Nông nghiệp công nghệ cao không chỉ là nhà kính

Thứ tư - 26/10/2016 23:00 378 0
Theo GS-TS Nguyễn Quốc Vọng - giảng viên Đại học RMIT Australia, người có thời gian làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực rau quả từ năm 2007 đến nay - khi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Việt Nam không nên chạy đua theo mô hình nhà kính mà cần coi trọng.

Công nghệ cao cần cho cánh đồng lớn

Thưa giáo sư, ông có thể chia sẻ nhận định của mình về mức độ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp Việt Nam hiện nay?

Tôi từ Australia trở về Việt Nam làm việc đến nay đã 10 năm. Qua thời gian đó, tôi nhận thấy những công nghệ tiên tiến phục vụ nông nghiệp mà thế giới đang có thì Việt Nam cũng đều có. Vì vậy, trong vấn đề phát triển nông nghiệp, tôi không lo lắng chuyện Việt Nam có kịp thời đưa công nghệ về nước hay không mà quan tâm đến việc chúng ta ứng dụng, quản lý nó như thế nào.

Thời gian tôi còn làm việc ở Australia, khi đón đoàn Việt Nam sang thăm, tôi thường nhận được câu hỏi: "Ông có thể đưa chúng tôi đi thăm khu nông nghiệp công nghệ cao?". Tôi trả lời: "Ở Australia công nghệ nào cũng cao". Tôi nói vậy vì hiện nay trong nông nghiệp, Australia đều áp dụng công nghệ cao.

 

3.jpg
Trồng dưa Kim hoàng hậu trong nhà lưới theo công nghệ tưới nhỏ giọt tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn Sao vàng (Thanh Hóa). Ảnh: Loan Lê
http://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/10/20/690khu-nong-nghiep-cnc-lam-son.gif

Không nên nghĩ công nghệ cao là nhà kính, tưới tiêu nhỏ giọt. Ở Australia cũng như Việt Nam, công nghệ này chỉ được dùng một phần rất nhỏ trong diện tích rất lớn. Công nghệ nhà kính, tưới nhỏ giọt hay thủy canh theo tôi chỉ sử dụng trong những vùng ven đô cách thị trường 5-7km, xa nhất khoảng 50km. Còn nông nghiệp công nghệ cao tiêu chuẩn thực thụ là cách xa thị trường 1.000- 2.000km.

Ở Australia có những thửa ruộng 500ha và trồng theo luống, buộc lòng luống phải làm thẳng tắp, nước chạy phải đều từ đầu đến cuối luống. Để làm được như vậy, họ nhờ vệ tinh. Vệ tinh có thể phóng hướng dẫn đường cày, làm đường cày thẳng, có thể chụp hình thửa ruộng để biết chỗ này dư đạm, thiếu đạm..., giúp nông dân biết được tình trạng cây trồng để phản ứng kịp thời. Đấy là công nghệ cao. Nhưng người dân không tự phóng vệ tinh lên trời được, vì vậy cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Chúng ta nên nhớ 90% diện tích nông nghiệp nằm ở ngoài đồng và trồng theo phương thức truyền thống, đều có thể ứng dụng công nghệ cao. Việt Nam có rất nhiều công nghệ cao nhưng phải biết công nghệ cao đó ứng dụng ở đâu. Riêng tôi thấy Việt Nam cũng như Australia, trồng ngoài đồng, trồng theo luống, nhà lưới... Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ cao trên cánh đồng lớn ở Việt Nam chưa hiệu quả mà mới chỉ tập trung vào những mô hình nhà kính với diện tích không nhiều.

Phải nghĩ đến sản xuất chuỗi

Theo giáo sư, việc phát triển công nghệ cao trong nhà kính, nhà lưới ở Việt Nam đã thật sự hiệu quả?

Nếu phô trương công nghệ cao theo kiểu chạy đua làm những gì thế giới làm thì sẽ đội giá thành lên rất cao và không có lãi. Yêu cầu của thị trường đối với nông sản sẽ bao gồm giá rẻ, chất lượng cao, an toàn thực phẩm nên Việt Nam phải nhắm vào ba yếu tố đó để phát triển sản phẩm của mình.

Mô hình trong nhà kính chỉ sử dụng cho vùng ven đô, trong thành phố, còn đại trà vẫn là trồng bên ngoài. Do đó công nghệ cao không phải chỉ xuất hiện trong nhà kính, tưới tiêu nhỏ giọt... mà phải giúp người trồng ngoài đồng có năng suất cao, chất lượng tốt và giá thành rẻ. Không cần công nghệ cao vẫn có thể an toàn. Công nghệ hữu cơ có thể sử dụng rất truyền thống, không phân bón, không thuốc bảo vệ thực vật nên không nhất thiết phải đầu tư nhiều.

Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động của biến đổi khí hậu nhiều nhất. Chúng ta bị hạn hán, lũ lụt, lạnh, nạn thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long vì bị chặn ở đầu nguồn. Vì vậy, cần phải ứng dụng những giống cây trồng mới hấp thụ ít nước hơn, chống chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết để đảm bảo năng suất, chất lượng.

Khi sản xuất nông sản, chúng ta phải nghĩ đến sản xuất chuỗi. Có nghĩa là từ khi bắt đầu phải quan tâm đến giống tốt, năng suất cao, cân bằng chế phẩm như thế nào. Sau khi thu hoạch, phải tìm cách giữ cho chất lượng nông sản đó càng cao càng tốt.

Công nghệ sau thu hoạch còn phôi thai

Vậy giáo sư đánh giá như thế nào về việc ứng dụng công nghệ cao sau thu hoạch và bảo quản, chế biến ở Việt Nam?

Ở nước ngoài có hai cách để bảo quản. Cách thứ nhất là giữ trong nhiệt độ lạnh để thực phẩm tươi lâu. Cách thứ hai là thu hoạch lúc rau quả còn xanh và dùng khí ethephon để làm chín. Ví dụ, cà chua được sử dụng ethephon có chất lượng tốt, khi ra thị trường quả vẫn cứng mà vỏ vẫn chín đẹp. Nhờ hai công nghệ này, Australia không chỉ cung cấp đủ lượng rau quả trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Ở Việt Nam, việc bảo quản rau quả trong phòng lạnh đã hiếm, sử dụng ethephon còn hiếm hơn nên bị thua thiệt. Trong vấn đề sử dụng công nghệ sau thu hoạch, mình đã đi sau các nước tiên tiến khoảng 40 năm. Nếu cứ chờ đến khi quả chín, trong quá trình thu hoạch sẽ bị hư dập, thối, mềm, làm thiệt hại khoảng 30% sản lượng.

Ví dụ nếu trồng cà chua cách xa thị trường khoảng 1.000km, chúng ta sẽ thu hoạch khi quả gần chín; trước khi đưa ra thị trường sẽ cho sử dụngethephon. Ngày hôm sau cà chua sẽ chín và có thể xuất khẩu đi khắp thế giới mà vẫn giữ được chất lượng.

Tôi cho rằng công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến của Việt Nam còn phôi thai so với một đất nước được gọi là "đại gia" xuất khẩu nông sản như gạo, càphê, hạt điều… Công nghệ chế biến sau thu hoạch của Việt Nam chưa xứng tầm với từ "đại gia" đó. Khi mình sản xuất nông sản thì phải phát triển song song công nghệ chế biến, thế nhưng mình lại chú trọng về con số và mặt hàng thô. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta xuất khẩu hạt càphê, nếu có công nghệ chế biến thì sẽ xuất khẩu thêm càphê rang, càphê bột - những sản phẩm có giá trị gấp nhiều lần càphê thô.

Với bất kỳ mảng sản xuất nào, chúng ta cũng cần nghĩ đến sản xuất theo chuỗi, không chỉ có hạt giống mà còn vấn đề sau thu hoạch, chế biến, bao bì, hướng đến xuất khẩu.

Vậy Việt Nam có thể áp dụng giải pháp gì để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, thưa giáo sư?

Bảo quản rau quả sau thu hoạch theo cách giữ trong phòng lạnh hay dùng ethephon chỉ giúp bảo quản trong thời gian nhất định, khoảng 3-4 tuần. Vì vậy cần đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến. Công nghệ này sẽ làm tăng giá trị của rau quả, đồng thời giữ chất lượng tốt. Tuy nhiên, việc xây dựng một xưởng chế biến cần đầu tư lớn nên nông dân không thể làm được. Nhà nước phải giúp doanh nghiệp tổ chức những công xưởng như vậy.

Theo tôi, nếu phát triển công nghệ chế biến rau quả, chúng ta sẽ cung cấp thêm công ăn việc làm cho người dân ở nông thôn, giảm được tình trạng nông dân lên thành phố tìm việc làm. Vì vậy, việc phát triển công nghệ chế biến sẽ rất có lợi cho các mặt hàng xuất khẩu và thúc đẩy phát triển lao động, mang lại lợi ích về mặt xã hội.


Nguồn: Loan Lê (Báo Khoa học và Phát triển)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay1,902
  • Tháng hiện tại78,170
  • Tổng lượt truy cập2,833,292
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây