Những năm qua, với những giá trị kinh tế mà cây nhãn mang lại, nhãn được xem là một trong những loại cây trồng kinh tế mũi nhọn của huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Nhằm phát huy hơn nữa thế mạnh của loại cây ăn trái này, năm 2017, huyện Châu Thành dự kiến triển khai dự án sản xuất nhãn theo hướng VietGAP lớn nhất từ trước đến nay trên diện tích 100ha tại cù lao An Nhơn.
|
Nhà vườn chăm sóc nhãn ở huyện Châu Thành |
Dự kiến trong năm 2017, nông dân ở xã An Nhơn sẽ được các chuyên gia đầu ngành về cây ăn trái từ Trường Đại học Cần Thơ và cán bộ nông nghiệp địa phương hỗ trợ kỹ thuật sản xuất theo qui trình VietGAP và áp dụng kỹ thuật cho nhãn ra trái rải vụ. Sau khi hoàn thành dự án, địa phương sẽ hỗ trợ nông dân chi phí chứng nhận VietGAP, dự kiến dự án sẽ được hoàn thành trong năm 2018.
Ông Phan Văn Sum, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, hiện nay với diện tích trên 3.300ha, trung bình mỗi năm huyện Châu Thành cung cấp khoảng hơn 5 ngàn tấn nhãn thương phẩm cho thị trường xuất khẩu và trong nước. Với mức giá trung bình từ 22 - 38 ngàn đồng trong năm 2016, cây nhãn đã mang thu nhập kinh tế khả quan cho nhiều nhà vườn ở huyện Châu Thành. Nhằm mở rộng diện tích sản xuất nhãn được chứng nhận và kiểm duyệt chất lượng năm 2017, huyện sẽ triển khai dự án sản xuất nhãn theo hướng VietGAP và áp dụng rải vụ cho cây nhãn. Đây được xem là bước đệm để nông dân trồng nhãn hướng đến chuẩn hóa nông sản của mình, phát triển dần dần theo hướng chuyên nghiệp.
"Được biết về thông tin Nhà nước hỗ trợ mô hình sản xuất sạch trên nhãn, bà con nhà vườn ở An Nhơn rất phấn khởi. Bởi tham gia dự án này, nông dân chúng tôi sẽ tiếp cận với những quy trình sản xuất tiên tiến hơn, từ đó giá thành sản xuất sẽ giảm hơn, năng suất tăng và đặc biệt đây là nền tảng để chúng tôi có thể chủ động hơn về thị trường đối với sản phẩm của mình" - ông Trương Văn Rồi, Giám đốc Hợp tác xã nhãn huyện Châu Thành bộc bạch.
Mỹ Lý
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Ý kiến bạn đọc