ra 4% chi phí7. Đây chính là một trong những nguyên nhân nông dân bỏ ruộng, không muốn ứng dụng giống và kỹ thuật mới vì với mảnh ruộng nhỏ bé của mình, tác động của khoa học và công nghệ có lớn về giá trị tương đối thì quy ra giá trị tuyệt đối trên mảnh ruộng của họ cũng thật nhỏ bé8.

Nghiên cứu của Viện Lúa quốc tế (IRRI) năm 2014 về so sánh hiệu quả sản xuất lúa gạo tại một số nước cũng cho thấy hiệu quả sản xuất chủ yếu liên quan đến giá bán. Giá bán 1 kg lúa tại Cần Thơ là thấp nhất so với các điểm điều tra ở các nước khác với mức 0,195 USD/kg hay tương đương 4.290 đồng/kg, trong khi chỉ tiêu này là 5.192 đồng ở Ấn Độ, 8.404 đồng ở Indonesia, 8.889 đồng ở Thái Lan và 7.700 đồng ở Philipin. Chính điều này làm cho thu nhập thuần từ sản xuất lúa gạo của Việt Nam là thấp nhất, chỉ đạt 419 USD/ha (khoảng 9,2 triệu đồng), bằng khoảng 37,1% so với Thái Lan, 65,0% so với Philipin và 42,2% so với Indonesia.

Một vài suy nghĩ về sản xuất lúa gạo trong bối cảnh BĐKH và hội nhập

Sản xuất lúa gạo có ý nghĩa kinh tế, xã hội to lớn, góp phần ổn định chính trị và an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả sản xuất, xuất khẩu… rất cần nhìn lại một cách toàn diện. Đã đến lúc chúng ta cần đánh giá sản xuất lúa gạo nói riêng và các nông sản nói chung bằng giá trị trên 1 đơn vị diện tích thay vì quy mô số lượng.

Các định hướng lớn cho nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo đã được thể hiện trong Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia "Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao", đó là "Phát triển ngành lúa gạo sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao trên cơ sở áp dụng đồng bộ giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến gắn với cơ giới hóa, tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu…".Thêm nữa, các mục tiêu cụ thể đến 2030 còn được nêu rõ tại "Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030" là: i) Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm 100% diện tích tại các vùng chuyên canh của ĐBSCL; ii) Diện tích áp dụng IPM đạt trên 90%; diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững (nông lộ phơi, SRI, VietGAP…) trên 75%; iii) Giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 6%; iv) Đạt 50% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% lượng gạo xuất khẩu thuộc nhóm gạo thơm và đặc sản... Chiến lược và mục tiêu đã rõ, tuy nhiên vấn đề là làm sao hiện thực hóa được chúng với các giải pháp khả thi, cả về vốn, tổ chức, khoa học và công nghệ.

Việt Nam luôn đứng trong top 3 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, với thị phần toàn cầu gần 20%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Richard Silberglitt (2013) thì Việt Nam dù thừa gạo để xuất khẩu song chỉ số an ninh lương thực lại đứng sau Singapore, Malaysia và Brunei, các nước gần như phải nhập khẩu gạo toàn bộ. Điều này cho thấy, an ninh lương thực của chúng ta mới chỉ đạt cấp quốc gia (tính theo trung bình đầu người) mà chưa có an ninh lương thực cấp hộ gia đình, bởi theo tiêu chí của FAO thì nhiều người chưa tiếp cận được lương thực hoặc không có tiền để mua lương thực. Như vậy, giải bài toán an ninh lương thực của các nước là dựa trên quy luật của lợi thế so sánh, họ sản xuất những ngành hàng có thu nhập cao hơn, ít rủi ro thị trường hơn và sẵn sàng nhập khẩu gạo. Tự hào là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà người dân sản xuất lúa gạo lại thuộc loại nghèo nhất cũng không còn mấy vinh quang.

Richard Silberglittcòn cho biết thêm, nếu chỉ số an ninh lương thực của Việt Nam đứng thứ 5/10 nước ASEAN thì chỉ số an ninh về nước còn đứng áp chót (thứ 9). Đây là thách thức to lớn thực sự, bởi để sản xuất ra 1 kg gạo cần tới 3.000-5.000 lít nước và hiện cây lúa sử dụng trên 40% lượng nước ngọt dùng trong nông nghiệp9. Chúng ta lại ở cuối nguồn 2 con sông lớn nhất của 2 đồng bằng (ĐBSH và ĐBSCL), nên vừa thiếu nước ngọt vừa bị xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Theo nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL thì lượng nước cần cho cây lúa trong vụ xuân hè là 4.038 m3/ha hay mỗi m3nước chỉ sản xuất được 0,94-1,45 kg thóc. Như vậy, thay vì chờ nguồn nước từ thượng nguồn, tại ĐBSCL rất có thể cần giành 5% diện tích để xây dựng các hồ chứa nước ngọt, ngay cả khi cần có thể chặn dòng một con sông nào đó.

Chính phủ và Bộ NN&PTNT cũng đã có chủ trương tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hay nuôi trồng thủy sản. Tại ĐBSCL, các chương trình khuyến khích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, cây ăn quả… đã được đẩy mạnh. Theo kế hoạch năm 2015, ĐBSCL phải chuyển đổi 112 nghìn ha. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa đạt do việc chuyển đổi gặp phải các vấn đề nan giải, đó là cơ giới hóa các khâu trong sản xuất và điều chỉnh hệ thống thủy lợi khi chuyển từ lúa sang ngô; vấn đề tiêu thụ sản phẩm, chế biến sâu để nâng cao giá trị, và hơn hết là vấn đề về hiệu quả kinh tế khi chuyển đổi chưa thật hấp dẫn.

Có một nguyên nhân thuộc về thể chế mà chúng ta thường ngại nói đến, đó là vấn đề tích tụ ruộng đất, thậm chí chuyển từ quyền sử dụng sang quyền sở hữu để đảm bảo việc tích tụ đất đai có hiệu quả. Các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra rằng, quy mô sản xuất lúa gạo càng lớn thì hiệu quả càng cao, do chi phí giảm, khả năng ứng dụng công nghệ mới cao và đặc biệt chất lượng hạt gạo cũng tốt hơn, đồng đều hơn.

Cùng với chính sách tích tụ đất đai, việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp có vai trò quyết định. Ở nước ta, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào công đoạn sản xuất lúa gạo bởi rủi ro lớn, hiệu quả thấp. Nhiều tài liệu cho thấy, các doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung cho các hợp đồng chính phủ (hiện chiếm 53% tổng lượng gạo xuất khẩu), do vậy, họ ít quan tâm đến chất lượng gạo cũng như mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu. Họ gần như được hưởng đặc ân về vốn, lãi suất ưu đãi cũng như thị trường. Do vậy, cần có chính sách để doanh nghiệp chịu trách nhiệm từ khâu sản xuất đến chế biến và thương mại lúa gạo, nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất như các cổ đông của doanh nghiệp. Nếu làm được, tình trạng nhiều giống, thu gom lẫn giống sẽ được loại trừ, cơ sở hạ tầng cho sản xuất lúa gạo sẽ được cải thiện và thương hiệu gạo sẽ dần được xây dựng. Trong quá trình này, vai trò hỗ trợ của Nhà nước về vốn và đất đai là rất quan trọng.

Hiện nay chúng ta xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo/năm, song chi phí và hiệu quả thực sự của con số này như thế nào vẫn chưa được tính toán. Đó là, lượng gạo xuất khẩu kia đã sử dụng bao nhiêu nước tưới, bao nhiêu phân bón và thuốc bảo vệ thực vật10. Theo điều tra của IRRI (2014) thì chi phí phân bón của Việt Nam cao gấp 1,21 lần so với Thái Lan, gấp 1,63 lần so với Indonesia, 1,68 lần so với Trung Quốc và 2,73 lần so với Ấn Độ. Hệ quả của sử dụng nhiều phân bón, chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật trên 1 ha lúa tại Việt Nam cũng cao hơn 1,1 lần so với Thái Lan, 3,7 lần so với Philipin và 2,38 lần so với Trung Quốc. Đó là chưa kể, lượng khí nhà kính bị phát thải ra môi trường, lượng nước (mặt và ngầm) bị phú dưỡng đã ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản và sức khỏe con người… Gần 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gạo hàng năm liệu đã đủ để đánh đổi các chi phí vật chất và môi trường?

Theo thống kê của FAO (7/2016), thương mại gạo toàn cầu giữ ổn định ở mức 40-42 triệu tấn và khó tăng thêm. Nhìn vào các nước xuất khẩu, có thể thấy họ đều là những nước ưu tiên cho sản xuất gạo chất lượng cao do vậy giá gạo cùng loại của Việt Nam luôn thấp hơn của các nước. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam thấp hơn của Thái Lan 44 USD/tấn năm 2011, 141 USD năm 2012, 127 USD năm 2013, 13 USD năm 2014 và 33 USD năm 2015. Còn trung bình 6 tháng đầu năm 2016 cũng thấp hơn 44 USD/tấn. Tương tự với gạo 25% tấm, giá gạo của Việt Nam thấp hơn của Thái Lan lần lượt là 44, 163, 147, 5 và 39 USD/tấn cho các năm 2011-2015. Xu thế giảm giá còn thể hiện rất rõ trong 6 tháng đầu năm 2016. Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo cũng cho thấy, giá gạo Thái 100% Grade B giai đoạn 2009-2014 cao hơn giá gạo Việt Nam 5% tấm là 26%, giá gạo Thái 25% tấm cao hơn giá gạo Việt Nam là 22%.

Như vậy, rõ ràng là chúng ta có vấn đề trong chiến lược phát triển lúa gạo. Cần phải thay đổi từ tư duy số lượng sang tư duy chất lượng, hiệu quả. Chúng ta không thể và không nên so sánh với Thái Lan, một nước có kinh nghiệm lâu đời, song hãy nhìn sang Campuchia, một nước tham gia thị trường xuất khẩu gạo muộn nhưng đã ưu tiên ngay cho sản xuất gạo phục vụ đa dạng hóa thị trường với trên 44% lượng gạo chất lượng cao. Mặc dù Việt Nam đã có trên 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu gạo, Campuchia mới chỉ có 5 năm, nhưng gạo của nước bạn đã có mặt ở 53 quốc gia và vào được những thị trường khó tính như Mỹ, EU. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn với 10 thị quen thuộc, chủ yếu là các nước có thu nhập trung bình và thấp thuộc châu Á, châu Phi và Mỹ La Tinh11. Campuchia còn có các loại gạo đặc sản như Phka Malis hay Phka Romdoul được bình chọn là loại gạo ngon nhất thế giới, giá bán hàng ngàn USD. Họ cũng đã có 8 thương hiệu gạo được đăng ký.

Việt Nam sẽ phát triển lúa gạo theo hướng nào?

Thứ nhất, cần xây dựng chiến lược dài hạn với mục tiêu chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi hoàn cảnh. Khi đó xuất khẩu gạo không còn là mục tiêu hàng đầu nữa. Đất lúa (không nhất thiết chỉ có đất sản xuất hiệu quả kém) được khuyến khích chuyển đổi sang cây trồng khác và chăn nuôi với nguyên tắc diện tích chuyển đổi có thể được tái sử dụng để trồng lúa nếu có yêu cầu. Các diện tích ven biển, trũng nên chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm của chăn nuôi và thủy sản, trái cây và rau không nhất thiết chỉ để xuất khẩu mà cần cho chiến lược sử dụng để cải thiện bữa ăn theo hướng chuyển dần từ an ninh lương thực sang an ninh dinh dưỡng. Khi đó, lượng tiêu thụ gạo trên đầu người của Việt Nam có thể giảm được 30%, từ 145 kg hiện nay còn khoảng 100 kg và tiến dần đến mức của Hàn Quốc, Nhật Bản là 65-70 kg gạo/người/năm. Điều này đồng thời cũng giúp chúng ta giảm áp lực sản xuất lúa.

Về tổ chức sản xuất, đây là khâu mang ý nghĩa quyết định nhất. Nhà nước và các bộ/ngành, địa phương thay vì tiến hành các hội nghị sản xuất vùng, đề xuất cơ cấu giống, kỹ thuật sản xuất… thì hãy tổ chức các hội nghị doanh nghiệp (phù hợp với định hướng hiện nay là Chính phủ kiến tạo, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi đối tác được tham gia kinh doanh bình đẳng), cung cấp các chính sách, tín hiệu thị trường, đồng thời tiếp thu các đề xuất, vướng mắc về cơ chế, thể chế để có thể đề xuất Chính phủ và địa phương cải thiện, tháo gỡ trong khả năng cho phép.

Thứ hai, nghiên cứu để có thể chuyển đổi một tỷ lệ nhất định diện tích đất lúa sang các cây trồng khác, thậm chí nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu gần đây của Trường Chính sách công Crawford, Đại học quốc gia Úc (2016) cho thấy, khi chúng ta chuyển đổi 19% diện tích đất lúa (khoảng 1,46 triệu ha) sẽ làm tăng GDP khoảng 5,5 tỷ USD trong 20 năm tới. Trong đó, tỷ lệ diện tích chuyển đổi tại ĐBSH là 6,35-9,71% và ở ĐBSCL là 8,58-11,75%)12. Cũng có thể giảm diện tích lúa bằng cách giảm vụ, gieo trồng các lúa cảm quang dài ngày, thay vì 3 vụ thì chỉ cần 1-2 vụ/năm tại ĐBSCL. Tuy nhiên, vấn đề tạo công việc cho người nông dân như thế nào để đảm bảo tính bền vững cần phải được tính toán.

Thứ ba,tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia đầy đủ vào chuỗi sản xuất, kinh doanh lúa gạo (từ vấn đề đất đai, vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa sản xuất, xử lý sau thu hoạch, cho đến xây dựng thương hiệu và xúc tiến thị trường). Nhà nước cần sớm thúc đẩy hiện thực hóa chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp vốn được đề ra song chưa khả thi.

Thứ tư, cần xem xét lại vai trò và hiệu quả của từng công đoạn trong chuỗi giá trị sản xuất. Hiện tại, chi phí sản xuất là cao nhất, chiếm đến khoảng 70% giá thành, cần có các tác động ngay để giảm xuống một cách tối đa. Hiện có nhiều công nghệ đã được ứng dụng để giảm chi phí vật tư và công lao động, nhất là các tiến bộ về phân bón, sử dụng nước tiết kiệm, sản xuất giống xác nhận…

Tổn thất sau thu hoạch là một vấn đề lớn của sản xuất lúa mà chưa có giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Theo Chiến lược quốc gia sau thu hoạch, tổn thất sau thu hoạch lúa vùng ĐBSCL khoảng 13,7%, ĐBSH và các vùng khác 11,6%, nhất là vụ hè thu ở ĐBSCL có lúc lên tới 30% (so với các nước ASEAN 10%, Nhật Bản 3,9-5,6%). Như vậy, với sản lượng 45 triệu tấn, hàng năm chúng ta đã mất đi trên 5 triệu tấn thóc/năm, tương đương sản lượng của gần 1 triệu ha trồng lúa (FAO đưa ra con số thấp hơn, tổn thất của Việt Nam khoảng 9,2% hay 2,7 triệu tấn gạo, tương đương 4,15 triệu tấn thóc). Việc sấy lúa hay bảo quản đều có những tồn tại lớn cần nhanh chóng khắc phục để không chỉ giảm tổn thất về số lượng mà còn giảm tổn thất về chất lượng.

Thứ năm, hiện chúng ta đã có bộ giống lúa khá phong phú. Theo điều tra của Cục Trồng trọt13, trongcả nước đang sản xuất 379 giống với 270 giống lúa thuần và 88 giống lúa lai, 21 giống lúa nếp. Tuy số lượng giống có giảm so với 5 năm trước đây (trên 500 giống), song vẫn còn cao, rất dễ dẫn đến sự mất đồng đều về chất lượng gạo. Tỷ lệ diện tích các giống chất lượng khá có tăng lên (ĐBSH có 8/10 giống nhóm đầu có chất lượng khá, song cũng mới chỉ chiếm trên 30% diện tích; tại ĐBSCL, nhóm 10 giống lúa dẫn đầu với 91,7% diện tích là lúa thuần, chất lượng khá nhưng chưa xây dựng được thương hiệu). Do vậy, phát triển giống lúa cần chia làm hai hướng: i) Ưu tiên cải tiến các giống lúa chất lượng (bao gồm cả lúa đặc sản, lúa nếp), đang được sản xuất quy mô khá trở lên, đã có thị trường để xây dựng vùng sản xuất tập trung. Đây là hướng đi phổ biến của Thái Lan, Ấn Độ và do vậy thương hiệu gạo luôn ổn định với các giống đã được thị trường biết đến; ii) Nghiên cứu tạo giống mới theo yêu cầu thị trường. Do vùng lúa hàng hóa chủ yếu tập trung ở ĐBSCL, với 99,2% là lúa thuần và chỉ 0,8% lúa lai thì tất cả nguồn lực hiện nay nên tập trung cho lúa thuần chất lượng.

Bên cạnh đó, việc tăng tỷ lệ giống xác nhận là rất quan trọng. Chỉ riêng việc thay giống thường bằng giống xác nhận có thể làm tăng năng suất 10-15%. Hiện nay, trên phạm vi cả nước, tỷlệ sử dụng giống xác nhận mới đạt 25-30% và do vậy dư địa cho tăng tỷ lệ giống xác nhận còn rất lớn.

Thứ sáu ,nâng cao mức độ đồng đều về năng suất của từng giống, từng vùng và quốc giacần được xem xét thông qua áp dụng các gói kỹ thuật đồng bộ. Hiện nay, chênh lệch năng suất của cùng một giống là rất lớn, nhiều nơi đã đạt năng suất bình quân gần 7 tấn/ha, song cũng có nơi chỉ 3-4 tấn/ha, làm cho trung bình năng suất cả nước thấp. Nếu lấp được 50% khoảng cách này, chúng ta cũng có thể tăng thêm ít nhất 3,5-4triệu tấn thóc. Các giải pháp nâng cao độ đồng đều có thể ứng dụng ngay là: nâng cấp hệ thống tưới, nâng cao chất lượng hạt giống, bón phân cân đối, bảo vệ cây trồng hiệu quả và giảm tổn thất sau thu hoạch.

Kết luận

Phát triển lúa gạo đang đối mặt với thách thức to lớn về BĐKH, cạnh tranh về đất đai với công nghiệp, đô thị và giao thông. Canh tác quá mức với việc thâm canh, tăng vụ làm cho suy giảm sức sản xuất của đất, ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính. Thêm nữa, sản xuất lúa gạo mang lại lợi nhuận thấp nên gần như không có doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lúa. Chi phí tăng cao cùng với thị trường bấp bênh làm cho người nông dân thực sự không yên tâm với nghề trồng lúa. Đã đến lúc, chúng ta cần đối xử với hạt gạo và người nông dân trồng lúa một cách công bằng hơn. Phải coi sản xuất lúa gạo không chỉ là vấn đề kinh tế, mà là lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế. Chuyển đổi một phần diện tích đất lúa hoặc giảm vụ một cách hợp lý cùng với việc tích tụ ruộng đất là xu hướng cần được xem xét. Việc bảo hiểm cho nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng cũng cần có giải pháp khả thi với sự quan tâm hiệu quả từ Nhà nước. Xuất khẩu gạo nên xem xét lại về mặt chiến lược dài hạn, lấy thu nhập của người dân sản xuất lúa gạo làm trung tâm.

Chú thích

1Với sản lượng 31,5 triệu tấn gạo năm 2015, giá xuất khẩu 353 USD/tấn (theo FAO Rice Market Monitor, 2016) cho gạo 5% tấm thì tổng giá trị của lúa gạo chỉ đạt 11,12 tỷ USD so với GDP quốc gia 204 tỷ USD, dẫn theo Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) ngày 5/12/2015 tại Hà Nội.

2Cục Trồng trọt, 2016.

3Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 2016.

4Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH, 2016.

5Theo báo cáo đánh giá lần thứ 5 (AR5) của IPCC, kịch bản phát thải khí nhà kính SRES (Special Report on Emission Scenarios) được thay thế bằng kịch bản RCP (Representative Concentration Pathways) mô tả 4 kịch bản phát thải khí nhà kính, nồng độ khí quyển, phát thải các chất ô nhiễm và sử dụng đất khác nhau trong thế kỷ XXI. RCP2.6 là nhóm kịch bản thấp, RCP4.5 và RCP6.0 là nhóm kịch bản phát triển ổn định trung bình, còn RCP8.5 là cao. Ở Việt Nam, các nhà dự báo theo hai kịch bản về nồng độ khí nhà kính trung bình thấp (RCP4.5) và kịch bản cao (RCP8.5).

6Bộ NN&PTNT, 2016.

7Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, 2016.

8Theo Tổng cục Thống kê năm 2011, 85% hộ trồng lúa trên cả nướccó diện tích sản xuất dưới 0,5 ha(riêngĐBSH 98% hộ trồng lúa có diện tích dưới 0,5ha). Tại ĐBSCL quy mô sản xuất có lớn hơn, trung bình 1ha/hộ, song vẫn còn 38,4% hộ sản xuất dưới 0,5ha,48,2% hộ từ 0,5đến 2ha và 13,4% hộ có diện tích trên 2ha. Mức hạn điền 3ha đối với ĐBSCL, 2ha đối với các khu vực khác là một trong những rào cản đối với tăng quy mô sản xuất nông hộ.

9Tô Phúc Tường, 2012.

10Theo tính toán của chúng tôi, khoảng 70% của 11 triệu tấn phân bón các loại (khoảng 3,0-3,5 tỷ USD) và 130 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật (khoảng 750 triệu USD) được sử dụng cho cây lúa.

11Báo Đất Việt ngày 3/9/2015.

12Tom Kompas, 2016.

13Trần Xuân Định, 2016.


PGS.TS Nguyễn Văn Bộ

Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: Tạp Chí KH&CN

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay319
  • Tháng hiện tại51,416
  • Tổng lượt truy cập2,912,158
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây